Giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp của Việt Nam đạt gần 6 tỉ USD  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trên toàn cầu lẫn Việt Nam đang trầm lắng với số lượng và giá trị thực hiện thấp hơn năm 2021.

Chiều 23.11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) Việt Nam 2022 lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra tại TP.HCM. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalDat cho biết hoạt động M&A toàn cầu đang sụt giảm và có thể trải qua cuộc suy thoái vào năm tới. Trong bối cảnh đó, thị trường M&A của Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với năm 2020 - 2021. Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A ở Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Các giao dịch vẫn được dẫn dắt bởi doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,2 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng 1,2 tỉ USD, bất động sản gần 1 tỉ USD và công nghiệp đạt 800 triệu USD.


 

 Diễn đàn M&A 2022 diễn ra tại TP.HCM ngày 23.11. Ảnh: CTV
Diễn đàn M&A 2022 diễn ra tại TP.HCM ngày 23.11. Ảnh: CTV


Nổi bật nhất là thương vụ The Sherpa (Masan sở hữu gián tiếp) mua 34% vốn cổ phần trị giá 3.617 tỉ đồng của Phúc Long Heritage. Trước đó, tháng 1.2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỉ đồng. Hay thương vụ của Golden Gate bán 2,744 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư nước ngoài, thu về hơn 5.300 tỉ đồng; Swire Pacific mua lại các nhà máy đóng chai của Coca-Cola ở Việt Nam và Campuchia với giá 1,05 tỉ USD; SK Group chi 100 triệu USD mua cổ phần tại Pharmacity; Warburg Pincus rót 250 triệu USD vào Novaland...

Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên "hot" nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị với gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Theo các chuyên gia, thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong thời gian tới. Thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn với định giá tài sản hợp lý hơn.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Việt Nam nói chung và thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn luôn được đánh giá là thị trường có tiềm năng cao. Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.


Tại Diễn đàn, Ban tổ chức vinh danh 10 thương vụ Đầu tư & M&A tiêu biểu năm 2021- 2022; 12 tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu năm 2021- 2022; và vinh danh 1 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021- 2022. Đó là thương vụ Ngân hàng UOB (Singapore) mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại VN; Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 49% cổ phần VPBank tại FE Credit; Thương vụ trị giá 280 triệu USD - Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage; Thaco mua lại siêu thị E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam...


Theo Mai Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.