Gian bếp của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo truyền thống, gian bếp của người Jrai được thiết kế luôn trong ngôi nhà dài và thường có 2 bếp đặt ở 2 vị trí khác nhau. Chiếc bếp đầu tiên nhìn từ ngoài cửa vào được sử dụng để nấu ăn, phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Chiếc bếp thứ hai đặt ở phía trong bên phải nhà, là nơi chủ nhà dùng để tiếp khách hoặc nơi diễn ra các lễ cúng, sinh hoạt văn hóa. 
Tuy nhiên, hiện nay, để thuận tiện cho sinh hoạt của những gia đình ít người, nhà dài cũng không được làm rộng dài như xưa nữa và nhà bếp của người Jrai được làm riêng, nằm ngang so với nhà dài. Nhà bếp cũng được làm theo kiểu nhà sàn vách gỗ hay vách tre tạo sự thông thoáng cho việc nấu nướng không bị khói hun. Diện tích căn bếp nhỏ hơn nhà chính, đầu hồi bếp thường là nơi dùng để sơ chế thức ăn và rửa chén bát. Bên cạnh chỗ rửa, hầu như nhà nào cũng đặt một cái cối bằng gỗ. Ngày xưa, người ta dùng cối giã gạo. Giờ có máy xát gạo rồi, họ dùng cối để giã lá mì, muối ớt. Chiếc cối thường được đục thủ công từ một gốc cây nguyên khối vỏ ngoài còn xù xì nhưng bên trong thì nhẵn bóng. Tôi từng được ăn lá mì xào trong một bữa cơm của gia đình phụ huynh. Lá mì nấu với cá cơm khô thôi mà sao ngon đến lạ. Phải chăng lá mì đó được giã từ cối gỗ hương vị cũng khác hẳn so với giã bằng cối inox hay vò bằng tay mà tôi vẫn thường làm.
Điều đặc biệt là dù nhà bếp được dựng hoàn toàn bằng gỗ nhưng người Jrai rất có ý thức phòng cháy nên chả mấy khi bị “bà hỏa” ghé thăm. Nơi đặt bếp nấu ăn được quây thành hình vuông cách vách nhà một khoảng cách nhất định để tránh lửa tiếp xúc với vách. Mỗi cạnh bếp dài khoảng 1,2 m được dựng bởi 4 miếng ván cao độ 20 cm chắc chắn. Trong khung bếp chứa đầy tro nén để đảm bảo lửa không cháy lan ra ngoài. Ở giữa, người ta kê 1 chiếc kiềng ba chân dùng để nấu nướng. Người phụ nữ Jrai từ bao đời nay luôn giữ cho căn bếp nhà mình đỏ lửa vì đó là biểu hiện của sự no đủ, ấm cúng. Những lúc nấu ăn xong, họ thường gạt tro vùi than lại để bữa nấu kế tiếp chỉ cần cời tro nóng là có thể dễ dàng nhóm bếp.
Một gian bếp của người Jrai được làm riêng bên ngoài nhà dài. Ảnh: Mai Hương
Một gian bếp của người Jrai được làm riêng bên ngoài nhà dài. Ảnh: Mai Hương
Theo phong tục, người Jrai ăn 2 bữa chính trong ngày. Bữa sáng thường diễn ra vào lúc 8 giờ. Cơm nước xong xuôi, họ chuẩn bị đồ dùng lên rẫy hoặc chăn thả gia súc. Bữa chiều bắt đầu sớm hơn, 3 giờ đã sửa soạn. Họ không ăn 3 bữa như người Kinh nên tôi thường chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười của học trò. Buổi sáng đi học, có em đói quá tranh thủ giờ ra chơi chạy về ăn cơm rồi lại vội vã trở lại trường, lắm khi bị quá giờ.
Phía trên bếp, người ta làm một cái kệ bằng tre. Trên đó gác đủ các dụng cụ cũng đan bằng tre như rổ, rá, thúng, nia, gùi hay quả bầu khô đựng hạt giống. Hơi lửa lâu ngày làm các dụng cụ ngả màu nâu sậm và không bị mối mọt, khi dùng sẽ bền hơn. Người Jrai không có thói quen dùng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Thay vào đó, dưới cái kệ bằng tre, họ dùng làm nơi cất giữ thực phẩm để dành bằng cách để hơi lửa làm khô thực phẩm. Những thực phẩm gác bếp có thể là thịt bò, heo hay cá đồng tạo nên món ngon khó cưỡng khi nấu sền sệt cùng măng rừng, cà đắng kèm theo nắm ớt hiểm vô cùng kích thích vị giác.
Người Jrai sống gần các bìa rừng nên việc kiếm củi cũng thuận tiện. Củi được lấy từ những cây trong vườn hay cây dại mọc quanh nương rẫy, ven các con suối. Phụ nữ Jrai có sự chuẩn bị trước để căn bếp nhà mình luôn sẵn củi nấu. Vào lúc rảnh rỗi, trời khô ráo, họ chặt củi chất đầy gầm sàn để củi khô dần. Tôi thường bắt gặp trên đường hình ảnh từng tốp phụ nữ gùi củi về làng. Những thanh củi được chặt với độ dài đều nhau chừng hơn 1 m thuận lợi cho việc xếp vào gùi. Nhìn vào sàn nhà nào có đống củi lớn được xếp ngay ngắn là ta biết người phụ nữ trong gia đình ấy rất đảm đang, tháo vát. Theo phong tục của người Jrai, củi được chất đầy gầm sàn cũng là một điều kiện để cô gái “bắt chồng”.
Gian bếp được sắp đặt gọn gàng hay những món ăn ngon thể hiện tình yêu, sự chăm sóc của người phụ nữ. Nó là sợi chỉ xanh kết chặt tình thân của bao thế hệ trong gia đình.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.