Giấc mơ công chức của chàng trai bán vé số dạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dẫu biết rằng làm công chức không dễ như… bán vé số dạo, nhưng đối với Kim Thái, đó không chỉ là giấc mơ. Đó là niềm khát khao đến khát vọng được cống hiến sức trẻ cho quê hương...

Học như một... lời nguyền

“Kim Thái chưa chính thức là công chức của huyện. Em ấy mới thi vào ngạch công chức với chức danh nhân viên Văn phòng tổng hợp HĐND-UBND huyện do Sở Nội vụ tỉnh tổ chức với số điểm cao. Hiện chưa có kết quả chính thức trúng tuyển hay không. Hay là, đợi đến khi tuyển chính thức, nhà báo hãy viết bài nhé?” - Chủ tịch UBND huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) - anh Kim Hen - nói với tôi.

 

Sau giờ bán vé số, Kim Thái thường xuyên nghiên cứu tài liệu.
Sau giờ bán vé số, Kim Thái thường xuyên nghiên cứu tài liệu.

Tôi miệng “dạ” trả lời anh Kim Hen, nhưng bụng lại nghĩ khác. Riêng việc 1 chàng trai bán vé số dạo dám đăng ký thi công chức và thi đạt kết quả cao là điều rất đáng khâm phục. Thế là lên đường đi tìm Kim Thái!

Gặp Kim Thái không khó, bởi thị trấn Long Phú không lớn lắm. Vả lại, tên của em gần như đã vượt xa khỏi cái thị trấn mà hàng ngày em rong ruổi trên đường với xấp vé số trên tay. Anh Nguyễn Thanh Hùng - chủ tiệm kinh doanh trong chợ Long Phú - cười thật tươi: “Tìm thằng Thái à. Cái thằng thấy vậy mà chịu khó ghê luôn. Tôi ở đây nào tới giờ mà còn hổng biết nó đi học hồi nào nữa, tới nay lại đi thi vào công chức huyện luôn. May mốt, chắc nó làm tuốt trong ủy ban huyện luôn nữa chứ. Tôi thấy phục nó lắm”.

Một chị bán hàng tên Thanh gần đó góp chuyện: “Chú Thái giỏi thiệt. Tôi nói với mấy đứa con ở nhà, cố mà học, điều kiện, tiền bạc hơn chú ấy nhiều mà hổng chịu học là người ta cười cho”.

Kim Thái ngồi đối diện tôi, 38 tuổi, có vợ và 1 con, dáng người gầy, đầu đội nón rộng vành. Dưới vành nón là khuôn mặt tươi với đôi mắt sáng ngời.

Thái kể: “Em từng ngậm ngùi rơi lệ vào đầu năm 2000 khi quyết định nghỉ học giữa chừng tại Trường CĐSP Sóc Trăng. Thầy cô, bạn bè động viên em khi đó là lớp trưởng ở lại trường tiếp tục học hành, nhưng em đành bỏ giảng đường phía sau để lo việc mưu sinh. Nhà em có tất thảy 9 anh em. Con đông, ít đất, cha mẹ làm vất vả lắm. Hai người anh của em phải bỏ học nửa chừng để nhường cho em theo đuổi việc học cho đến hết cấp 3. Năm 1998, em thi vào khoa Địa - Sử, Trường CĐSP Sóc Trăng, gần 2 năm sau, em phải nghỉ học do mấy người anh lấy vợ ra riêng hết. Cha, mẹ lại có tuổi không thể ra đồng được nữa nên em quyết định nghỉ học để về nhà gần gũi với cha mẹ, đỡ đần mấy đứa em”.

Đây là quyết định khó nhất đối với Thái, bởi trước đó, 2 người anh đã dồn sức cho em theo học. Họ phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi các em, có tiền cho Thái theo học. Chính điều này thôi thúc Thái phải theo học cho bằng được khi có điều kiện.

Năm 2000, Thái lấy vợ, ra riêng, bươn chải với cuộc sống nhưng không khá lên được. Năm 2005, Thái bắt đầu đi bán vé số dạo để có tiền lo cho vợ và con. Duyên số thế nào, từ đó đến nay, em gắn đời mình với những tờ vé số đem lại may mắn cho người khác. Khi cuộc sống tạm ổn, ước mơ đến trường của Thái trỗi dậy. Năm 2015, Thái mạnh dạn đăng ký theo học ngành Luật, hệ đào tạo từ xa của trường Đại học Cần Thơ.

Thái chia sẻ: “Lúc học đại học mới vất vả, vì tuần em đi bán có 5 ngày, thứ Bảy, Chủ Nhật phải học tập trung không làm ra tiền lại tốn tiền. Nhưng đã quyết rồi thì phải đeo bám đến cùng luôn, chứ bỏ giữa chừng coi sao được. Mình đã bỏ 1 lần rồi còn gì”.

Thầy cô, bạn bè động viên, chia sẻ suốt thời gian học đại bọc, chính vì vậy, vào năm 2015, Thái tốt nghiệp loại khá.

