Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Giấc mơ trên Mộng Đào Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cuối năm, khi những vườn hoa mai anh đào nở rộ trên sườn đồi Langbiang, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cũng là lúc các nông dân rộn rã vào mùa thu hoạch cà phê ở khu Mộng Đào Nguyên.

Từ gia tộc bốn thế hệ giữ gốc cà phê

Buổi sáng cuối tháng 12.2022, tôi chạy xe trong cái lạnh cóng đến Buôn B'Nớr C, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng. Ở đây, chỉ cần hỏi về quán cà phê Làng K'Ho, bạn sẽ được chỉ ngay đến "quán của Rolan". Cô Rolan Cơ Liêng là người kế thừa nghề làm cà phê đến đời thứ tư của gia đình.

Quán cà phê nằm giữa những ngôi nhà K'Ho truyền thống đầy màu sắc một cách tĩnh lặng. Bên trong, Rolan Cơ Liêng bận bịu với những đoàn khách đến trải nghiệm không gian cà phê, từ trang trại đến ly cà phê nóng hổi bằng lối pha thủ công - "pour over". Họ trò chuyện về "specialty coffee" - cà phê đặc sản, một dòng cà phê khác biệt hoàn toàn so với những ly cà phê truyền thống của gia đình Rolan.

Joshua ở vườn cà phê 4 thế hệ của gia đình. Ảnh: Lê Vân

Joshua ở vườn cà phê 4 thế hệ của gia đình. Ảnh: Lê Vân

Dòng cà phê đặc sản này tập trung ở một số nước châu Phi, nơi mà diện tích vùng nguyên liệu trồng cà phê xếp sau các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu như VN, Brazil. Họ có các nông hộ với vườn chuyên canh theo tiêu chí nghiêm ngặt. Cà phê của những nông hộ này được ví như "vàng đen", làm ra không đủ bán, giá lên tới hàng ngàn USD/kg.

Rolan hẳn sẽ không bao giờ biết tới câu chuyện ấy nếu như không có cuộc gặp gỡ định mệnh với anh chàng ở cách xa tới nửa vòng trái đất, mà hiện giờ là chồng cô. Từ sự tình cờ, Joshua Guikema (39 tuổi) đã đến VN, cưới cô gái người K'Ho vào năm 2014. Họ cùng xây dựng thương hiệu cà phê của người K'Ho. Joshua đã bán nhà ở Mỹ để qua VN tập trung làm cà phê. Cặp vợ chồng này đã tạo nên xu hướng trồng cà phê mới mẻ so với cách canh tác truyền thống của người đồng bào tại đây.

"Phải có một sự thay đổi, để chúng tôi sống được bằng những ly cà phê đang làm mưa làm gió ở các cửa hàng sang trọng khắp nơi trên thế giới, trong khi đó, người nông dân lại chỉ biết bán cà phê thô với giá rẻ bèo...", Joshua tiếp chuyện. Suốt gần 10 năm, vợ chồng Joshua - Rolan cùng nhau thực hiện giấc mơ làm cà phê đặc sản trên đồi Mộng Đào Nguyên, nơi mà hiện nay diện tích trồng cà phê hàng trăm năm trước của người K'Ho bị thu hẹp dần. Thay vào đó là những nhà kính trồng hoa, rau ngắn vụ cho thu nhập nhanh. "Tôi tin là cà phê Việt sẽ không thua kém loại đắt đỏ nhất thế giới như "Geisha Panama", nếu được đầu tư đúng cách", Rolan thổ lộ.

Hai du khách từ Pháp thích thú trải nghiệm nhặt hạt cà phê lỗi. Ảnh: Lê Vân

Hai du khách từ Pháp thích thú trải nghiệm nhặt hạt cà phê lỗi. Ảnh: Lê Vân

Rolan và chồng canh tác cà phê theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân, thuốc mà chỉ dựa vào đặc tính cây trồng để chăm sóc. Joshua với kinh nghiệm của một kỹ sư nông nghiệp đã cải tạo lại cách canh tác bằng việc trồng xen canh cà phê với các cây bơ, cam… để cung cấp dinh dưỡng tự nhiên.

Đại gia đình Rolan có 5 hộ cùng trồng cà phê với khoảng 5 ha. Có những gốc cà phê được lưu giữ từ thời ông cố của Rolan, đến nay gần cả trăm tuổi, được trồng san sát trên núi Langbiang. Thời điểm khó khăn nhất của Joshua và Rolan vào khoảng 2 năm dịch Covid-19, khi các quán cà phê đều đóng cửa. Nhưng may mắn là họ vẫn cầm chừng được nhờ lượng khách "ruột" mua về uống tại nhà. Tới năm 2022, do mưa nhiều và sương giá nên số lượng cà phê thu hoạch cũng chỉ bằng 1/2 so với các năm trước. Rolan chia sẻ: "Gia đình gỡ khó bằng cách cùng nhau tự làm thủ công hết, không thuê người để tiết kiệm".

