Gom "vàng rơi" đuổi nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chàng thanh niên dân tộc Bahnar Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã dám chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng tư với tâm nguyện góp phần giúp dân làng thoát nghèo và bảo tồn vốn quý của nền văn hóa cha ông. Tuy nhiên, điều khiến tôi nể phục hơn ở chàng trai giàu nghị lực này là không chịu bằng lòng với những thành công hiện có, anh còn trăn trở tìm đường vươn ra “biển lớn”.  
Bị vợ bỏ vì… homestay
Khi nghe tin Đinh A Ngưi dựng thêm căn nhà sàn trị giá tới 500 triệu đồng để làm homestay cho du khách ngủ lại, người làng Kgiang ai cũng cười thầm: “Cái đầu thằng Ngưi chắc bị khùng. Ngoài phố khách sạn, nhà hàng to đẹp người ta không ở, lại chui về cái làng buồn hiu này làm gì? Nó mượn tiền không trả được, thế nào cũng bị Công an bắt tù”. Người ngoài chỉ trống miệng, nhưng trong nhà thì gió bão đã thực sự nổi lên…
Con gà rừng gáy ở đâu xa lắm. Tiếng nó nghe rinh rích như tiếng dế kêu. Biết là còn lâu mới sáng nhưng A Ngưi không thể nào ngủ tiếp. Anh hồi tưởng lại chặng đường mình đã dấn thân… Cách đây 8 năm, A Ngưi cũng đã có một đêm thao thức thế này. Đấy là cái đêm cuối rời nhà vào Trường Đại học Văn hóa nhập học. Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đất với A Ngưi biết bao điều mới mẻ, biết bao cái khó đang chờ nhưng đã nghĩ chín rồi, khó mấy anh cũng quyết tâm theo học. Từ lâu nghe đài, xem ti vi, anh biết nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc nhờ làm du lịch mà thoát nghèo. Xã Kông Lơng Khơng có hàng chục ngọn thác lớn bé, hầu hết vẫn nguyên sơ dưới tán rừng. Người Kông Lơng Khơng không chỉ hội đủ văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar mà còn mang những nét độc đáo với đội chiêng nữ độc nhất vô nhị… “Vàng rơi” đấy! Nhưng muốn nó ra tiền để góp phần đuổi nghèo cho bà con thì phải có kiến thức văn hóa. Bởi vậy, dù đã qua cao đẳng văn hóa rồi nhưng A Ngưi vẫn muốn học lên đại học. Phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp bài bản hơn nữa và nhất là phải có mối quan hệ với bè bạn gần xa…
Anh Đinh A Ngưi bên homestay của mình. Ảnh: Ngọc Tấn
Anh Đinh A Ngưi bên homestay của mình. Ảnh: Ngọc Tấn
Năm 2017 tốt nghiệp đại học, mặc dù đã có vị trí công tác ổn định tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang, A Ngưi không quên dự định đã bao năm nung nấu. Theo gợi ý của bạn bè cùng lớp, năm 2018, A Ngưi bắt đầu tổ chức tour cho khách quen biết từ TP. Hồ Chí Minh. Đấy là những chuyến du lịch trải nghiệm tìm mật ong rừng, tắm thác, câu cá suối… Mỗi tour anh lấy giá 700 ngàn đồng. Đến cuối năm đó khi đã có chút vốn, A Ngưi quyết định dựng ngôi nhà sàn truyền thống nho nhỏ làm nơi lưu trú cho khách. Anh tính, nếu chỉ tổ chức tour trải nghiệm mà không cầm chân được khách thì nguồn thu không cao, hơn nữa lại có quá ít bà con được tham gia. Phải tổ chức thành mô hình du lịch cộng đồng thì mới phát huy được hết các giá trị