Gương mặt thơ: Nguyễn Phúc Lộc Thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đã gọi tên tập thơ “Đồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Ở nước ta, nếu có người viết kỳ lạ nhất thì có lẽ là anh.

Ngay từ khi bắt đầu vào học khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du (1993-1997), anh đã trình làng cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” gây xôn xao dư luận. Rồi sau đấy anh... biệt văn chương gần 20 năm, chuyển sang kinh doanh.

Mấy năm gần đây, anh trở lại với văn chương và thường tạo kỷ lục. Tập tiểu thuyết trường thiên “Cõi nhân gian” anh mở rộng từ tiểu thuyết cũ thành... 8 tập.

Nhưng nể nhất là anh làm thơ. Liên tục thơ, liên tục lục bát. Năm 2023, anh ra 2 tập lục bát “Mẹ” và “Đồng sen tàn”; trong đó, “Đồng sen tàn” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, một giải thưởng quốc gia danh giá. Trước đó là “Giấc mơ sông Thương” cũng với lối lục bát hết sức ma mị.

Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành vô cùng táo bạo và đầy ám ảnh, bởi chữ, bởi thi ảnh, bởi những cảm xúc như bất chợt, như thảng hoặc nhưng lại hết sức tinh luyện đầy chủ đích, công phu. Lục bát của anh tưởng như lan man nhưng lại rất chụm, ấy là khi ta đọc hết bài và ngẩn ra bởi dư ba của nó. Ví như: “Đồng sen cứ úa lặng câm/Ta điên dại lúc người ăm ắp người/hôm nay trời vẫn chẳng nguôi/mắt trời chứa những giọt cười chan chan”. Hoặc như: “một bờ xống áo xênh xang/một giời. một đất. một đàn ngón run/Chân em đã vội rũ bùn”...

Và, anh “bật mí” với tôi, cả tiểu thuyết trường thiên, cả thơ, anh đều viết trên... điện thoại.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

ĐỒNG SEN TÀN 4



Dấu môi tàn giữa rừng da

hay là chỉ dấu mùa hoa sen tàn?



Chật đồng từng đóa chan chan

Đầy như mâm lệ người toan khóc người

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Chiều nay em bỏ ta rồi

như sen từng cánh đang rời đài sen.



Đêm dài tựa sợi bấc đèn

Đời lom đom lửa. Buồn len lén về.



Chiều nay sen trộn hồn quê

Đòng đòng thì lỡ đang bề bề non



Em đang thì lứa mắt mòn

Tôi đang thờ dấu môi còn trên da



Em ơi thật chẳng phải ngoa

Đồng sen đã ướp hai ta vào trời.



THÁNG SÁU 26



Em đi đêm sánh một màu

Ánh trăng mười sáu theo hầu hạ em.



Cơn buồn vẫn ngấm rất êm

Em mà đi thật là đêm tôi hèn.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Trong tôi dầu cạn khô đèn

Nhấp chưa đủ cút đã nghèn nghẹn say.



Em đi ngân ngấn mi ngày

Lưng giời ai giắt toàn mây gió buồn.



Ai gieo nốt lệ đầy khuông

Ai khua tháng sáu ngập đường me rơi.



Nay đành em đã đi rồi

Đành em một bóng đồi mồi trùng xa.


Thôi đành thương xót ngày qua

Cố tươi mà nở. Ừ, ta dối mình...



MẸ 32



Mẹ già quẩy thúng đầu làng

Chợt nghe tiếng quạ nấc khan cuối đồng.



Bóng con về giữa cơn giông

Một chiều mù mịt, tịnh không thấy giời.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Bóng con-đọi máu trên cơi

Như miếng trầu chết ời ời giêng hai.



Hoa cải rụng trắng đồng dài

Lạng Sơn, xơ xác rừng mài tháng ba.



Mẹ già đào cả mai pha

Đi tìm một dúm thịt da giữa trời.



Tóc mây, mẹ ngả xuống đời

Cho thân con xức trong ngời ngợi hương.



Mẹ tôi-gái phủ lạng thương

Tận đêm. Gối mỏi. Con đường lại xa.



Trăng xuôi-phía ấy là nhà

Mẹ đào trăng núi. Đâu là xác con?



Ngàn năm Bắc thuộc thác mòn

Mẹ ơi, pháo giặc vẫn còn cầm canh.



Mẹ ngồi, xống áo một manh

Nhìn mầm nước mắt lên xanh ngập rừng...

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.