Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Hạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu làm danh sách 100 người yêu thơ nhất Việt Nam, chắc chắn có Nguyễn Ngọc Hạnh. Mà chọn 10 người có khi cũng có ông. Tôi là nhà thơ, cũng yêu thơ từ nhỏ, nhưng gặp ông, đọc ông, thấy cách làm việc với thơ của ông thì tôi thấy mình mới như người bắt đầu đặt những bước rón rén đầu tiên vào khu vườn thơ.

Yêu thơ không có nghĩa là mỗi ngày làm mươi bài thơ, hàng ngày chỉ ngồi ngắm thơ, đọc thơ... mà yêu thơ kiểu Nguyễn Ngọc Hạnh là hành động vì thơ, cổ xúy thơ, phổ biến thơ... Ông có vẻ như sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện cho thơ. Và ông đã làm như thế. Ông làm thơ, gom thơ thành sách, ông đọc thơ cho các báo, ông bình thơ. Và, thơ với ông là: “Câu thơ vừa muốn tròn vần/Lại còn tháo ráp cách tân đổi dời/Chỉ là một giấc mơ trôi/Mà sao tôi cứ mình tôi lở bồi”. Còn sao nữa, vì ông luôn luôn mê đắm với thơ.

Ông hiện sinh sống và sáng tác ở Đà Nẵng, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



DỌN MÌNH



Cuối năm tôi dọn dẹp mình

Ngổn ngang bao nỗi nhân tình trả vay

Cả đời chọn lối thẳng ngay

Mà sao lắm ngả lại bày quanh co.



Biết là đất thấp trời cao

Đời là một giấc chiêm bao, vậy mà

Lại đi bán cái mặn mà

Mang về mấy thứ rau cà viển vông.



Đời như có lại như không

Mà sao cứ mãi đèo bòng cỏ cây

Như là gấp mở bàn tay

Như là sấp ngửa ai bày trần gian.



Mong manh xe cát dã tràng

Giấc mơ rách vá lầm than một đời

Cuối năm dọn dẹp đời tôi

Bày ra đây những lấp bồi thế nhân.



Câu thơ vừa muốn tròn vần

Lại còn tháo ráp cách tân đổi dời

Chỉ là một giấc mơ trôi

Mà sao tôi cứ mình tôi lở bồi.



Cuối năm dọn dẹp đời tôi

Xếp cho ngăn nắp từng đôi vẫn thừa!




CÀI ĐẶT



Cài đặt giờ báo thức

0 giờ đêm ba mươi

Nghe đồng hồ thổn thức

Mà sao lòng chơi vơi.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Đêm vẫn chưa trôi qua

Cứ dùng dằng nấn ná

Mắc nợ đời chưa trả

Cây kim trôi chậm dần.



Mình mắc nợ trần gian

Cài đặt vào dâu bể

Câu thơ đành lỗi vần

Nên một đời chậm trễ.



Ôi ngày qua tiếc nuối

Ôi đêm qua bồn chồn

Kim đồng hồ thân xác

Quay mãi chẳng sang xuân.



Biết cài đặt vào đâu

Vo cho tròn số phận

Thôi cứ trôi chậm dần

Quay một vòng lận đận.




TRĂNG PHÍA THƯỢNG NGUỒN



Tôi gối đầu lên tháng Chạp

Nằm co ro

Nghe tiếng mưa buồn

Chiều lấp đầy đêm hao khuyết

Vầng trăng rơi

Sáng rực hoàng hôn.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang



Đêm trôi lặng lờ

Ngày rộng dài hơn

Nằm gối đầu lên trăng treo mờ nhạt

Chợt thấy bóng mình mỏng manh vỡ nát

Mới hay đời ngắn chậm dần.



Đêm u hoài ngày tháng mông lung

Trái đất thì thầm bao điều hơn thiệt

Có gì đâu mà trong đáy mắt

Bơ vơ từng giọt lặng thầm.



Đêm bồn chồn

Bóng núi đầu non

Trăng phía thượng nguồn

Nghiêng soi bóng mẹ

Gối đầu lên bờ sông kia lặng lẽ

Lời ru buồn xô dạt bến trăng quê.



Cả một đời lạc giữa cơn mê

Đêm nay thức với vầng trăng mờ ảo

Và biết đâu cũng bắt đầu từ đó

Tôi gối mình lên nấm mộ tôi nằm…

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.