Hoa của mùa thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có một mùa thu không trở lại. Có nhiều mùa thu không trở lại. Có những khoảnh khắc tưởng chừng rơi vào lãng quên, nhưng rồi lại thành chiếc neo của kỷ niệm. Nhất là khi tình cờ, ta chạm phải một tín hiệu gợi nhớ. Gợi thu. Thì cảm xúc hôm nào, hình ảnh hôm nào bỗng bừng sống lại. Như vừa hôm qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Hoa sữa, với thời thiếu nữ của tôi và bạn bè cùng trang lứa, nó chỉ là hình ảnh tưởng tượng ở trong nhạc và thơ. Đó là loài hoa giăng giăng cả miền tưởng tượng “Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ” (N.P.H). Mùi hoa tan trong áo em và mái tóc. Mùi hoa nào thoáng mùi hương êm đềm. Toàn là màu kỷ niệm tinh khôi, thấm đẫm chất lãng mạn, tiếc nuối của tình yêu mong manh như sương khói. Rồi “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng…”. Hoa sữa bấy giờ, dường như là đặc ân của đất trời dành cho Hà Nội. Là mùi hương đặc trưng của đêm thu ngây ngất quanh hồ Gươm, tỏa ngan ngát những con phố cổ. Hoa thơm lừng phố. Là loài hoa của trí tưởng tượng mộng mơ nhất thời thanh xuân. Đẹp như một ước lệ tình đầu. Tuyệt nhiên, thuở ấy, chúng tôi không có bất cứ phương tiện tra cứu hình ảnh nào, nên hoa cứ thế mà bay bổng trong miền yêu.

Mang cảm xúc ấy đến Hà Nội vào một ngày cuối thu năm 1995, tôi chỉ ước rằng, được nhìn thấy hoa “bằng xương bằng thịt”. Tôi mơ một vài đóa nở muộn. Kỷ niệm chuyến tham quan ngắn ngủi thời sinh viên của tôi không nhiều nhưng thật ấn tượng. Đó là được anh Dũng chở bằng xe đạp lóc cóc lòng vòng phố phường. Hà Nội thuở ấy thưa vắng và hiền hòa. Đó là được chị Hà chở trên chiếc Chaly trong cái lạnh buốt khuya vắng của những con đường tên đã gọi quen, được tận mắt thấy những gánh hàng hoa đẹp như thơ làm mềm con phố. Đó là đi dạo hồ Gươm một mình và trở lại nơi xuất phát thì không tìm ra phố Hàng Trống đâu. Đó là nhờ bác xe ôm chở đi viếng lăng Bác, cũng một mình, vì ngày theo lịch đi cùng lớp, tôi với chị Hương lại đi chơi riêng với bạn bè - những người bạn Hà Nội nhiệt tình, mến khách và giọng nói thì, ôi thôi dễ thương hơn cả giọng phát thanh viên tôi từng nghe. Tôi chưa kịp cảm nhận gì nhiều về Hà Nội thì ngày chia tay đã đến. Tôi vẫn chưa được chạm vào cây hoa sữa, chùm hoa sữa nào. Thế có tiếc không? Thật bất ngờ, lúc đoàn chúng tôi lên xe, anh Dũng xuất hiện. Một bài thơ viết dở trong cuốn sổ tay vì cây bút hết mực, tôi vẫn còn nhớ: Đêm dần buông/Ghế đá trầm tư ngồi đó/Sương thầm giăng/Như nhắc một thời đã qua… (gởi tặng các bạn sinh viên sư phạm Huế). Và đặc biệt hơn: một cành hoa sữa nhỏ. Chao ôi! Cành thu Hà Nội riêng dành cho tôi. Bất ngờ hạnh phúc. Chùm hoa trắng xanh tròn tròn, vô số hoa li ti trên cành lá xanh đậm. Hương đêm còn đọng lại trên cành, phảng phất mùi dịu dàng, thoang thoảng.

Tôi đã chạm tay vào niềm mơ ước thanh xuân… Mang về đến Huế sau chặng đường xe gần hai ngày, hoa đã héo queo nhưng lòng tôi tràn đầy bâng khuâng, lưu luyến. Tôi mang về tất cả những cảm xúc thơ mộng nhất từ phố phường Hà Nội, từ những người bạn mới gặp lần đầu mà ngỡ rất thân quen. Hình như màu hoa sữa chính là màu nắng thu, dịu nhẹ, chơi vơi. Mỗi bông hoa bé tí trong chùm hoa tròn như loài cẩm cù, long lanh, say đắm. Mùa thu treo trên cao. Hèn chi Hà Nội cứ mơ màng mỗi vào mùa hoa sữa?

Giờ đây, hoa sữa không còn của riêng Hà Nội. Loài hoa nồng nàn của mùa thu được trồng khắp nơi. Quê tôi cũng có. Nhưng nếu trồng dày san sát, hoa sữa non tơ sẽ tỏa mùi rất đậm. Nên mỗi con đường hay góc phố, chỉ cần thì thầm một tín hiệu thu.

Bất chợt một mùi hoa, người thường giật mình thêm một mùa thu đến, thêm một mùa sẽ qua. Bất chợt một loài hoa, nở bừng màu kỷ niệm. Tôi nghe gió mùa thu rất ân cần khẽ luồn qua mái tóc, thơm từng cơn gió. Xôn xao.

Theo NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.