Ba chàng trai viết cổ tích ở Hà thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ba chàng trai - một giáo viên mới ra trường, hai sinh viên cùng đi làm thêm để thuê nhà, chăm sóc các cụ già vô gia cư tại Hà Nội một cách chân thành và chu đáo. Câu chuyện do các bạn trẻ tuổi đôi mươi tạo ra đẹp như cổ tích, chạm đến trái tim bao người…
Ngôi nhà “Hà Nội chung tay”. Ảnh: Viết Hà

Ngôi nhà “Hà Nội chung tay”. Ảnh: Viết Hà

Ngôi nhà màu hồng

Một buổi chiều thu Hà Nội, tôi đến thăm tổ ấm của người vô gia cư nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ do 3 bạn trẻ Lê Thanh Hải (SN 2000, giáo viên dạy thể dục cho trẻ em), Lê Minh Sơn (SN 2002, sinh viên) và Nguyễn Vương Anh (SN 2002, sinh viên) lập nên.

Đó là nơi ở của 3 cụ Nguyễn Văn Phương (94 tuổi, quê Nam Định), Nguyễn Bá Thành (70 tuổi, quê Hải Dương) và cụ Đặng Thế Ất Quý (72 tuổi, quê Hà Nội). Tôi hơi giật mình trước ngôi nhà cấp 4, rộng hơn 50m2, được sơn màu hồng - màu của hạnh phúc, màu của tình yêu, màu chủ đạo trong những chuyện/những phim cổ tích. Khuôn viên căn nhà sạch sẽ, phía trước còn có một khoảnh sân để các cụ trồng rau mỗi khi rảnh rỗi.

Vừa rót ly nước mời tôi, Hải, một trong ba thành viên của nhóm chia sẻ, em mới ra Hà Nội lập nghiệp được vài năm. Khi mới chân ướt, chân ráo ra Thủ đô, em muốn làm quen đường sá, khám phá các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, nên cứ có thời gian rỗi là dạo phố, trải nghiệm cuộc sống mới. Trong một lần đi qua khu vực Tòa án Nhân dân tối cao lúc 23 giờ, đường phố vắng tanh giữa cái lạnh thấu xương, Hải phát hiện một cụ ông co ro trong chiếc chăn rách nát, người run lẩy bẩy theo từng cơn gió rít ở góc vườn hoa, bên cạnh là chiếc xe đạp cũ kỹ với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. “Hình ảnh ông cụ gầy gò, gương mặt nhem nhuốc, dựa vào góc ghế để ngủ khiến em ám ảnh cả ngày hôm sau. Em tự nhủ, mình phải làm gì đó để giúp đỡ họ ngay”, Hải cho hay.

Hải quay trở lại địa điểm cũ ngay ngày hôm sau để gặp người đàn ông đó. Ông là Nguyễn Bá Thành - người đàn ông quê Hải Dương hiền hậu nay đang ngồi trước mặt chúng tôi đây. Hải kể tiếp, hôm đó, em trò chuyện với cụ Thành hồi lâu về hoàn cảnh, về công việc và cả nguyên nhân khiến ông ra “nông nỗi” này. Hải xúc động lắm, chưa biết giúp cụ ra sao nhưng vẫn mạnh dạn tuyên bố: “Ông chờ cháu, trước Tết, cháu đón ông về nhà!”.

Trở về nhà, Hải chia sẻ câu chuyện với Minh Sơn, Vương Anh. Cả ba đều ở cái độ tuổi mà theo cách gọi hiện nay là thế hệ Z hay Gen Z - thế hệ lớn lên với máy tính và internet (thường được hiểu là sau năm 1995 đến khoảng năm 2015). Hải đưa Minh Sơn, Vương Anh đến gặp cụ Thành và những người vô gia cư trên đường phố Hà Nội. Thế rồi, ba trái tim mẫn cảm cùng nhau lập nhóm “Hà Nội chung tay”. Việc đầu tiên các em làm là góp tiền tìm thuê một căn nhà sạch sẽ, ấm cúng, sơn sửa lại để đón người vô gia cư về ở.

Ông Thành đang ngồi cạnh đó góp chuyện: “Lúc đó, trong tiết trời lạnh cóng những tháng cuối đông Hà Nội, thấy bạn trẻ đến tâm sự, động viên, tôi cũng thấy vui. Khi cậu Hải nói mời tôi về ở cùng, tôi nghĩ cậu ấy chỉ đùa thôi. Một anh chàng chân ướt chân ráo ra Hà Nội lấy đâu tiền cưu mang tôi. Nhưng rồi vào những ngày người dân Hà Nội tất bật chuẩn bị đón Tết, cậu ấy đến đón tôi về ngôi nhà này thật…”.

