Gỡ "nút thắt" chuyển đổi mô hình kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với trên 34 ngàn hộ kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với trên 4.000 doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò trụ cột, góp phần tạo việc làm, nguồn thu ngân sách, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế của tỉnh.

Nhận diện “nút thắt”

Qua khảo sát của Cục Thuế tỉnh, hiện tại có rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu không kém, thậm chí vượt cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), có đội ngũ nhân công khá đông nhưng vẫn chọn mô hình hộ kinh doanh. Trong khi đó, dù có một số thuận lợi, song mô hình hộ kinh doanh cũng có những hạn chế.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xét về bản chất, quy mô, hộ kinh doanh và DNNVV là tương đương, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách nên có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp. Cụ thể là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Chưa kể, một số ngành nghề quy định phải là doanh nghiệp và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ.

Dù có những hạn chế nhưng vì sao hộ kinh doanh vẫn chọn mô hình này thay vì doanh nghiệp? Thực tế hộ kinh doanh vẫn có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp. Theo đó, thời gian “khai sinh” và “khai tử” doanh nghiệp vẫn còn rườm rà. Chưa kể những khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Trong khi đó so với doanh nghiệp, hộ kinh doanh lại có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn, chế độ sổ sách kế toán; hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập của hộ kinh doanh cũng đơn giản hơn doanh nghiệp.

Rõ ràng, nếu là doanh nghiệp thì sẽ nâng cao chất lượng lao động, cả về điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định. Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh. Nhưng làm thế nào để nhà đầu tư ra kinh doanh chọn mô hình doanh nghiệp chứ không phải hộ kinh doanh? Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các đặc thù của DNNVV, trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính.

Gỡ “nút thắt”

Trên thực tế, điều quan trọng nhất là làm cho các nhà đầu tư thấy được “lợi ích” lớn hơn “chi phí” khi thành lập doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước một mặt cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí và thời gian cho hoạt động kinh doanh. Mặt khác, việc gia nhập và hoạt động dưới một số hình thức doanh nghiệp phải dễ dàng như dưới hình thức hộ kinh doanh. Do đó, các cấp, các ngành cần khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Điểm mới trong Luật Hỗ trợ DNNVV là hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh do một cá nhân, hộ gia đình… đủ năng lực hành vi dân sự, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Nhà nước tạo điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Đối với loại hình doanh nghiệp khác (Công ty TNHH, Công ty cổ phần…) thì cần đáp ứng các quy định của Luật Doanh nghiệp.

Theo Luật Hỗ trợ DNNVV, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng một số điều kiện. Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục ít nhất là 1 năm tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Các nội dung hỗ trợ gồm:  tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu thì được miễn lệ phí môn bài, tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nguyên Tây

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.