Hạnh phúc của người đàn ông vươn lên từ số phận nghiệt ngã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tôi mến cô ấy nhưng không dám nghĩ đến chuyện yêu đương vì bản thân mình khi ấy như vậy, đâu đủ lạc quan để nghĩ đến điều lớn lao đó. Thế rồi, sau những tháng ngày chuyện trò, giúp đỡ nhau từng hộp cơm trong bệnh viện, chúng tôi dành cho nhau tình cảm đặc biệt.

Cô ấy đã dũng cảm cùng tôi xây dựng tổ ấm. Lúc ấy, tôi chỉ biết thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được cô ấy”, anh Hùng kể.

 

Niềm vui của vợ chồng anh Hùng là có những đứa con ngoan hiền.
Niềm vui của vợ chồng anh Hùng là có những đứa con ngoan hiền.

“Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp cô ấy”

Đến thôn Lý Chánh (xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), hỏi thăm tiệm sửa xe của anh Nguyễn Văn Hùng (43 tuổi) không ai là không biết. Bởi tiệm sửa xe gắn biển hiệu “Hùng” đã quá nổi tiếng ở nơi miền biển này.

Thấy khách đến, người đàn ông cố nâng đôi bàn tay yếu ớt vịn chiếc xe và lăn từng vòng xe nặng nề, nở nụ cười hiền lành đón khách. Đó chính là anh Nguyễn Văn Hùng.

Điều đặc biệt, người chủ và nhân viên duy nhất tại tiệm sửa xe này đều mang trên mình những khiếm khuyết. Đôi chân của ông chủ Hùng đã không đi lại được nữa; còn anh nhân viên thì lại bị câm điếc. Vậy mà không hiểu sao, khách hàng cứ ra vô nườm nượp.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hùng hồi tưởng: “Cách đây 18 năm, chẳng may tôi gặp phải tai nạn giao thông khi đang đi làm thuê kiếm sống ở tỉnh Đắk Lắk. Lúc ấy, gia đình tôi chạy vạy, vay mượn khắp nơi để lo chữa trị. Đi từ bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện ở TP.Hồ Chính Minh, từ thuốc tây đến thuốc đông y để chữa trị. Thế nhưng, đôi chân tôi đã không thể đi lại được, từ đó việc di chuyển đành nhờ vào chiếc xe lăn này”.

Từ một thanh niên làng biển trai tráng khỏe mạnh, không may gặp tai nạn rồi lâm vào cảnh tàn phế, cuộc đời anh Hùng ngỡ đã rơi xuống vực thẳm. Đã có lúc, cái chết hiện lên trong suy nghĩ của người thanh niên này.

“Lúc đó, tôi cứ ngỡ cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa khi mất đi một phần cơ thể. Tàn phế đôi chân, mọi thứ trên đời đối với mình rất tối tăm, rơi vào cảnh túng quẩn, không lối thoát. Nhưng rồi, cuộc đời tôi cũng gặp được may mắn”, anh Hùng tâm sự.

May mắn mà anh Hùng nói đến là những ngày tá túc ở Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.Quy Nhơn để chữa trị, anh gặp được chị Nguyễn Thị Thìn (ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, sau này là vợ anh) như một cơ duyên định mệnh. Chị Thìn đến và trao cho anh “đôi cánh” tình yêu, nhấc bổng anh lên khỏi vực thẳm tăm tối để làm lại cuộc đời.

“Tôi gặp cô ấy trong lúc chữa trị tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.Quy Nhơn. Lúc đó, cô ấy đi nuôi người chị cũng bị tàn tật, còn tôi đang điều trị với hy vọng cứu vãn đôi chân của mình. Tôi mến cô ấy nhưng không dám nghĩ đến chuyện yêu đương vì bản thân mình khi ấy như vậy, đâu đủ lạc quan để nghĩ đến điều lớn lao đó.

Thế rồi, sau những tháng ngày chuyện trò, giúp đỡ nhau từng hộp cơm trong bệnh viện, chúng tôi dành cho nhau tình cảm đặc biệt. Cô ấy đã dũng cảm cùng tôi xây dựng tổ ấm. Lúc ấy, tôi chỉ biết thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được cô ấy”, anh Hùng kể.

Tuy nhiên, lúc có ý định lấy anh, gia đình chị Thìn phập phồng nỗi lo cuộc sống của chị sau này. Hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ, thế nhưng chị Thìn vẫn quyết định rời quê.

“Sau gần 3 năm, khăn gói ra Bình Định thì tôi mới nhận được sự chấp thuận từ gia đình. Năm 2003, chúng tôi lấy nhau chỉ vỏn vẹn vài mâm cơm đạm bạc cùng sự chung vui của hai họ nhưng niềm hạnh phúc thì vô bờ bến. Tình yêu đã mang chúng tôi đến với nhau bằng tất cả chân thành”, chị Thìn tâm sự.

