Hàng Việt ở Phnom Penh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo lời người gốc Việt ở Phnom Penh, cầm trong tay một món hàng “made in Vietnam” ở thủ đô xa lạ có tính gợi nhớ quê hương da diết.

Shop hàng Việt của bà Trương Kim Phụng tại Phnom Penh
Shop hàng Việt của bà Trương Kim Phụng tại Phnom Penh

“Nhưng dù có khó khăn, bị cạnh tranh về giá cả nhưng tôi tin là với chất lượng hàng ổn định, lối buôn bán thật thà, chăm chút từng mặt hàng, và giá hàng VN nhìn chung rẻ hơn hàng Thái nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường".

Bà Trương kim Phụng

Hiểu điều đó, những tiểu thương gốc Việt đã không ngại phải đặt hàng, lấy hàng từ những nhà sản xuất ở VN để bán tại Phnom Penh.

Chao Việt ở Campuchia

Tiệm cà phê, tạp hóa nhỏ xinh của chị Nguyễn Thị Mỹ Tho (47 tuổi, quê Sóc Trăng) nằm giao giữa ngã tư đường 310 với đường 193, quận Toul Kork nhiều năm nay là điểm ghé đến của cả khách VN lẫn Campuchia.

Hòa với không khí nhộn nhịp đường phố buổi sớm, chị Tho không ngơi tay pha cà phê với giá 2.000 riel/ly (khoảng 10.000 VND).

Hai vợ chồng chị qua Phnom Penh sống cách đây 20 năm với nghề thợ may, rồi sau đó thuê chỗ này bán cà phê, tạp hóa.

Chị kể: “Bán thấy vậy chứ sống khỏe re, ngày cũng lời hơn 1 triệu đồng. Cà phê, nước ngọt, mấy hàng gia dụng linh tinh đa số tôi đặt mua từ VN đem qua, hoặc lấy mối từ những người gốc Việt ở chợ gần đây”.

Ngoài cà phê và hàng tạp hóa, ngay chỗ đậu xe của khách, chị Tho kê một chiếc bàn để chao, bánh pía chị đặt mua từ Sóc Trăng đem qua.

Chị bộc bạch: “Người miền Tây mình thích ăn chao, nên sẵn tiện có người quen bán ở quê tôi nhờ gửi qua bán luôn. Mọi người đi ngang cũng hay ghé mua. Nói chứ sống ở đây lúc nào cũng cảm thấy như thiếu cái gì đó...”.

Nhờ tảo tần buôn bán, chồng làm thợ bạc, hai vợ chồng chị Tho nuôi ba người con học xong đại học. Con gái chị đang làm tiếp viên hàng không, chị nói điều này với vẻ tự hào.

Rồi chị kể rành rọt tên những người gốc Việt cũng bán hàng VN trong khu này: chị Ni bán bánh, quán phở chị Phượng, ông Chương bán cơm VN đắt tới nỗi 12g trưa ghé là không còn chỗ ngồi...

Không riêng chị Tho, ghé vào những quán cơm của người gốc Việt, dễ bắt gặp vài hũ chao miền Tây được bày bán, vài bịch bánh pía, bánh ngọt xuất xứ VN.

Chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Tư Trung, bán cơm ở khu Mekong - một khu có nhiều người gốc Việt sinh sống: “Dù tôi coi nơi này là quê hương thứ hai của mình nhưng lúc nào đó chạnh lòng vẫn nhớ chén chao, đọt rau lang ở quê nhà. Bán mấy thứ này lời chẳng được mấy đồng nhưng bù lại đỡ nhớ quê”.

Siêu thị hàng Việt ở đại lộ Monivong

Nghe kể bà con gốc Việt thường mua hàng tại siêu thị hàng VN trên đại lộ Monivong - được xem là một trong ba tuyến đường chính ở trung tâm Phnom Penh, chúng tôi ghé đến.

Từ một cô nhân viên kế toán đi theo sếp qua Campuchia buôn trâu bò, chị Lê Hồng Thuyên (36 tuổi, quê Phú Yên) cùng với chồng trở thành chủ siêu thị Vina Mart chuyên bán hàng Việt, phía ngoài là nhà hàng bán phở.

Chị Thuyên nhớ lại: “Trước đây do thèm phở nên tôi mở quán phở, ban đầu chỉ là một cái tủ và mấy bộ bàn ghế nhựa dưới góc đường. Dần dần buôn bán khấm khá, quán ngày càng đông”.

Đến năm 2003 hai vợ chồng bắt đầu đưa hàng VN qua và mở cửa hàng. Nhiều khách ghé mua cứ tặc lưỡi phải chi có loại sữa này, loại đường kia thì hay biết mấy.

Thấy vậy, từ chỗ chỉ có 16 mặt hàng, chị mở rộng thành siêu thị, hiện tại bán trên 400 mặt hàng VN. Từ các loại sữa, bánh, mì gói, gia vị đến quần áo, mỹ phẩm đều có. “Chuộng nhất vẫn là các loại sữa VN.

Thậm chí nhiều khi người ta hỏi có kẹo dừa không, có mắm tôm, nước mắm không, có rượu vang Đà Lạt không... Tôi lại về VN hoặc nhờ người quen lấy hàng giùm để bán cho khách” - chị kể.

