Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Người nông phu tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều nông dân "chân đất" đã tự tìm đường nâng tầm hạt cà phê truyền thống thành cà phê đặc sản (specialty coffee).

Thị trấn cổ D'ran (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) vốn nổi danh với đặc sản hồng treo, chuối laba... nhưng ở dưới chân Đồi 1600 lại có một anh nông dân chuyên trồng và bán cà phê đặc sản.

Đường lên núi không có nguyệt quế

"Tôi là một người nông dân chính gốc. Một ngày nọ, tôi nhận ra mình chỉ là gã nông phu bạc bẽo với mảnh vườn đã cho mình miếng cơm", anh Huỳnh Văn Sử (41 tuổi, TT.D'ran, H.Đơn Dương) nói.

Thời tiết lạnh giá ở vùng cao nguyên những ngày này khiến anh Sử vô cùng lo lắng. Đã gần 3 tháng qua, trời mưa nhiều, sương mù phủ dày và hiếm khi thấy nắng. Những mẻ trái cà phê chín đỏ trên giàn phơi cách mặt đất 8 cm, được bao bọc trong nhà bạt ni lông đúng tiêu chuẩn cũng không làm anh bớt lo. May sao, hôm chúng tôi đến là một ngày nắng đẹp. Anh Sử hồ hởi đảo cà phê phơi trên giàn đang sơ chế bằng nhiều cách như: ướt (washed), bán ướt (semi-washed), sơ chế tự nhiên phơi khô nguyên trái (natural). Mùi trái cà phê chín từ các giàn phơi tỏa ra thơm ngọt. Đôi má người nông dân ửng đỏ trên khuôn mặt tươi vui khi đi lại đảo cà phê trong cái nắng hiếm hoi giữa mùa này ở thung lũng Đồi 1600.

Anh Sử hái cà phê chín trên Đồi 1600

Anh Sử hái cà phê chín trên Đồi 1600

Năm 1995, khi ấy Sử còn là chàng thiếu niên một buổi đến trường, buổi còn lại đi rẫy. Thú vui của Sử là lúc rảnh rỗi thường lang thang vào rừng tìm lan về trồng. Tình cờ, Sử phát hiện một rẫy cà phê cổ ít được chăm sóc trên ngọn đồi cao nhất của thị trấn (khoảng 1.300 - 1.600 m so với mặt nước biển - PV), nơi dân bản địa thường gọi là Đồi 1600.

"Không hiểu sao lúc ấy tôi muốn mua lại miếng rẫy bỏ hoang ấy. Về nhà, tôi ráng thuyết phục mẹ cho tiền mua, để làm mảnh vườn của riêng mình vì mê rừng", anh Sử nhớ lại. Gia đình làm nông gốc, thấy con trai cũng có hướng làm vườn nên cha mẹ Sử đồng ý cho anh mua lại miếng rẫy hoang với giá rẻ để tập tành làm nông dân, dù tài chính eo hẹp. Nhưng Sử cũng không ngờ đó lại là cơ duyên để anh đến với "nàng thơ" cà phê ở thị trấn cổ D'ran nhiều huyền thoại.

Có mảnh vườn, anh Sử bắt đầu chăm sóc những cây cà phê có sẵn và tìm cách trồng thêm cây con. Nhưng trái cây chính vẫn là cam, quýt, hồng… theo vụ. Anh nông dân trẻ đối mặt khó khăn: đường lên núi! Bấy giờ, chỉ là con đường bùn đất trơn trượt và dốc đứng, ngoằn ngoèo. Sử phải đi bộ, lội rừng từ sáng tới trưa mới tới được rẫy cà phê. Rồi thêm câu hỏi khác khiến anh không khỏi đau đầu: "Việc cải tạo lại mảnh vườn, mua thêm cây giống, mình phải làm sao?"...

Chưa hết, những ngày lang thang trên Đồi 1600, anh Sử không ngừng nghĩ về những vườn cà phê của bà con D'ran luôn phải bán đại trà với giá rẻ mạt. Anh nghĩ về cha mẹ mình sống với nương rẫy, cả đời vẫn không khá được. Sử nhìn những nông dân đang đổ mồ hôi cõng từng bao cà phê, chân trần bấm mặt đất sỏi xuống dốc để bán cho thương lái với giá chỉ 8.000 - 10.000 đồng/kg và tự hỏi: Rồi đời mình sẽ ra sao?

Đảo cà phê trên những giàn phơi đạt tiêu chuẩn

Đảo cà phê trên những giàn phơi đạt tiêu chuẩn

Sau những trăn trở, anh Sử quyết tâm ở lại với mảnh vườn. Đó là vào thời điểm những năm 2014.

"Làm quần quật cả năm có khi chỉ thu về được vài chục triệu đồng, vừa đủ tiền phân thuốc. Rừng thì cứ trọc dần đi, rau trái chết vì đất vôi hóa, bị hóa chất bao phủ… Đường lên đỉnh núi này không có nguyệt quế mà chỉ có trắc trở, nhưng đó cũng là động lực để mình ở lại với vườn rừng", anh kể.