Sống trong “tổ ấm” khang trang, sức khỏe và tinh thần các cụ được nâng cao

Sống trong “tổ ấm” khang trang, sức khỏe và tinh thần các cụ được nâng cao

Thức dậy cứ tưởng còn mơ

Khi có một mái ấm để đi về, có những người bạn già trò chuyện, chăm sóc nhau mỗi khi “trái gió, trở trời” các cụ như được tiếp thêm năng lượng để sống vui, sống khỏe. “Các cháu tuổi còn trẻ nhưng có tình thương bao la với những hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi, chăm lo cho chúng tôi như người thân thật là quý hóa. Sau mỗi ngày đi làm, chúng tôi lại được về với ngôi nhà sạch sẽ này, có nước nóng để tắm, được ăn những bữa cơm cùng nhau rất ấm cúng, rồi được ngủ trên đệm êm. Nói thật, nhiều hôm tỉnh dậy cứ tưởng mình đang nằm mơ”, cụ Phương cho hay.

Tuy các cụ tuổi đã cao, nhưng hàng ngày vẫn ra phố bán hàng, tối mới về nhà cơm nước, nghỉ ngơi. Cụ Quý kể chuyện đời mình: “Cách đây 20 năm, để có tiền chữa bệnh cho vợ, tôi đành bán đi căn nhà của vợ chồng. Tiền hết thì bà ấy cũng ra đi mãi mãi, để tôi một mình lang thang kiếm sống, đêm đến, ngủ luôn trên phố”.

Ông Đỗ Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, Tây Hồ cho biết, các bạn trẻ tổ chức cho các cụ vô gia cư về sinh sống tại đây rất bài bản, chân thành. Phường đã cử cán bộ đến xác định nhân thân, hướng dẫn các bạn thực hiện một số thủ tục pháp lý và các biện pháp an ninh, tránh tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng quấy phá, ảnh hưởng đến cuộc sống các cụ.

Theo các thành viên của “Hà Nội chung tay”, trên phố có nhiều cụ hàng đêm nằm trên vỉa hè, nhưng họ không phải là người vô gia cư. Họ có nhà cửa con cái, nhưng việc ngồi ở trên phố như là một nghề kiếm sống. Vì thế, trước khi đón các cụ về, các em phải tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh, nguyện vọng của các cụ. “Như cụ Phương, khi em gặp, cụ phải sống bên lối đi của con thuyền bỏ hoang ngoài sông Hồng. Nhìn bát cơm cụ bưng trên tay, em không cầm được nước mắt. Đó không phải là suất cơm bình dân em thường thấy mà là một bát hổ lốn với đủ các loại rau, dưa, cá… lẫn lộn ai đó cho. Nhìn cảnh đó, em quyết định thuyết phục mời cụ về ở cùng”, Minh Sơn tâm sự.

Các cụ trồng rau mỗi lúc có thời gian rảnh rỗi. Ảnh: Viết Hà

Các cụ trồng rau mỗi lúc có thời gian rảnh rỗi. Ảnh: Viết Hà

Toàn bộ số tiền thuê nhà 7 triệu đồng/tháng, tiền điện nước đều do 3 em đóng góp. Thi thoảng, các em còn mua gạo, thức ăn thêm cho các cụ. Toàn bộ chi phí được trích từ tiền lương hàng tháng của Hải, tiền làm thêm ngoài giờ học của Sơn và Vương Anh. Thời gian gần đây, các em được một số mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng vẫn không đủ, các em vẫn phải làm thêm để bù vào.

Căn nhà “Hà Nội chung tay” được dựng lên bởi tình yêu thương với mong muốn các cụ có một mái nhà “đúng nghĩa” để nghỉ ngơi ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả trên phố. Hải nói, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhóm sẽ cố gắng duy trì để một ngày không xa, sẽ càng ít đi những phận đời phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” đúng như thông điệp mà nhóm muốn lan tỏa: “Mang mái ấm đến cho người vô gia cư”.

Cuối cuộc trò chuyện, các em có những băn khoăn. Đó là, các cụ giờ đã già, vòng quay sinh lão bệnh tử rồi cũng đến lượt, khi đến sẽ xử lý ra sao? “Chúng em đang cần một luật sư tư vấn về mặt pháp lý để “danh chính ngôn thuận” lo cho các cụ. Mặt khác, các cụ cũng được làm giấy tờ tạm vắng, tạm trú theo quy định pháp luật”, Vương Anh cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.