Làm công chức để có cơ hội học tập, cống hiến

Lấy xong tấm bằng Cử nhân Luật, khát khao cống hiến đối với chàng trai không còn trẻ này vẫn không dứt. Hàng ngày, sau giờ bán vé số về, anh tìm hiểu nhiều thông tin hữu ích trêm các trang thông tin điện tử. Cơ duyên đến với Thái là cuối năm 2017, Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng thông báo thi tuyển công chức. Thái quyết định nộp hồ sơ đi thi với quyết tâm vào công chức nhà nước để được rèn luyện nhiều hơn, học hỏi được nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn.

Kết quả thi tuyển công chức năm 2017 vừa được Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng công bố, Kim Thái thi 5 môn, đạt 213 điểm và được cộng thêm 20 điểm ưu tiên dành cho ứng viên dân tộc Khmer.

Cụ thể, chức danh mà Thái thi là Hành chính tổng hợp của Văn phòng HĐND - UBND huyện Long Phú có 3 người, nhưng 1 thí sinh vắng mặt. Người còn lại đạt 204 điểm, thấp hơn Thái 29 điểm. Nếu không có gì thay đổi thì Thái là người trúng tuyển trong kỳ thi này.

Trước thềm bước vào công chức nhà nước, Thái rất háo hức. Tôi không dám thẳng thừng với em, rằng làm công chức nhà nước không dễ dàng, nhưng cũng nói “bóng gió”: “Lương công chức không nhiều lắm nghen em. Thực tế có nhiều công chức phải đi làm thêm mới đủ sống”. Kim Thái cười thật tươi: “Trước khi thi, em có tìm hiểu rồi. Đúng là lương công chức tháng tầm vài triệu, thua xa tiền lời bán vé số của em. Nói thật, có tháng em kiếm được tầm 7 - 8 triệu. Hồi em học, có ông thầy thương lắm, thầy nói, công chức không phải nơi để làm giàu, muốn làm giàu thì đi kinh doanh, mua bán. Nếu muốn làm giàu, làm có thì em bán vé số nhiều chút, mua về bỏ lại cho người ta là sống khỏe luôn. Nhưng nếu làm vậy thì mình sẽ là tấm gương xấu cho mấy đứa trẻ noi theo. Cha mẹ chúng cho rằng, học làm gì rồi cũng bán vé số. Nghĩ vậy mà em cố thi vào công chức cho bằng được”.

Nghe Thái nói mà tôi giật mình. Giật mình bởi việc thi công chức ở một số nơi thường dành cho những người đã từng đi làm việc, nhân viên hợp đồng. Giật mình khi mà có những kỳ thi tuyển công chức, thông tin đưa ra là, đã có quá nhiều “ưu ái” cho những người quen. Có thể có những người không nghĩ như Thái, làm công chức là làm tròn chức phận của người làm công cho nhân dân, nên có lắm người chạy chọt đó chăng...

Cánh cửa công chức không quá hẹp

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐTBXH, cả nước có đến trên 200.000 cử nhân ra trường thất nghiệp. Trong khi đó, cánh cửa công chức luôn khép hờ đối với tân cử nhân. Áp lực về tinh giản biên chế, khiến cho NLĐ đang làm việc tại các cơ quan nhà nước khó bước vào công chức. Hàng năm, các tỉnh phía Nam tuyển dụng công chức rất hạn chế. Chính điều này, con đường vào công chức thật sự là giấc mơ của nhiều NLĐ muốn có 1 chân công chức nhà nước. Việc Kim Thái, 1 thanh niên chưa từng bước chân vào cơ quan nhà nước, hàng ngày rong ruổi khắp thị trấn bán vé số dạo thi đậu vào công chức khiến chúng ta phải suy nghĩ lại.

Ông Lê Trọng Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng - cho rằng, việc xét tuyển, thi tuyển công chức thời gian quan được thực hiện khách quan, minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

“Thông qua kỳ thi, chúng ta đã tuyển chọn được đội ngũ công chức có nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Sơn khẳng định.

Ông Hồ Trung Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú - cho biết, Kim Thái là 1 công dân gương mẫu tại địa phương, làm tốt nhiệm vụ được giao khi tham gia Ban bảo vệ dân phố. Việc Kim Thái thi công chức với điểm rất cao là vinh dự không riêng gì anh mà khiến nhiều người cũng vui lây. Con đường làm công chức của Kim Thái vẫn còn phía trước. Dẫu vậy, em rất tự tin với công việc sắp tới của mình. Em thật thà: “Mai mốt khi làm công chức nhà nước rồi, em dự định sẽ nghỉ bán vé số. Biết là sẽ giảm thu nhập rất nhiều, nhưng đây là điều mà em mơ ước từ rất lâu. Có thể em mua bán gì khác có thu nhập ít hơn. Bù lại, em có thời gian toàn tâm, toàn ý để phục vụ”. Nói rồi, Thái cười rất tươi, rất trong sáng.

Chào tạm biệt tôi giữa lao xao phố chợ Long Phú, Kim Thái thật thà mời: “Khi nào em được tuyển dụng chính thức, em làm mâm cơm tạ ơn ông bà, anh đến chia vui với em nghen”.

Không hiểu sao, tôi hoàn toàn tin tưởng, rồi đây Kim Thái sẽ là 1 công chức hết lòng gì nhân dân.

Ghi chép của Nhật Hồ/laodong

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.