Nông trại trong mơ

Những mảnh vườn cà phê của anh Sử bây giờ xanh ngắt dưới tán rừng Đồi 1600. Để lên được đỉnh đồi, chúng tôi đi bằng con xe số tự chế của anh thường dùng để vận chuyển đồ lên nông trại. Đường mòn lên đồi chỉ rộng chưa tới 1 m, dốc và ngoằn ngoèo. Một bên là vách núi, một bên là thung lũng TT.D'ran. Trên sườn đồi ấy, những vườn cà phê đều tăm tắp cho trái chín đỏ mọng. Để có đường đi, Sử phải cùng bà con hùn nhau đưa vật liệu xây dựng lên đồi, đổ đá làm đường.

Ở chòi tạm trên núi, anh đi tìm đá tảng về xây đập, làm các bể nước rửa trái. Những ống dẫn nước từ đỉnh đồi xuống nông trại Sử D'ran hôm nay là công sức của anh trong gần 2 năm tỉ mẩn và kiên trì. "Ban đầu mình thuê người nhưng vì đường lên khó khăn nên tiền thuê cao quá, đành tự làm. Đá thì mua máy xẻ, tự chế xe chở gạch, vật liệu xây dựng lên đồi. Cứ làm từ sáng sớm đến chiều thì xuống núi. Có khi mưa hay tối quá phải ngủ lại ở chòi", Sử đứng ở "nông trại trong mơ" giữa vườn cà phê trong rừng kể lại. Bây giờ, nơi đây đã ấm cúng và đầy đủ dụng cụ làm vườn.

Vườn cà phê lý tưởng với hệ sinh thái tự nhiên cho ra chất lượng trái cà phê không thua kém “hàng ngoại”

Vườn cà phê lý tưởng với hệ sinh thái tự nhiên cho ra chất lượng trái cà phê không thua kém “hàng ngoại”

Năm 2015, anh Sử lần đầu được nếm thử loại cà phê hảo hạng Ethiopia từ một người bạn. Câu chuyện về cà phê đặc sản vùng đất châu Phi bán với giá hàng triệu đồng/kg khiến anh nông dân háo hức nghĩ: "Tại sao mình không làm được cà phê ngon, ít nhất là cà phê tử tế ngay ở khu vườn này?". Ngoài mua cây giống, Sử hỏi xin cây cà phê con của bà con xung quanh về trồng. Đó là những cây cà phê con mọc không kiểm soát trong các khu vườn ở Đồi 1600 nhờ sự phân tán của chồn, sóc. "Các con vật rất thông minh, chúng sẽ chọn những quả cà phê ngon nhất làm thức ăn mỗi ngày. Đó là lý do mình chọn giống cây mọc lan từ các vườn cà phê địa phương", anh chia sẻ.

Có vườn rồi, anh Sử bắt đầu cưỡi chiếc xe máy cũ kỹ của mình đến Lạc Dương và những nơi có các tiền bối bán cà phê giá tốt để được nghe họ nói về giá trị của cà phê và vai trò người nông dân trong ly cà phê chất lượng. Anh cũng tìm thêm thông tin, tài liệu trên sách báo, internet... để biết cây cà phê cần gì, thế nào là cà phê ngon và nhu cầu người tiêu dùng. Cho đến hôm nay, anh nông dân ở D'ran đã có thể tự tin bán cà phê loại hảo hạng của Đồi 1600 với giá có khi lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Sử cũng học rang, xay, chiết xuất cà phê theo nhiều cách để thưởng thức ly cà phê trọn vẹn nhất.

Đến nay, 5 ha cà phê của anh Sử là những khu vườn cà phê chất lượng cao, hướng thuận tự nhiên với hệ sinh thái cây trồng phong phú. Cây cao có tán lá như cam, quýt, bưởi, bơ, mít... che mát cho cây cà phê. Tầng cây bụi như tiêu, chuối giữ nước giúp khu vườn luôn ẩm, mát. Cây cỏ ba lá không còn bị phun thuốc diệt tận gốc, chúng giúp mặt đất luôn mát ẩm, là nơi ở lý tưởng cho giun đất và nhiều côn trùng có lợi. "Sóc chuột, chồn... không còn lo lắng nguồn thức ăn và không bao giờ bị săn bắt, chúng cứ ăn những gì chúng muốn, sống an toàn trong vườn cà phê", anh nông dân vui khoe. (còn tiếp)

Hạt cà phê vườn Sử D'ran được thu hái chọn lọc kỹ lưỡng với tỷ lệ chín 99%, độ đường trên 20%. Anh nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các quán cà phê ở Đà Lạt và TP.HCM. Sử D'ran cũng là một trong những nông hộ đang được nhiều nhà thu mua cà phê đặc sản tại VN tìm kiếm.

Cà phê đặc sản (specialty coffee) là thuật ngữ dùng gọi loại cà phê có phương pháp trồng hái thuận tự nhiên, thu hoạch khi trái chín 90 - 100%. Sử dụng các phương pháp sơ chế lên men tự nhiên, cho ra những mẻ nhân chất lượng, không có hạt lỗi (không bị bể, không nấm mốc, không tẩm ướp, được ghi chú ngày sản xuất, đặc điểm thổ nhưỡng vùng nguyên liệu, cách sơ chế, đo độ ẩm, độ đường, độ a xít…). Sau đó, nhân sẽ được chuyển đến các nhà rang uy tín, không tẩm ướp trong quá trình rang mà chỉ dựa vào các kỹ thuật bài bản từ chuyên gia để tạo nên những mẻ cà phê hảo hạng.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.