“Thổi hồn” vào tượng gỗ
Đứng giữa những bức tượng gỗ nhiều sắc thái vừa hoàn thành tại Hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện lần thứ XVI-2025, nghệ nhân Nay Lâm (buôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng) say sưa giới thiệu tác phẩm “Vợ đến thăm chồng đi lính” của mình. Trong đó, người vợ là một phụ nữ Jrai khoác trên mình trang phục thổ cẩm truyền thống; đôi mắt đẫm lệ vì nhung nhớ và hạnh phúc khi được gặp lại chồng sau thời gian dài xa cách. Để minh họa thêm cho tác phẩm, ông Lâm dựng thêm bức tượng người chồng bên cạnh.
Dưới bàn tay khéo léo của ông, những khúc gỗ vô tri trở nên có hồn, ẩn chứa tình cảm và miêu tả chân thực cuộc sống đời thường của đồng bào dân tộc thiểu số. Tác phẩm này của ông đã xuất sắc đạt giải nhất nội dung tạc tượng tại hội thi.

Nghệ nhân Nay Lâm kể: Ngày còn nhỏ, ông thường theo cha và chú lên rừng lấy gỗ tạc tượng đặt ở nhà mồ. Bị cuốn hút bởi những biểu cảm thể hiện qua từng bức tượng, ông mày mò học làm theo. Năm 20 tuổi, ông đã có thể tự tay sáng tạo những bức tượng gỗ theo ý thích. Ông tạc đa dạng, từ tượng các con vật như khỉ, chim, hổ, báo đến những bức tượng con người như mẹ bồng con, giã gạo…
“Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần. Vì vậy, tôi luôn dành toàn bộ tâm huyết để khắc họa nhân vật một cách chân thực nhất. Trong đó, đôi mắt là bộ phận luôn được tôi trau chuốt và dành nhiều thời gian nhất”-ông Lâm chia sẻ.
Nghệ nhân Rcom Bin (buôn Sô Ma Lơng B, xã Chrôh Pơnan) cũng đã gắn bó với nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian hơn nửa đời người. Trong 3 lần gần đây nhất tham gia Hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện, ông đã 2 lần đạt giải ba và 1 lần đạt giải nhì ở nội dung tạc tượng.
Từ khi không còn duy trì việc tạc tượng nhà mồ, khoảng đất trống dưới gốc cây xoài cổ thụ là nơi ông Bin đắm mình với đam mê của bản thân. Đáng chú ý, ông có thể sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình mà không cần bản vẽ. Bộ dụng cụ tạc tượng gồm: 1 chiếc rìu, 1 chiếc rựa, cây đục và thanh gỗ dày làm búa luôn được ông cất cẩn thận.

Theo ông Bin, để tạc những bức tượng có hình dáng khác nhau, trên nhiều loại gỗ thì bộ dụng cụ phải sắc bén. Đối với những bức tượng đơn giản, ông có thể hoàn thành trong vòng 5 giờ đồng hồ, còn những bức tượng khó yêu cầu sự tỉ mỉ thì cần phải vài ngày mới hoàn thành được.
“Mỗi bức tượng mang một ý nghĩa riêng, là một câu chuyện, một điển tích dân gian. Vì vậy, người nghệ nhân ngoài óc thẩm mỹ cần có tính kiên trì, sự khéo léo và am hiểu văn hóa dân gian của dân tộc mình”-ông Bin bày tỏ.
Bảo tồn nghề truyền thống
Khi được hỏi về nguồn gốc của nghề tạc tượng gỗ dân gian, ông Lâm và ông Bin cho biết: Trước đây, người Jrai tạc tượng để trang trí nhà mồ nhằm thể hiện tình cảm của những người thân trong gia đình với người đã khuất. Những ngôi mộ có càng nhiều tượng càng thể hiện sự khá giả của gia đình. Tuy nhiên, theo thời gian, nguồn gỗ để tạc tượng khan hiếm nên nghề tạc tượng dần mai một.
Thông qua hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, những người đam mê tạc tượng như các ông mới có dịp trổ tài. Dẫu vậy, vì thời gian bị giới hạn nên các ông chỉ có thể chọn các bức tượng đơn giản nhất để trình diễn. Gỗ tạc tượng cũng được tận dụng từ các loại gỗ tạp như mít, xoài...
“Điều tôi lo lắng nhất là sau này mình già đi không có sức khỏe để tiếp tục nữa. Hy vọng qua mỗi bức tượng mình hoàn thành, con cháu sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc mà học hỏi, giữ gìn”-ông Lâm trăn trở.
Anh Nguyễn Đức Anh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Chrôh Pơnan-cho hay: Ông Rcom Bin là nghệ nhân duy nhất trên địa bàn xã Chrôh Pơnan biết đục tượng gỗ dân gian. Trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc mình, ông vẫn đang từng ngày miệt mài “thổi hồn” cho những bức tượng gỗ. Đây là điều rất đáng trân quý.
Theo chị Kpă Loan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Khoa học và Thông tin huyện Phú Thiện: Nhờ tính cần cù, tài hoa, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian đã biến những khúc gỗ vô tri thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chân thực, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Jrai.
Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân còn lưu giữ nghệ thuật này trên địa bàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là điều khiến những người làm công tác văn hóa trăn trở. Tại hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, huyện đều duy trì việc trình diễn nghề truyền thống này. Hy vọng qua đây có thể bảo tồn, lan tỏa tình yêu tượng gỗ dân gian trong thế hệ trẻ.