Giữ bình yên cho biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài công việc nương rẫy, thành viên các “Tổ tự quản về đường biên, mốc giới” của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn thường xuyên kiểm tra hiện trạng cột mốc và đoạn biên giới được giao bảo quản phân ranh với nước bạn Lào. 

Đây được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng bộ đội biên phòng, là nòng cốt trong công tác xây dựng quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ.


 

Già làng Hải Viên Xê, ở xã A.Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế xem việc bảo vệ cột mốc nơi biên cương là nhiệm vụ thiêng liêng
Già làng Hải Viên Xê, ở xã A.Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế xem việc bảo vệ cột mốc nơi biên cương là nhiệm vụ thiêng liêng


Mỗi người là một cột mốc

Từ trung tâm thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lên cửa khẩu Hồng Vân chừng 15km luôn tấp nập xe cộ. Một màu xanh tràn trề nhựa sống của rừng tràm, nương lúa dọc hai bên đường như xóa đi những di chứng từ cuộc chiến năm xưa.

Câu chuyện về sự “thay da đổi thịt” của người dân xã biên giới Hồng Vân hôm nay qua lời kể mộc mạc, giản dị của anh Trần Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ tự quản về đường biên, mốc giới thôn Ka Cú 2 khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. “Khi đảm nhận cương vị Tổ trưởng Tổ quản lý đường biên, mốc giới, tôi đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) không ngần ngại lặn lội đến từng gia đình có đất trồng trọt sát đường biên để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng quy định giữ gìn an ninh biên giới. Nghe lời, các hộ dân đồng lòng thực hiện nhiều biện pháp để cùng nhau giữ đất, tích cực tham gia vào Tổ tự quản về đường biên, mốc giới”, anh Hiền kể.

Hiện tổ của anh Hiền có hơn 30 thành viên, mọi người đều sinh sống lâu năm ở địa phương và có uy tín trong cộng đồng nên công tác tuyên truyền, vận động về quy định giữ gìn an ninh biên giới, ý nghĩa thiêng liêng đối với chủ quyền quốc gia đều được bà con chấp hành. Anh Trần Văn Hiền phấn khởi: “Mỗi khi có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra, người dân đều thông tin nhanh chóng đến cơ quan chức năng nên thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất ổn định, không xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng”.

Mỗi ngày như mọi ngày, ngoài công việc nương rẫy, ông Hồ Văn Đăng cùng các thành viên trong Tổ tự quản về đường biên, mốc giới thôn A Niêng (xã Hồng Trung, huyện A Lưới) còn tranh thủ thời gian phối hợp với lực lượng Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tuần tra kiểm soát bảo vệ tuyến biên giới, tổ chức phát quang khu vực cột mốc… Ông Đăng cho biết, các thành viên trong tổ tự quản hăng hái tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, phát quang thông tầm nhìn. Đồng thời phối hợp và trực tiếp tham gia các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Còn theo anh Hồ Văn Ôn, Tổ trưởng Tổ tự quản về đường biên, mốc giới thôn Lê Triêng (xã Hồng Trung), từ ngày được giao tự quản đường biên, mốc giới, bà con vui lắm. Ai cũng nhận thức đây là trách nhiệm thiêng liêng và cao quý. “Mỗi lần chào cột mốc, chúng tôi cùng các chiến sĩ biên phòng luôn cảm thấy vinh dự, thiêng liêng giữa bao la đất trời nơi biên cương. Nhưng hãnh diện hơn là được trực tiếp bảo vệ, giữ từng tấc đất nơi vùng phên dậu của Tổ quốc mà cha ông đã bao đời gìn giữ”, anh Hồ Văn Ôn tự hào cho biết.

Thắm tình quân dân

Cứ 3 tuần, các Tổ tự quản về đường biên, mốc giới ở A Lưới lại nhóm họp để tổng kết hoạt động, đề ra kế hoạch mới cho những tuần tiếp theo. Đồng bào nơi đây cũng ngày càng ý thức tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, khu vực biên giới nơi mình sinh sống.

Anh Hồ Thanh, thành viên trong Tổ tự quản về đường biên, mốc giới thôn Lê Triêng (xã Hồng Trung), hăng hái đăng ký tự quản đoạn biên giới dài gần 1km, chia sẻ: “Nhà mình sát đường biên, gần cột mốc nên thấy việc đăng ký tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Trước đây, người dân trong bản thường sang bên kia biên giới làm thuê hoặc lập gia đình rồi định cư ở các bản của nước bạn Lào, thậm chí còn tự ý đưa gia đình về nước mà không xin phép chính quyền địa phương. Nay cán bộ biên phòng tuyên truyền, vận động thì mọi người đều hiểu được quy định của pháp luật và không còn vượt biên trái phép nữa”.

Anh Hồ Thanh cũng vui mừng cho biết dân bản tích cực trồng rừng, canh tác gần đường biên để tiện cho việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Đặc biệt, trong quá trình lên nương rẫy, tham gia lao động sản xuất, bất kỳ sự thay đổi cành cây, vạt cỏ ảnh hưởng đến dấu hiệu đường biên đều được dân bản báo cho cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân và chính quyền biết, kịp thời xử lý.

Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, bật mí 100% đồn biên phòng, tuyến biên giới đều thành lập và đưa mô hình Tổ tự quản về đường biên, mốc giới vào hoạt động hiệu quả. Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân quản lý địa bàn 3 xã Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy của huyện A Lưới (khu vực giáp ranh với huyện Salavan, nước bạn Lào và huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị) với đặc thù là vùng rẻo cao, địa hình phức tạp, tập trung khá đông đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi với tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Những yếu tố bất lợi là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xấu lợi dụng vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ qua biên giới, khai thác lâm sản trái phép và các hoạt động vi phạm quy chế biên giới.

Song với mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc giới ra đời và hoạt động ngày càng hiệu quả đã hỗ trợ đắc lực cho đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Hiện đơn vị đã tham mưu và phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập được 7 tổ tự quản với 201 hộ gia đình tự nguyện tham gia. “Đó là “cánh tay nối dài” của đơn vị trong việc triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Thiếu tá Hồ Văn Việt hồ hởi.


“Sự phối hợp mật thiết từ các thành viên tổ tự quản về đường biên, mốc giới và các đồn biên phòng không chỉ góp phần đẩy lùi các loại tội phạm, giữ bình yên địa bàn mà còn được nhân dân tin yêu, trở thành “lá chắn” bình yên cho mỗi buôn làng, mỗi người dân nơi biên cương Tổ quốc”.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế



Võ Tiến - Văn Thắng (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.