văn hóa. Muốn vậy phải có chỗ ăn, ở cho khách đàng hoàng… Làm “homestay” đầu, người làng đã xì xào bàn tán khiến trong nhà lục đục. Làm thêm “homestay” nữa, A Ngưi biết gia đình sẽ phản đối mạnh hơn, nhưng không ngờ lại đến mức này. Với cha mẹ A Ngưi, là con đầu được ăn học, chưa giúp được gì cho gia đình và 3 đứa em, bày chuyện làm “homestay” năm trước đã thấy lo, giờ lại làm thêm “chuyện khùng” này, không có khách ở thì bán gì mà trả nợ người ta? Thế mà can ngăn hết lời vẫn thấy A Ngưi cứ trơ như hòn đá. “Thôi được, có vợ con rồi thì phải biết lo thân, từ nay chúng tao mặc xác”-cha mẹ thẳng thừng tuyên bố như một sự đoạn tuyệt… Người già hay cố chấp, khó thuyết phục đã một lẽ, thế nhưng vợ A Ngưi, mặc dù được chồng khản cổ giải thích, cái ý nghĩ nếu A Ngưi bị bắt tù, thế nào mình cũng phải thay chồng đền nợ vẫn cứ chất cao mãi lên. Cho đến một hôm, vợ nói thẳng là không còn muốn ở chung với con người mà cứ thấy mặt là lo… Nhìn 2 đứa con trai, đứa lớn mới lớp 3, đứa nhỏ mặc áo cái cúc còn chưa biết cài mà đã thiếu bàn tay mẹ, lòng A Ngưi đau như cắt. Nhưng đã quá mệt mỏi vì bao nhiêu lần giải thích, níu kéo rồi vẫn như nước đổ mái tranh, anh đành nhận nuôi cả 2 con để vợ về nhà mẹ đẻ…
Niềm vui cho mỗi dân làng
“Nếu không có dịch Covid-19, mỗi năm, tôi  có thể kiếm được 1 tỷ đồng”-anh Đinh A Ngưi khẳng định.
Tháng 5-2019, lúc nhà nghỉ đã hoàn chỉnh, A Ngưi bắt đầu đón khách lưu trú. Giá qua đêm, kể cả ăn là 150-200 ngàn đồng. Món ăn chủ yếu là cơm lam, gà nướng truyền thống của người Bahnar. Khách cũng có thể chọn các món bình dân 50-80 ngàn đồng/suất. Nếu khách yêu cầu đốt lửa trại, biểu diễn cồng chiêng thì giá mỗi suất diễn là 2 triệu đồng… Bản sắc dân tộc “nguyên chất” từ món ăn đến nơi ở, nhất là nghệ thuật cồng chiêng, khiến lịch đón khách của A Ngưi gần như ngày nào cũng kín. Nửa năm sau, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ riêng dịp lễ 30-4, anh cũng đã đón được 10 đoàn… Từ đầu năm 2021 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề hơn, anh cũng đón được hơn 100 đoàn khách từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo lượng khách đến, dân làng từ lẻ tẻ vài người ban đầu, đến nay đã có hàng trăm người được A Ngưi tạo việc làm, trả công. Chỉ tính riêng làng Kgiang của anh cũng đã được 200 hộ. Người phục vụ ăn uống, được A Ngưi trả công 150 ngàn đồng/ngày; người làm hướng dẫn viên chính là 1 triệu đồng/tour. Lúc chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,  người dẫn khách đi trải nghiệm như A Bình, A Huy được A Ngưi trả công từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/tour. Tháng có khách nhiều, họ có thể thu nhập tới 15 triệu đồng… Từ sự đinh ninh rằng thế nào A Ngưi cũng bị thất bại, bị “bắt tù” rồi thấy “nó” vẫn đứng vững, ngày một nhiều khách đến; nhà nhà lần lượt được mời đi làm, trả tiền (mà tiền người được nhiều có khi 1 tháng bằng cả năm làm rẫy) ai cũng rơi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác...
Anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trồng cây xanh cải tạo khuôn viên homestay để phục vụ khách du lịch tốt hơn. Ảnh: A.P
Theo anh Đinh A Ngưi, việc trồng cây xanh trong khuôn viên homestay sẽ góp phần phục vụ khách du lịch tốt hơn. Ảnh: An Phát
Đội cồng chiêng xưa nay chỉ khi nào được huyện, tỉnh mời đi biểu diễn thì mới có tiền, mà cũng chẳng là bao. Nay biểu diễn một suất, mỗi người cũng được gần 150 ngàn đồng. Ngạc nhiên hơn là những vật dụng như: nỏ, gùi, tẩu thuốc… xưa nay làm ra chỉ để dùng hoặc đem cho, giờ cũng bán ra tiền. Đến như bộ quần áo thổ cẩm, chỉ cho thuê mặc chụp hình mỗi lượt cũng được 40 ngàn đồng… Người trẻ có việc đã đành, người già cũng có việc. Mừng nhất là những người như ông Chram. Đã hơn 70 mùa rẫy, biết đến 36 hơ amon (trường ca) nhưng xưa nay ông cũng chỉ kể không công cho dân làng nghe chơi. Nay thì khác, có A Ngưi đứng ra tổ chức, nghiễm nhiên ông trở thành “của hiếm”… Chẳng nói những người biết việc, có việc, người tưởng không liên quan gì cũng nhờ A Ngưi trong đó. Con gà, bó rau, cả củ mì mang bán cho anh, so với gùi ra chợ cũng đắt hơn. Trước, cán bộ luôn kêu gọi giữ gìn vốn quý của cha ông, nghe và biết vậy nhưng rồi người ta vẫn cứ mang cồng chiêng đi bán. Chiếc xe máy, ti vi dẫu sao cũng thiết thực hơn. Nay thì chẳng ai kêu gọi mà cũng có 4 nhà sắm thêm chiêng… Rồi cũng nhờ A Ngưi đưa về nghề du lịch mà nếp sống của mọi nhà văn minh hẳn. Ngày trước, cả làng chẳng ai làm nhà vệ sinh, bây giờ thì nhà nào cũng học theo A Ngưi; lại đào cả hố rác, trồng hoa… Những công việc chưa từng này mọi người đều làm một cách tự giác vì lẽ ai cũng muốn làng đẹp hơn trong con mắt du khách.
*
Nước da rám nắng, vầng trán cao đầy vẻ thông minh, chẳng lạ một chàng trai chân đất bước ra từ làng mà làm nên điều cả tỉnh Gia Lai xưa nay chưa ai làm được. Và với tôi như vậy cũng quá đủ để nể phục. Vậy mà bất ngờ sao, ngay hôm đầu tháng 7 này, A Ngưi gọi điện cho tôi báo tin mình đang triển khai xây dựng “làng du lịch văn hóa”, lại gửi cả bản thiết kế tổng thể cho tôi xem.
A Ngưi biểu diễn đàn tơ rưng phục vụ du khách. Theo T.H
Anh Đinh A Ngưi biểu diễn đàn t'rưng phục vụ du khách. Ảnh: Báo Thanh Niên
Theo đó thì làng có diện tích tới 3 ha, kế ngay khu homestay cũ, gồm khu vực cây nêu tổ chức sự kiện, thác nước nhân tạo, chăn thả gia súc, trồng cây ăn quả… Cùng với đó là 15 căn nhà nghỉ kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Bahnar được xây dựng. Tổng số vốn cho làng văn hóa du lịch dự tính 15 tỷ đồng do 3 người bạn ở TP. Hồ Chí Minh cùng góp. Mọi thủ tục đã xong và sẽ khởi công trong tháng 7 này. Để chuẩn bị cho làng văn hóa du lịch có thể bước vào hoạt động cuối năm nay, nguồn nhân lực, vật chất cũng đang được tích cực chuẩn bị. Hiện A Ngưi đã gửi đi đào tạo nghiệp vụ du lịch cho 30 thanh niên các làng và hỗ trợ tiền ăn ở cho họ. Để tạo việc làm, ổn định đời sống cho gia đình các nghệ nhân, hướng họ toàn tâm toàn ý phục vụ khách du lịch, A Ngưi mua bò cho gia đình họ nuôi rẽ; cho bán đồ đan lát, trang phục truyền thống. Nhằm khôi phục các đặc sản địa phương từng được biết đến, A Ngưi cho trồng sâm dây, cây “thuốc khỏe” phục vụ nhà hàng… Để mở rộng hơn nữa địa bàn liên kết, anh đã đàm phán mở tour với Khu du lịch suối khoáng Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định).
Thì ra không chịu bằng lòng với những gì đang có, anh chàng đang nuôi khát vọng vươn ra “biển lớn”! Lặng đi vì lại thêm một sự thán phục trong lòng, tôi chỉ còn biết khen vuốt: “Cháu có tài làm ăn lớn đấy, chú chúc mừng nhé”. Đầu dây bên kia, tiếng cười của A Ngưi cất lên một cách vô tư: “Tài gì đâu chú, vì muốn giúp bà con dân làng nên cháu phải cố gắng thôi mà”.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.