Vượt qua định kiến, đắp bồi hạnh phúc

Sau khi cưới nhau, ngày ngày, đôi tay nhỏ thó của chị Thìn vẫn đều đặn xoa bóp bàn chân người chồng những lúc trái gió trở trời. Chị quần quật bên anh, hết chuyện bếp núc, con cái lại lo cho chồng từ việc cỏn con nhất như vệ sinh, tắm rửa... Người dân xã biển Nhơn Lý ví chị như một con thoi cứ rong ruổi mãi mà chẳng biết mệt mỏi hay điểm dừng.

Trong khi đó, cưới được vợ, anh Hùng như tìm được nguồn động lực để sống. Tàn phế đôi chân nhưng vẫn còn đôi bàn tay để lao động. Vậy nên, anh học cách sửa đồng hồ. Nhờ tính cần cù, sau 3 tháng học xong, vợ chồng anh che tạm túp lều nhỏ trên mảnh đất nhờ của người bà con để kiếm sống qua ngày. Khi nghề sửa đồng hồ không còn thịnh, anh lại tự tay mày mò và dựng nên tiệm sửa xe đạp, xe gắn máy.

Chưa qua một khóa học chỉn chu nào để trang bị kiến thức làm nghề, vậy mà giờ đây anh là một trong những thợ sửa xe có tiếng tại xã biển này.

“Vậy là tròn 11 năm tôi gắn với nghề. Tôi nhờ mảnh đất này của người bà con để mở tiệm, đầu tiên chỉ là túp lều, nay đã có tường xi măng. Nhân viên duy nhất tại tiệm từ 10 năm nay là người em vợ cũng bị câm điếc. Chúng tôi cứ thế làm việc, kiếm cái mưu sinh sống qua ngày”, anh Hùng bộc bạch.

Ngày đứa con gái đầu lòng Nguyễn Ngọc Ái Nhân (10 tuổi) ra đời, vợ chồng anh Hùng vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, niềm vui ấy lại vấp phải sự hoài nghi và những lời đàm tiếu không hay từ dư luận.

“Nhiều người cứ thắc mắc là tôi tàn phế, vậy mà sao có con. Tôi nghe nhưng bỏ lọt ngoài tai hết. Ai nói gì thì nói, chỉ cần vợ chồng tôi hạnh phúc và hiểu nhau. 3 năm sau, vợ chồng tôi lại đón đứa con trai thứ là cháu Nguyễn Đại Nghĩa (7 tuổi). Mọi nghi ngờ đều tan biến. Cuộc sống của tôi dường như được nảy mầm lần nữa”, anh Hùng vui vẻ cho biết.

Thời gian lặng lẽ trôi, tiệm sửa xe của anh Hùng nằm im lìm tại xã biển Nhơn Lý là địa điểm mà đám học sinh trong làng thường tìm đến những khi cần bơm xe, chấn sên… và đều được anh Hùng tận tụy giúp đỡ. Hiểu được những thiếu thốn của những đứa trẻ vùng nông thôn, thay vì lấy tiền thù lao, anh chỉ cười và không quên nhắc nhở các cháu gắng học tốt.

“Đời mình không được may mắn, vấp phải khó khăn phải lam lũ kiếm sống nên giúp đỡ được ai thì mình giúp thôi, chuyện nhỏ xíu mà. Cái mong mỏi lớn nhất đời tôi là được nhìn thấy con tôi cùng những đứa trẻ trong làng biển này học hành đến nơi, đến chốn.”, anh Hùng chia sẻ.

Nhờ đôi tay không biết mệt mỏi, anh Hùng đã vun vén hạnh phúc gia đình và trợ sức cho hai đứa con đến trường. Cứ chiều về, sau giờ học là những đứa con ấy quấn quýt lấy anh trong tiệm sửa xe đầy mùi dầu nhớt. Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng tình cha con, hạnh phúc gia đình vẫn ấm cúng đến vô ngần.

Ông Trần Văn Vương - Trưởng công an xã Nhơn Lý, cho biết: “Anh Hùng đã bị tàn phế hai chân sau vụ tai nạn giao thông khi còn trai trẻ. Anh không phải là tấm gương nổi lên như thương hiệu của công ty hay doanh nghiệp giàu có nhưng điều đáng quý là anh ấy có nghị lực bền bỉ. Mặc dù nghèo, anh vẫn lặng lẽ giúp đời từ việc nhỏ nhặt nhất nên rất nhiều người dân địa phương yêu mến. Vừa rồi, chính quyền xã Nhơn Lý cũng đã tạo điều kiện để xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vợ chồng anh vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Phố Nhơn/laodong

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.