Hạnh phúc...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khó diễn giải một cách rạch ròi cho hai từ Hạnh phúc, bởi mỗi người đều có lý lẽ cho riêng mình. Còn tôi - hạnh phúc là lúc này, khi còn được bình yên để nghĩ và viết về những điều lành lặn của cuộc sống mà không nhiều người làm được trong thời khắc sóng gió vì đại dịch trên dải đất hình chữ S này.
 

Hạnh phúc là khi mỗi sáng thức dậy, được nhìn bầu trời ngoài kia trong xanh; cây lá trong vườn vừa nhú thêm một chồi non; một đóa hoa vừa xé nụ khoe sắc đỏ. Tiếng chim non gọi mẹ. Tiếng chim mẹ gọi bầy đón ngày tươi mới.
 
Hạnh phúc là khi được hít thật sâu dòng khí trời mát rượi, trong lành; được thay bộ quần áo tươm tất trước giờ đi làm; được uống ly cà phê có đủ vị ngọt đắng của cuộc sống... chứ không phải hít thở dòng oxy từ chiếc máy chỉ dành cho những bệnh nhân đang trở nặng, hay chỉ một bộ quần áo nóng rát giống nhau mỗi ngày chăm sóc người bệnh mà không có sự lựa chọn và viên thuốc đắng mỗi ngày mà thay cho ly cà phê đủ vị mỗi sáng như thói quen thường nhật.
 
Hạnh phúc là trên con đường đi - về mỗi ngày không nghe tiếng còi hụ từ những chiếc xe cứu thương vội vã khiến lòng người bất an; không thấy những đôi mắt đỏ hoe của người thân, bạn bè trước những cái chết tức tưởi vì dịch bệnh và không phải chứng kiến những đoàn xe tang lặng lẽ nối đuôi nhau trước lò hỏa táng chờ đến lượt hóa kiếp.
 
Hạnh phúc là mỗi ngày giở từng trang báo, dù đọc vội được nhận ra người nhiễm bệnh từ 5 con số xuống còn 4 con số; 4 con số xuống còn 3 con số và cứ mong sẽ không còn con số nào trong bảng thống kê về số người nhiễm bệnh. Và hạnh phúc hơn nhiều khi vừa mới đây thôi, thằng em đồng nghiệp từ Sài Gòn báo rằng: Anh ơi, mẹ và cả gia đình em gái của em không ai trở nặng vì COVID-19. Tất cả đều khỏe, xuất viện rồi anh à!
 
Hạnh phúc là khi những ký gạo, mớ rau, con cá khô mặn muối... trao tay trong những ngày Sài Gòn trở bệnh. Mấy tháng rồi thành phố ốm, nhưng đã có những tấm lòng luôn nghĩ về nhau; những ánh mắt thương cảm và chia sẻ; những phần quà cùng một đích đến để những mảnh đời bất hạnh nhận ra mình có một giá trị sống như bao người khác chứ không phải là một sự tồn tại. Ở đâu đó nơi góc phố, người với người lại í ới gọi nhau chia phần cứu trợ; san sẻ tấm lòng và cả những nụ cười gần xa hướng về những phận người nghèo khó.
 
Hạnh phúc là khi những người anh, người chị, người em mặc áo Blouse trắng và cả những đứa con, đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học từ miền Bắc, miền Trung và vùng đất Nam Tây Nguyên này vẫn ngày ngày hướng về tâm dịch. Xắn tay kiểm dịch; in bước chân trong từng ngõ hẻm; miệng nở nụ cười mà trao niềm tin đến với mọi người về một ngày chiến thắng dịch bệnh. Nhưng... sẽ thật hạnh phúc hơn, hạnh phúc thật nhiều nếu không có những người anh, người chị, người em mặc áo Blouse trắng lặng lẽ về lòng đất mẹ, khi mới hôm qua thôi còn hết lòng cứu chữa những bệnh nhân nguy kịch vì đại dịch.
 
Hạnh phúc là khi những người lính Bác Hồ trở thành người đi chợ cho các bà nội trợ. Mớ rau, con cá... trao đến tận nhà để mỗi người dân yên tâm chống dịch. Đất nước gọi, Nhân dân cần, các anh lên đường dẫu phía trước là những ngày gian nan; dẫu phía trước là những ngày cơ cực của người lính thời bình.
 
Hạnh phúc là khi những đoàn xe nối đuôi nhau hướng về miền Nam ruột thịt. Những chuyến xe nặng nghĩa nặng tình chuyển từng cây rau, trái bầu, trái bí, con cá, củ hành... từ những tấm lòng thơm thảo. Những tấm lòng thơm thảo ấy được chắt chiu từ mảnh vườn của người nông dân một nắng hai sương. Những tấm lòng thơm thảo ấy được nhóm lên từ những chàng trai, cô gái còn rất trẻ không muốn ghi tên trên phần quà trao tặng và những tấm lòng thơm thảo ấy còn được góp lại từ con heo đất của đứa bé nhà nghèo hay chút tiền còm của người ông, người bà nơi xóm trọ dành dụm nuôi nấng tuổi già....
 
Hạnh phúc là khi còn được nghĩ và viết. Và hạnh phúc hơn là khi chưa thể kể hết những câu chuyện ân tình...

 

Theo VĂN QUANG (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Vui buồn phóng viên cơ sở

Vui buồn phóng viên cơ sở

(GLO)- Với đội ngũ phóng viên ở cơ sở-những người đang công tác tại các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao (VH-TT-TT), việc vừa khai thác thông tin, chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, dựng hình, đọc phát thanh... là chuyện thường ngày.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null