Giao thoa văn hóa ẩm thực Tây Nguyên và 3 miền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa những món ăn đặc trưng của Tây Nguyên cùng những đặc sản riêng có của 3 miền tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng du khách thập phương khi đến với Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai.
Khu Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền với gần 20 gian hàng tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành nơi quảng bá ẩm thực đặc trưng đến du khách tham gia ngày hội lớn của khu vực. Hoạt động này do Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực đồng tổ chức. Sự khác biệt về thổ nhưỡng, phong tục tập quán giữa ba miền Bắc-Trung-Nam đã tạo nên ẩm thực Việt đa dạng, phong phú tại Festival năm nay.
Góp mặt trong phần ẩm thực 3 miền có khoảng 30 món ăn đặc trưng cho từng vùng miền như: bánh căn Nha Trang, bún bò Huế, bánh xèo Nam Bộ, gỏi chua Lạng Sơn… Tại 10 gian hàng ẩm thực 3 miền, các món ăn được mua bằng phiếu với mệnh giá được quy đổi từ 10 đến 40 ngàn đồng. Những gian hàng này không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của hàng ngàn du khách mà còn là dịp để các địa phương quảng bá văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương mình đến đông đảo du khách gần xa.
Đông đảo du khách tham quan, thưởng thức món ăn tại khu ẩm thực 3 miền. Ảnh: Đức Thụy
Đông đảo du khách tham quan, thưởng thức món ăn tại khu ẩm thực 3 miền. Ảnh: Đức Thụy
Ông Trần Tường Huy-Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới (TP. Hồ Chí Minh) thông tin: “Đến với lễ hội, Làng du lịch Bình Quới đem đến những món ăn đặc sản của 3 miền Bắc-Trung-Nam  để giới thiệu cho thực khách bốn phương. Cụ thể, miền Nam với món ăn đặc sản như bánh xèo miền Tây, bánh khọt Vũng Tàu, chuột đồng Cao Lãnh, đặc biệt là món xôi chiên phồng và gà nướng lu; miền Bắc có bún riêu; miền Trung có bún chả Bình Định, bún bò Huế, bánh Huế thực cẩm...”. Theo ông Huy, những ngày qua, các gian hàng luôn thu hút rất đông du khách đến tham quan và thưởng thức các món ăn. Du khách có vẻ rất thích thú với các gian hàng từ miền Nam đem ra, đặc biệt là các món ăn, hầu như ngày nào cũng không có hàng để bán. “Đây là lần thứ 2 làng Du lịch Bình Quới đem các món ăn đặc sản của 3 miền đến giới thiệu cho thực khách tại Gia Lai. Dù rất mệt khi phải phục vụ một lượng khách khá lớn nhưng anh em trong đoàn rất vui và đem hết nhiệt huyết của mình để giới thiệu những giá trị ẩm thực của 3 miền đến với bà con Tây Nguyên”- ông Huy chia sẻ.
Ở các gian hàng ẩm thực Tây Nguyên, du khách khá hài lòng khi được thưởng thức những món ăn đặc trưng, thể hiện được tinh túy của ẩm thực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng như: phở khô, gà nướng, cơm lam, thịt xiên nướng, lá mỳ cà đắng, rượu cần…  Anh Bạch Hồng Quý-Chủ quán Jarai Food (TP. Pleiku, Gia Lai), cho hay: “Tham gia Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, chúng tôi đem đến Khu ẩm thực Tây Nguyên và 3 miền những món ăn đặc trưng của người dân tộc Jrai với các món ăn như cơm lam gà nướng, lá mì cà đắng..., đặc biệt là mòn tép Biển Hồ gói lá bạc. Các món ăn luôn tươi sống được chế biến tại chỗ nên rất được thực khách ưa chuộng”. Bên cạnh đó, du khách cũng đã có những trải nghiệm rất đặc biệt khi được tự tay nướng gà và thưởng thức tại chỗ.
Món cơm lam gà nướng của quán Jarai Food luôn thu hút khá đông thực khách. Ảnh: Trần Dung
Món cơm lam gà nướng của quán Jarai Food luôn thu hút khá đông thực khách. Ảnh: Trần Dung
“Trong tiết trời se lạnh của phố núi Pleiku, chỉ cần thưởng thức những món ăn dân dã đậm hương vị cay nồng pha lẫn hương men thơm nồng của rượu cần, mọi người sẽ thấy ấm áp và gần gũi nhau hơn. Dịp này, gia đình tôi đã có cơ hội cùng nhau tham quan, trải nghiệm và tận hưởng đặc sản của vùng đất Tây Nguyên với những món ngon mang hương vị rất riêng của núi rừng như: cơm lam, gà nướng, rượu cần....”- chị Trần Thị Hà My (huyện Kbang, Gia Lai) chia sẻ.  Còn với nhiều du khách phương xa như anh Ngọc Sơn (tỉnh Thanh Hóa) thì: “Tôi ấn tượng mạnh với hương vị của rượu cần. Cách thưởng thức rượu cần cũng biểu hiện cho lối sống phóng khoáng, hiếu khách và đậm nghĩa tình của người Tây Nguyên”.
Song song với các hoạt động đặc sắc tại khu ẩm thực, Lễ hội cà phê đường phố cũng để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến với Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.  Lễ hội cà phê đường phố được xem là một trong những chương trình nổi bật xuyên suốt tại Festival, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được Ban tổ chức Festival lựa chọn là đơn vị chủ trì cho các hoạt động trong lễ hội này.
Trong những ngày diễn ra Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội cà phê đường phố đã có 10 điểm phục vụ cà phê cho du khách có nhu cầu thưởng thức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và trên các trục đường chính như: Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám; Nguyễn Tất Thành, Lê Lợi,… Đặc biệt, tại các điểm phục vụ cà phê hữu cơ cho khách chỉ được bán với mức giá rất ưu đãi là 5.000 đồng/ly. Bà Lương Thị Ngọc Nữ-Giám đốc Thương hiệu cà phê Lamant (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai) cho biết: “Mục đích chính của chương trình lần này là mang đến không khí đúng chất lễ hội. Đây là lần đầu tiên Gia Lai có Lễ hội cà phê đường phố cho nên hoạt động này mang ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ đối với đơn vị Lamant mà còn đối với ngành cà phê Gia Lai.”
Một điểm cà phê đường phố tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo và Anh hùng Núp. Ảnh: Trần Dung
Một điểm cà phê đường phố tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo và Anh hùng Núp. Ảnh: Trần Dung
Với quy mô tổ chức lễ hội cà phê đường phố, Ban tổ chức đã bố trí gần 100 nhân sự và chuẩn bị nguyên liệu cà phê đảm bảo phục vụ đầy đủ cho hoạt động này. Cùng với đó, lễ hội cà phê đường phố còn tổ chức Hội thi pha chế cà phê để các pha chế viên biểu diễn sự sáng tạo trong các cách thức pha cà phê và hướng dẫn cho du khách. Hương vị cà phê đậm đà lan tỏa ở mỗi góc phố đã để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc khó quên. Chị Trương Minh Ngọc (TP. Pleiku) nói:  “Lần đầu tiên tôi được thưởng thức cà phê theo phong cách này. Rất là ấn tượng. Tôi ngĩ là nhiều du khách cũng sẽ thích thú và yêu mến hương vị cà phê Gia Lai như tôi”. Cũng tại lễ hội, các đơn vị sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh cũng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê của mình để du khách tham quan. Đặc biệt hơn, các đơn vị sản xuất tập trung hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Có thể nói, Lễ hội cà phê đường phố là một điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi hoạt động Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai. Thông qua lễ hội lần này, nhiều du khách sẽ biết đến thương hiệu cà phê Gia Lai nói riêng và cà phê Tây Nguyên nói chung.
Tấn Dung