Rồi có lần một phụ nữ lớn tuổi đặt mua đôi dép sandal cho con, thấy thương nên chị cũng lụi cụi về VN đặt mua và duy trì mặt hàng này tới nay.

Còn ở góc đường 105, shop Luckystar của bà Trương Kim Phụng (62 tuổi, quê Cần Thơ) mở ba năm nay cũng rặt những mặt hàng xuất xứ VN. Từ các loại bánh kẹo, sữa, cà phê, nước ngọt, mặt hàng nào cũng được bà Phụng bài trí gọn gàng, đẹp mắt.

Bà nói: “Bán ở đây người gốc Việt và cả người Campuchia đều ủng hộ. Họ khen hàng VN chất lượng tốt, giá cả chấp nhận được và dễ sử dụng”. Shop của bà còn có những đĩa nhạc xưa, những quyển sách bà mua từ VN cho những người thích đọc sách.

Gương mặt mang nét từng trải, bà Phụng kể năm 1989 bà qua Phnom Penh sinh sống, làm nghề thêu máy.

“Lúc đầu tôi không biết tiếng Campuchia và cảm thấy rất khó hòa nhập, thậm chí không dám nói tiếng Việt vì ngại. Tôi đi bán sạp mướn cho những người Việt hiếm hoi trong chợ KanĐa” - bà nói.

Trong thời gian đó bà học cách giao tiếp bằng tiếng Khmer, rồi học những từ đơn giản như bịch bánh, cái kẹp... Học được chữ nào, bà ráng ghi nhớ và tập nói cho thành thạo.

Dành dụm được ít vốn, bà Phụng đánh liều thuê chỗ mở shop này. Với lối buôn bán thật thà, bà kể: “Tôi may mắn được nhiều người thương, kể cả người Campuchia cũng giúp đường đi nước bước khi tôi có ý định mở shop. Lúc tôi đi vắng, hàng xóm người Campuchia sang bán giùm, ghi hóa đơn giùm”.

Bà nói có lẽ do những tấm thịnh tình nơi xứ người, nên dù gặp không ít khó khăn nhưng bà vẫn trụ vững cho đến ngày hôm nay.

 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Tho bày bán chao trước quán cà phê của mình tại Phnom Penh
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tho bày bán chao trước quán cà phê của mình tại Phnom Penh


Mang hồn quê đi xa

Hiện tại siêu thị hàng Việt của vợ chồng chị Thuyên tương đối lớn. Chị kể những năm trước cũng có vài siêu thị của người gốc Việt nhưng đã sang lại do việc kinh doanh không hiệu quả.

“Thời điểm nhiều siêu thị hàng Việt mọc lên, việc buôn bán của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, khách vơi bớt nhưng tôi không lo lắng nhiều bởi vẫn có lượng khách quen thường xuyên” - chị nói.

Theo chị, để đứng vững ở thị trường Campuchia, điều quan trọng là người bán phải chịu khó, bền chí, buôn bán với cái tâm.

Chị nói: “Nhất là đừng có tâm lý nghĩ rằng nơi này dễ kiếm tiền. Tôi luôn nghĩ mình đang bán hàng của quê hương đất nước, phải đưa hồn quê vào từng mặt hàng chứ không thể làm theo kiểu đưa con bỏ chợ”.

Rồi chị tâm sự vì muốn cả người gốc Việt và người Campuchia hiểu về hàng VN, chị còn chỉ cho họ cách sử dụng các loại hàng VN, thậm chí cả cách... ăn mắm tôm. Đến nỗi khi ăn phở, họ còn xin mắm tôm để bỏ vào!

Chị còn bán sỉ hàng của mình cho một số mối quen, coi như là chia sẻ hàng hóa bởi những mối này không có điều kiện về VN lấy hàng như mình. Chị còn mở rộng việc kinh doanh bằng cách bỏ mối hàng hóa cho các tỉnh khác trên khắp Campuchia.

Còn bà Phụng luôn ấp ủ sẽ bán thêm nhiều mặt hàng VN nữa, bởi khách đến thường xuyên hỏi có món này, món nọ không. Một trong những khó khăn mà hàng VN đang gặp ở thị trường Campuchia là hiện nay hàng Trung Quốc, Thái Lan... chiếm thị phần đáng kể.

“Nhưng dù có khó khăn, bị cạnh tranh về giá cả nhưng tôi tin là với chất lượng hàng ổn định, lối buôn bán thật thà, chăm chút từng mặt hàng, và giá hàng VN nhìn chung rẻ hơn hàng Thái nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường”-bà Phụng nói.

Theo Tuoitre

Theo thông tin từ Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia, khoảng năm 2005 - gắn với thời điểm người VN sang Campuchia làm ăn nhiều - hàng VN chiếm 80% thị phần hàng hóa ở Campuchia.

Các mặt hàng có thể kể đến là hàng gia dụng, xà bông, thau chén, hàng điện tử... Từ năm 2010 trở đi, hàng Thái Lan và Trung Quốc bắt đầu chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, tại một số chợ ở Phnom Penh, hàng VN vẫn chiếm số lượng đáng kể với các loại bánh kẹo, cà phê, gia vị, thực phẩm khô. Có một số loại là đặc sản ở các vùng: bánh pía Sóc Trăng, nước mắm ở các tỉnh miền Trung, kẹo dừa Bến Tre...

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.