Phục dựng báu vật của làng
Hồ Tây của Hà Nội không chỉ đặc biệt bởi cảnh bình minh và hoàng hôn đầy thơ mộng trên hồ, thung lũng hoa bát ngát hương sắc ở phố Nhật Chiêu hay đặc sản bánh tôm nóng hổi, giòn rụm. Ven hồ, vẫn còn đó những ngôi làng cổ, nơi những lớp trầm tích văn hóa của vùng đất Kẻ Bưởi xưa kia đang lắng đọng. Mà nổi bật nhất, có lẽ là làng cổ Yên Thái.
Một người phụ nữ làng Yên Thái đang thực hiện công đoạn xeo giấy. Thời xưa, tay người phụ nữ Yên Thái nào cũng chi chít vết sẹo vì phải tì vào thành bể xeo quá nhiều |
Theo ông Vũ Duy Thiệu (sinh năm 1938, người gốc làng Yên Thái), bề dày văn hóa của làng được thể hiện qua những biểu tượng mà người làng coi như báu vật. Đó là giếng thiêng Mắt Rồng, bên dưới là một mạch nước không chảy ngang mà cuộn thẳng lên nên giếng không bao giờ cạn. Đó là nghề làm giấy dó truyền thống vang bóng một thời. Theo lời ông Thiệu, năm 1970, giấy dó của làng Yên Thái đã được chọn lựa để in bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là con đường làng được lát gạch đỏ theo kiểu lá dừa, do một người làng giàu có, làm thông phán (viên chức bậc trung làm việc ở các công sở trong thời Pháp thuộc) bỏ tiền ra xây vào đầu thế kỷ 20. Đó là các ngôi nhà mái ngói cổ nằm san sát nhau, mặt hậu của nhà trước là mặt tiền của nhà sau, nên những mái nhà cũng nối tiếp tạo thành những đường sóng dích dắc. Đó là cổng làng Yên Thái, nơi treo bức đại tự có bốn chữ vàng: “Mỹ tục khả phong” (có nghĩa là làng có phong tục tốt đẹp) do triều đình Tự Đức năm thứ 19 ban cho. Và đó là ngôi đình An Thái được xây dựng từ năm 1127, đến nay đã gần 900 năm tuổi.
Nhưng hiện nay, nhiều báu vật đã không còn. Bà Vũ Thị Thanh (sinh năm 1950, người gốc làng Yên Thái) kể, giếng Mắt Rồng đã bị lấp từ những năm 1980 vì gây cản trở giao thông. Nghề làm giấy dó truyền thống đã biến mất hoàn toàn từ khoảng 40 năm trước khi các hợp tác xã tan rã và những nhà máy sản xuất giấy công nghiệp bắt đầu mọc lên. Những nghệ nhân làm giấy dó thời xưa giờ đều đã là người thiên cổ. Và những ngôi nhà cổ đã bị xẻ năm xẻ bảy rồi bê tông hóa, còn đâu những mái ngói cổ nối tiếp nhau nữa…
Mô hình tái hiện lại các công đoạn làm giấy dó của người làng Yên Thái được đặt tại nhà ông Vũ Duy Thiệu |
Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người đang nhiệt tình bảo vệ những báu vật còn sót lại, bất kể là người gốc làng Yên Thái hay người ở nơi khác. Theo ông Vũ Đình Khôi (sinh năm 1956, Phó Ban quản lý di tích đình An Thái), đình vừa hoàn thành một cuộc đại trùng tu vào năm ngoái nhờ vào sự ủng hộ của người làng và du khách thập phương. Trong lễ hội làng được tổ chức hai lần một năm, phần lễ rước kiệu luôn có sự tham gia của học sinh ở các trường học xung quanh. Học sinh nam khiêng kiệu, học sinh nữ cầm cờ. Và những ngày gần đây, con đường làng Yên Thái hơn 100 năm tuổi đang được cải tạo lại toàn bộ. Theo ông Khôi, tới nay đã có hơn 200 người dân tự nguyện góp tiền ủng hộ, với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Tương lai trong tay người trẻ
Cách làng Yên Thái khoảng 40 cây số về phía tây Hà Nội, ở thị xã Sơn Tây, có một ngôi làng cổ khác cũng đang từng bước vượt qua bóng thời gian. Đó là làng cổ Đường Lâm.
Khi dạo quanh những con đường làng ở xóm Đình, thôn Mông Phụ thuộc làng Đường Lâm, du khách sẽ gặp những ngôi nhà cổ được biến thành không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng xứ Đoài. Đó là nơi hoạt động của Đoài Creative, một nhóm hoạt động nghệ thuật do những người trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ Đoài lập nên. Đoài Creative được biết đến như không gian trưng bày, sáng tạo đầu tiên ở một làng cổ.
Không gian trưng bày các vật liệu tái chế mô phỏng hình tượng mõ cá gỗ tại Đoài Creative |
Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong không gian của Đoài Creative rất đa dạng. Đầu tiên là các bức tranh được vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau như màu nước, màu bột, đất nặn… trên những tấm ngói cổ, gỗ mộc bản, quạt mo cau, giấy dó hay những viên gạch cũ; tiếp đến là những tác phẩm tạo hình được làm từ những vật liệu tái chế như vỏ lon, túi ni-lông, giấy bìa, mảnh kính vỡ… Đặc biệt ở chỗ, tác giả của những tác phẩm ấy không chỉ là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà còn là những bạn trẻ mới chỉ học tiểu học.
Ông Khôi cho biết, trong tương lai, làng Yên Thái sẽ tiếp tục cải tạo cổng làng và phục dựng lại tấm đại tự “Mỹ tục khả phong”. Theo ông Khôi, người làng sẽ bảo vệ những báu vật thiêng liêng ấy đến cùng cho thế hệ sau này. Và để những ngày lễ tết, linh hồn các cụ vẫn sẽ nhận ra hình dáng của làng Yên Thái thời xưa để quay về sum họp với con cháu...
Có thể thấy một hình tượng được mô phỏng xuyên suốt trong những tác phẩm ở Đoài Creative, đó là chiếc mõ cá gỗ - một nét văn hóa độc đáo của làng cổ Đường Lâm. Giải thích về hình tượng này, anh Lê Quang Phổ (sinh năm 1996, thành viên của Đoài Creative) cho biết, thời xưa, người làng Đường Lâm thường treo những chiếc mõ lớn hình con cá, làm bằng gỗ mít ở đình làng và điếm xóm. Mỗi khi có việc cần thông báo thì thằng Mõ, mẹ Đốp (những người chuyên gõ mõ truyền tin thời xưa) sẽ gõ vào chiếc mõ cá gỗ đó để tập hợp dân làng lại.
Theo anh Vũ Anh Dương (sinh năm 1994, thành viên thuộc Đoài Creative), thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ em, đội ngũ Đoài Creative sẽ đưa hình ảnh mõ cá gỗ vào các sản phẩm thời trang để lan tỏa nét văn hóa này sâu rộng hơn tới người trẻ. Không chỉ vậy, họ còn đang xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng để người dân làng và du khách xem và trải nghiệm những hoạt động nghệ thuật như múa, hát, chơi nhạc cụ cổ truyền,… Khi những ngôi nhà cổ đã trở nên quá quen thuộc và vẫn tồn tại nhiều vấn đề về trùng tu, các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật sẽ thổi một làn gió mới vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm.