Giàng Pằng cao ngất tầng mây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách đây 14 năm tôi đã lên Sùng Đô, không chỉ do tập truyện ngắn “Lên Sùng Đô” của nhà văn Tô Hoài mê hoặc, mà tôi muốn tận mắt thấy mảnh đất và con người của anh hùng lao động Giàng A Thào đổi thay như thế nào.
 
Thôn Giàng Pằng nằm trên độ cao 1.400m
Hóa ra, đó là một trong ba xã cuối cùng của Văn Chấn có đường ô tô tới, người ta bảo: Đường ô tô mới chỉ đến xã thôi, còn lên Giàng Pằng phải nửa ngày đi bộ nằm tít trên đỉnh núi cao kia…
Mỗi lần ngước mắt lên Sùng Đô tôi lại nhớ tới câu thơ “Giàng Pằng cao ngất tầng mây/ Bên kia Làng Mảnh bên này Sùng Đô”. Lần lên Sùng Đô hơn mười năm trước, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Giàng A Vư năm đó bảo tôi: Mình đã xem cây chè Suối Giàng rồi, chưa to bằng những cây chè cổ thụ trên Giàng Pằng đâu. Nhiều cây to hai người ôm đấy, cây một người ôm thì có cả nghìn cây không đếm hết…
Lần này lên Giàng Pằng để tận mắt nhìn thấy đại lão chè cổ thụ lớn nhất thế giới mà ông Đào Xuân Thịnh, giám đốc Công ty Thịnh Đạt đã khoe với tôi vừa rồi đưa một chuyên gia về chè của Việt Nam Vũ Thế Ngọc hiện đang định cư ở Mỹ lên xem những cây chè cổ thụ có một không hai trên thế giới.
 
Cây chè đại cổ thụ hai người ôm không kín gốc
Ngược ngàn lên Sùng Đô lần này, con đường bị trận lũ ngày 20/7/2018 tàn phá nặng nề ngồi trên xe tưởng như ngồi trên yên ngựa xóc long óc. Phải mất hơn hai giờ đánh vật với con đường chúng tôi mới tới được Giàng Pằng. Tôi không rõ con đường ô tô mở lên Giàng Pằng năm nào, nhưng cũng chỉ là đường đất thôi, trời mưa xuống thì xe máy cũng khó mà đi được dù người ta phải quấn thêm xích vào bánh bởi dốc cao và trơn trượt.
Giàng Pằng và Làng Mảnh là hai thôn của xã Sùng Đô, nhưng đường lên Giàng Pằng phải qua xã Nậm Mười cách trụ sở xã chừng 20 km. Nhờ có đường ô tô nên người dân hai thôn không mấy người đi theo con đường mòn ngược dốc ngày xưa nữa. Xã Sùng Đô gần giống chiếc móng ngựa nằm trên núi cao, phía dưới là xã Nậm Mười, thôn Giàng Pằng nằm ở chỏm đỉnh cái móng ngựa giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, đỉnh núi cao nhất 1.700m.
Lúc này đã hơn mười giờ sáng, nắng và mây mù cứ đan xen nhau, vừa nắng hoe lên một lúc thì mây mù đã ập tới, bản làng cứ nhập nhòa chìm trong sương khói mơ màng. Giàng Pằng có 75 nóc nhà nhưng ở rải rác khắp các triền núi rộng vài cây số vuông. Dọc con đường vào thôn chè cổ thụ mọc như rừng, để thuận tiện cho việc thu hái cây nào cũng bị người ta đốn ngọn, cành tòe ra rộng vài mét vuông. Kỳ lạ thay, nhìn những cây chè già lụ khụ cả trăm năm tuổi rêu phong cổ kính mà lá cứ xanh rì, búp to như búp đa phủ một lớp lông tơ như tuyết phủ. Điều đó thể hiện sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong những thân cây cổ thụ kia, như bất chấp thời gian, nắng mưa, giá rét và mưa tuyết.
 
Rễ nổi của cây chè đo được 54cm
Thôn vắng hoe, giờ này lũ trẻ con đi học còn người lớn thì đều ra ruộng ra nương cả. Trưởng bản Giàng A Châu khi nghe tin đoàn công tác có 4 nhà khoa học cùng hai cán bộ kiểm lâm lên khảo sát vùng chè cổ thụ Giàng Pằng, mặc dù đang chăm vợ điều trị ở bệnh viện Nghĩa Lộ anh vội phi xe máy lên đón đoàn dẫn đi xem những đại lão chè cổ thụ.
Trên đoạn đường dẫn chúng tôi tới cây chè mà chuyên gia Vũ Thế Ngọc đã đến, chúng tôi tạt vào ven đường xem một đại lão chè lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. Mặc dù tôi đã thấy những cây chè cổ thụ trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa…thì chưa cây nào lớn hơn những cây chè ở Giàng Pằng. Thân cây chỉ cao hơn một mét, tôi và hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn Vũ Đình Trường ôm chưa kín gốc, lấy thước đo chu vi gốc 2,72m, cành chính chu vi 1m, đường kính tán 10m. Tôi nhờ tiến sĩ Nguyễn Quốc Dựng- Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng đo rễ cây nổi lên mặt đất cao 54cm, dài 3,2m. Như vậy, chu vi của rễ chè phải hơn 100cm, khiến tôi vô cùng kinh ngạc.
Sang cây chè đại lão cổ thụ thứ hai cách cây thứ nhất chừng 50m, đây là cây chè có thân cao và dáng đẹp nhất vùng chè Giàng Pằng, theo định vị vệ tinh GPS thì cây chè đang nằm ở độ cao 1.330m, thân liền cao 2,3m, chu vi gốc 2,22m, chu vi cành lớn nhất 100cm, tán rộng gần 40m2. Dưới tán có rất nhiều những cây chè con to bằng bắp đùi, tuổi đời cũng trên trăm tuổi.
 
Cành chè vừa một người ôm
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, từng là Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật năm nay 91 tuổi, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam cùng với các tiến sĩ Vũ Văn Dũng, Lê Huy Cường đều là những chuyên gia về cây lâm nghiệp sau khi nghe tin Giàng Pằng có những cây chè đại cổ thụ thì các ông đã lặn lội lên tận nơi để tận mắt nhìn thấy những cây chè to lớn thế nào. Tiến sĩ Lê Huy Cường lắc đầu: Tôi đã thấy rất nhiều cây chè cổ thụ từ Hà Giang đến Lai Châu, Điện Biên, nhưng chưa thấy cây nào to bằng những cây chè ở đây.
Tôi và giáo sư Đặng Huy Huỳnh ngồi xuống gốc chè đại cổ thụ lắng nghe Giàng A Châu nói về cây chè.  Châu cho biết anh là đời thứ 5 được thừa kế cây chè này. Hỏi ai là chủ đầu tiên của cây chè, A Châu chỉ nhớ tên một người là ông Giàng A Páo, ông Páo chết lâu rồi nếu còn sống ông ấy cũng đã hơn 100 tuổi, còn 4 người kia anh không nhớ phải về hỏi người già. Châu lắc đầu: Cây này phải đến 500-600 năm tuổi rồi à…Đây là giống chè Shan, một năm cho 4 vụ hái, cây chè này gia đình anh thu được khoảng 20-30kg chè búp tươi mỗi năm, vào vụ tháng 7 búp nhiều một người cả tiếng đồng hồ mới hái hết.
 
Cây chè cổ thụ của gia đình trưởng bản Giàng A Châu
Theo Giàng A Châu, vùng chè Giàng Pằng ước khoảng 40 ha, những cây chè cỡ hai người ôm mới kín gốc thì có vài chục cây, còn loại một người ôm thì cả nghìn cây, loại bằng bắp đùi thì nhiều lắm không đếm hết. Người dân Giàng Pằng mỗi năm thu hái khoảng 50 tấn chè búp tươi, loại một tôm giá 200.000đ/kg, loại 1 tôm hai lá từ 20.0000-40.000đ/kg, giá cả tùy từng năm. Gia đình nhà A Châu mỗi năm bán chừng 3 tấn chè búp tươi, được khoảng 10 triệu đồng. Nhiều năm giá chè rẻ không ai hái.
Nhà của A Châu nằm ngay đầu thôn Giàng Pằng, có một lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Anh không biết người Mông về đất này từ năm nào, đến đời anh là đời thứ sáu hay thứ bảy gì đấy. Người đầu tiên tới đây khai phá vùng đất này là cụ Giàng Pằng, tên cụ cũng là tên của thôn. Bà cô Giàng A Châu tên là Giàng Thị Dinh năm nay 71 tuổi răng đã rụng gần hết nhớ lại: Cây chè mà các mày đến là của cụ Giàng Pằng sau truyền lại cho các con cháu Giàng A Sử, Giàng A Ký, Giàng A Páo, bây giờ đến Giàng A Châu. Mình không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu, nghe cụ Ký bảo tao sinh ra đã thấy cây chè bằng đó rồi…
Chén nước chè mà A Châu vừa rót mời tôi vàng như màu mật ong, trên mặt lan tỏa một lớp khói mỏng tang, đưa chén nước lên mũi ngửi thấy thơm lừng. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ để tận hưởng cái hương vị của loại chè đại cổ thụ nơi này, một vị chát ngọt cứ lưu mãi ở đầu lưỡi. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh bảo A Châu: Những cây chè cổ thụ ở đây chính là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho người dân Giàng Pằng, nhắc nhở bà con phải bảo vệ để nó nuôi mình con ạ…
 
Các nhà khoa học và đoàn công tác chụp ảnh bên gốc chè cổ thụ
 
GS Đặng Huy Huỳnh (phải) cùng TS Lê Huy Cường trao đổi về tuổi đời một cây chè cổ thụ khác trong rừng chè
 
Tác giả ghi chép những lời Giàng A Châu kể về cây chè cổ thụ
 
Cây chè cổ thụ cạnh nhà bếp nhà Giàng A Châu
 
Mây núi Giàng Pằng
Thái Sinh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.