Có thể bạn quan tâm

Đặc sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc

Đặc sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ của Festival Cồng chiêng, Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam“ với hoạt động trưng bày cùng diễn xướng đem lại một không gian rực rỡ sắc màu văn hóa và nghệ thuật trải dài từ Nam tới Bắc. Triển lãm trở thành một điểm nhấn rất riêng, thu hút đông đảo du khách.
Những "sứ giả" đặc biệt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Những "sứ giả" đặc biệt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

(GLO)- Trong hơn 1.000 nghệ nhân tụ hội về TP. Pleiku dịp này, có người đã từng tham gia 2 kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng. Có người đã ở tuổi bát thập nhưng cũng có những em nhỏ vừa bước vào lớp 1. Hơn hết, họ đều là những “sứ giả“ của văn hóa, đại diện cho dân tộc trình diễn những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc nhất.
Festival Công chiêng Tây Nguyên 2018 giới thiệu nhiều đặc sản đến du khách

Festival Công chiêng Tây Nguyên 2018 giới thiệu nhiều đặc sản đến du khách

(GLO)- Bên lề lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là hơn 50 gian hàng giới thiệu đặc sản nổi tiếng của núi rừng Gia Lai. Đây không chỉ “điểm nhấn“ hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm mà còn là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm cho địa phương.
Tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

Tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

(GLO)- Lời Tòa soạn: Chỉ còn vài ngày nữa, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra tại TP. Pleiku. Festival lần này sẽ mang thông điệp đầy ý nghĩa về hành trình kết nối, tôn vinh di sản của “Không gian văn hóa cồng chiêng“. Trước thềm lễ hội, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Học sinh nội trú "giữ lửa" cồng chiêng

Học sinh nội trú "giữ lửa" cồng chiêng

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa đã đưa cồng chiêng vào các giờ ngoại khóa hàng tuần. Đặc biệt, trước đó, nhà trường đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện mời nghệ nhân để ươm mầm “hạt giống“ của nghệ thuật cồng chiêng.
Thường trực Tỉnh ủy làm việc về công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng

Thường trực Tỉnh ủy làm việc về công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng

(GLO)- Ngày 21-11, tại TP. Pleiku, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Thành ủy, UBND TP. Pleiku; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Hoàn tất công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

Hoàn tất công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

(GLO)- Chiều 20-11, Ban tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 tổ chức cuộc họp nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo công tác tổ chức lễ hội này. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, Kpă Thuyên chủ trì cuộc họp.