(GLO)- Lời Tòa soạn: Chỉ còn vài ngày nữa, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra tại TP. Pleiku. Festival lần này sẽ mang thông điệp đầy ý nghĩa về hành trình kết nối, tôn vinh di sản của “Không gian văn hóa cồng chiêng”. Trước thềm lễ hội, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị từ lễ tân, khánh tiết, tài chính, an ninh trật tự đến nội dung… đều đã sẵn sàng. Đặc biệt, để sẵn sàng cho đêm khai mạc, công ty tổ chức sự kiện đang gấp rút chuẩn bị sân khấu, trang trí, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, đến ngày 28-11 sẽ tổng duyệt.
* P.V: Festival là dịp nhìn nhận, đánh giá hiện trạng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Tại Gia Lai, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh: M.C |
Festival lần này còn là một cuộc tổng rà soát hiện trạng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thảo bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đây là hội thảo rất quan trọng để đánh giá lại công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản nhân loại ở 5 tỉnh Tây Nguyên, xác định chiến lược bảo tồn để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực phát triển ở địa phương cũng như khu vực.
* P.V: Các giá trị của “Không gian văn hóa cồng chiêng” được tôn vinh như thế nào tại Festival lần này, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Đây là lễ hội hoàn toàn không có kịch bản chi tiết ở phần trình diễn các hoạt động văn hóa, trình diễn cồng chiêng mà để các đoàn tự do thể hiện bản sắc. 26 đoàn nghệ nhân của 4 tỉnh Tây Nguyên và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai (tổng số hơn 1.000 người) sẽ mang đến những màu sắc văn hóa khác nhau, làm nên một lễ hội đúng nghĩa. Những chủ nhân di sản sẽ tự do thể hiện bản sắc, biểu diễn theo khả năng, cảm hứng.
Tôn trọng sự khác biệt cũng như sự đa dạng trong sắc màu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Ban tổ chức cũng không tổ chức thi đối với các hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng… mà để nghệ nhân các đoàn tự do sáng tạo, thể hiện sự tài hoa trong tác phẩm nghệ thuật của mình theo cảm quan nghệ thuật riêng.
Các đội cồng chiêng tại nhiều địa phương đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: Duy Lê |
* P.V: Với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, ông có thể cho biết Festival lần này có gì đặc biệt?
- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Festival sẽ có những nghi lễ gắn liền với lễ hội lớn của các dân tộc được phục dựng mang đến bức tranh nhiều gam màu về lễ hội dân gian Tây Nguyên. Đó là lễ cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê Đê (tỉnh Đak Lak), lễ cúng sức khỏe của người MNông (tỉnh Đak Nông), lễ cầu an của dân tộc Bahnar (tỉnh Kon Tum), lễ sạ lúa của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) và lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar (tỉnh Gia Lai). Thông qua các lễ hội này, người xem sẽ hiểu thêm sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, hiểu thêm những thành tố tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng-di sản phi vật thể của nhân loại.
Ngoài các lễ hội dân gian, sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi, hát dân ca cũng góp mặt trong sự kiện này.
* P.V: Festival còn hướng đến mục tiêu lâu dài hơn là phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Vậy du lịch sẽ được quảng bá như thế nào thông qua lễ hội này, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Du lịch và di sản cần nương vào nhau để phát triển bền vững, theo đó di sản cần được khai thác đúng hướng để phát triển du lịch. Tại lễ hội lần này, chúng tôi mời đến Gia Lai 40 doanh nghiệp lữ hành lớn của cả nước, giới thiệu với họ những giá trị đặc sắc của lễ hội có sự tham gia của cộng đồng, đồng thời công bố tour du lịch có cộng đồng tham gia để những nhà làm du lịch chuyên nghiệp thấy được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Gia Lai.
Theo kế hoạch, các doanh nghiệp lữ hành sẽ thực tế khảo sát du lịch, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm các thắng cảnh, sản phẩm du lịch ở một số địa phương trong tỉnh như Ia Grai, Đak Đoa, Chư Pah. Bởi ngoài không gian văn hóa cồng chiêng, Gia Lai còn có nhiều thế mạnh về thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa có thể khai thác, hình thành các sản phẩm du lịch giá trị.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Minh Châu
1