Hành trình đi tìm đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày cuối tháng 3/2022, tôi may mắn được theo cán bộ, chiến sĩ Đội K53 (Bộ CHQS tỉnh) đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ (HCLS) quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào qua các thời kỳ chiến tranh.

Địa điểm được xác định tìm kiếm trong chuyến đi này ở bản Nỏng Tàu, huyện Pắc Sòng, tỉnh Chămpasắc, cách chỗ chúng tôi ở khoảng 15 - 20 km.

 

Ông Khăm Xảy Đuông Khăm Sỏng cùng cán bộ Đội K53 xác định vị trí chôn cất các HCLS. Ảnh: TK
Ông Khăm Xảy Đuông Khăm Sỏng cùng cán bộ Đội K53 xác định vị trí chôn cất các HCLS. Ảnh: TK


Đi cùng chúng tôi có ông Khăm Xảy Đuông Khăm Sỏng, cựu chiến binh Lào, ông đã có thời gian chung chiến hào, sát cánh với bộ đội Việt Nam đánh Mỹ, ông biết về thông tin vị trí 3 ngôi mộ liệt sĩ, nên dẫn đường cho Đội K53 tìm kiếm.

Do địa hình, địa vật thay đổi theo năm tháng, những ngôi mộ đã bị thời gian, mưa nắng xóa dần, không để lại một dấu tích gì trên mặt đất phẳng lì nên anh em đào rất nhiều hố sâu, nhưng vẫn chưa phát hiện  mộ liệt sĩ.


 

Đội K53 tiến hành khai quật mộ liệt sĩ. Ảnh: TK
Đội K53 tiến hành khai quật mộ liệt sĩ. Ảnh: TK


Cuối cùng thì công sức các anh bỏ ra đã được đáp lại, khi phát hiện ra một vị trí đất bị trũng xuống. Tất cả đều reo mừng và thông báo cho tôi biết, đây chắc chắn là một ngôi mộ, khi đào xuống độ sâu 50cm, bắt đầu lộ dần tấm tăng đã mục nát, từ đó trở đi anh em phải dùng tay đào nhẹ từng lớp đất, săm soi thu lượm di cốt cùng những di vật của liệt sĩ, đưa lên đặt cẩn thận theo thứ tự không bỏ sót một vật gì rồi làm thủ tục khâm liệm.

Theo kinh nghiệm, anh em tiếp tục tìm kiếm hai HCLS còn lại. Khi cả 3 HCLS được tìm thấy, toàn đội đứng hàng ngang, trang nghiêm và thành kính mặc niệm trước di cốt của liệt sĩ.

Trung tá Trịnh Mạnh Đạt, Trợ lý dân vận - chính sách Đội K53 chia sẻ: “Khi tìm thấy hài cốt đồng đội, mọi vất vả, khó khăn đều như tan biến. Trái lại, nỗi buồn không thể tả xiết của anh em là khi đào lên không thấy hài cốt đâu, lúc đó anh em ăn không ngon, ngủ không yên, lương tâm cắn rứt”.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên mùa khô 2021-2022, Đội K53 sang làm nhiệm vụ tại 3 tỉnh Nam Lào (gồm Attapư, Sêkông, Chămpasắc) muộn hơn so với các năm trước. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, Đội K53 đã tranh thủ thời gian đến từng bản nắm bắt và khai thác thông tin từ các cựu chiến binh, người già về nơi chôn cất liệt sĩ. Đến nay, ngoài 3 HCLS được tìm thấy tại bản Nỏng Tàu, huyện Pắc Sòng, tỉnh Chămpasắc, Đội K53 đã tìm được 3 HCLS ở trên địa bàn 2 tỉnh Attapư và Sêkông.

Thượng tá Lê Công Khoa - Đội trưởng Đội K53 cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, tăng cường công tác dân vận tạo mối quan hệ đoàn kết với chính quyền, nhân dân nước bạn; tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thêm thông tin mộ chí. Toàn đội quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ Đội K53, đặc điểm nơi các liệt sĩ nằm lại thường là ở các khu vực đồi núi hiểm trở, phức tạp, xa khu dân cư. Để thực hiện công việc tìm kiếm, họ chủ yếu sẽ phải hành quân bộ. Hiểm nguy luôn rình rập bởi nhiều nơi bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh.

Ở hướng Campuchia, qua điện thoại, Trung tá Lý Huỳnh Kiên - Chính trị viên Đội K53 cho biết cũng đã tìm được 4 HCLS ở trên địa bàn các huyện Ô Chum, Ô Zơ của tỉnh Rattanakiri. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh em luôn đoàn kết, gắn bó, giúp nhau vượt qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hành trình đi tìm kiếm, quy tập HCLS quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào và Campuchia luôn có những khó khăn, nguy hiểm, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đội K53 vẫn không chùn bước. Trái tim, khối óc thôi thúc các anh lên đường, tới những cánh rừng năm xưa các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả để tìm kiếm hài cốt đưa về đất mẹ.        

https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/hanh-trinh-di-tim-dong-doi-23197.html

Theo TRUNG KIÊN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.