Giọt cà phê thơm

Trong gian nhà gỗ ấm áp, Rolan cùng chồng và các con luôn rộn rã tiếng cười, ấm cúng và ngào ngạt hương cà phê. Rolan, năm nay 36 tuổi, lí lắc: "Ba đứa rồi, nhưng đẻ thêm để có người làm cà phê, giá thuê nhân công giờ mắc quá". Dù đang mang bầu ở tháng thứ 7, Rolan vẫn ngày ngày đi đảo cà phê phơi ở nhà kính, chạy lên đón tiếp khách hay cần mẫn ngồi lựa những hạt cà phê lỗi sau phơi.

Vợ chồng Rolan đảo cà phê ở giàn phơi. Ảnh: Gia Bình

Vợ chồng Rolan đảo cà phê ở giàn phơi. Ảnh: Gia Bình

Theo Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA), cà phê có giá từ vài triệu đồng/kg trở lên ngày càng phổ biến. Thậm chí nhiều người Nhật sẵn sàng bỏ hàng ngàn USD để mua 1 kg cà phê ngon. Hiện nay Nhật cũng là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê đặc sản lớn trên thế giới. Họ thu mua cà phê chất lượng cao cả giống Arabica lẫn Robusta.

Rolan đưa cho tôi một nắm hạt cà phê Arabica chuẩn bị pha mời khách. Những hạt cà phê thơm phức với độ rang nhẹ vẫn lưu hương trên tay rất lâu. Ở đây, giá cà phê mà Rolan bán có thể lên đến 1 triệu đồng/kg, tùy loại. Nhưng đó là cái giá còn khá rẻ so với gói cà phê của người Nhật mang đến tặng Rolan (gần 300.000 đồng/100 gram).

Gia đình của Rolan - Joshua, bao gồm anh trai cô là DuLick Moul, cùng nhau làm hết các khâu trong sản xuất và kinh doanh cà phê thành phẩm. Hợp tác xã của họ được thành lập năm 2012, lúc việc làm ăn tốt nhất có thể thuê đến 50 gia đình người dân tộc K'Ho. Họ cùng nhau trồng, chế biến và bán cà phê Arabica hảo hạng, sử dụng các phương pháp canh tác hữu cơ độc quyền. Nông dân có thu nhập cao hơn từ việc rang và bán cà phê K'Ho so với thu nhập thông qua người trung gian và họ cam kết sử dụng công nghệ nông lâm kết hợp. Đó là cách tiếp cận mới đối với một ngành công nghiệp lâu đời và hiệu quả, là sản phẩm cà phê K'Ho luôn đạt điểm đặc biệt cao trong thử nếm (từ 84 đến 89 điểm theo thang điểm 100 của SCA).

Hai vị khách trẻ người Pháp thích thú sau khi được đi tour tham quan từ vườn cà phê tới quán cà phê Làng K'Ho. Sau cùng, họ tỉ mẩn cùng Rolan ngồi nhặt những hạt cà phê nhân xanh bị lỗi như nhỏ, lép, sứt mẻ, bị mốc… để chuẩn bị cho mẻ rang mới. Soazic (23 tuổi), du khách Pháp lần đầu tới VN, say sưa ngồi nhặt hạt cà phê lỗi cho dù bạn cô là Paul muốn ra quán để thưởng thức ly cà phê thơm lừng mà Rolan mới "pour over". Khi về, hai bạn trẻ người Pháp mua thêm mấy bịch cà phê K'Ho và hẹn ngày trở lại thăm quán.

Hiện tại, quán cà phê Làng K'Ho của Rolan hoạt động theo mô hình "From farm to cup" (trải nghiệm từ việc sản xuất đến thưởng thức cà phê tại nông trại - PV). Họ tự trồng hái, sơ chế và pha chế để mang đến không gian trải nghiệm cà phê đặc sắc nhất. Rolan bày tỏ: "Hồi xưa tụi mình đều là hướng dẫn viên du lịch quốc tế nên nay có thể kết hợp dẫn tour trải nghiệm cả về du lịch, văn hóa. Và đặc biệt là cà phê K'Ho". Ở đây, Rolan còn chế biến các phụ phẩm cà phê như vỏ trái (hái chín 100%) sấy khô làm trà cũng rất được du khách yêu thích. Một vị khách người Đức sau khi thưởng thức ly trà vỏ cà phê đã ồ lên ngạc nhiên vì cứ nghĩ đó là loại trà trái cây bản địa nào đó. Ông quyết định mua cả cà phê và trà.

Chúng tôi được Joshua đưa lên Mộng Đào Nguyên, nơi có vườn cà phê của gia đình họ. Đường đi rất khó vì chưa được trải nhựa, còn đá cục và lầy lội sình bùn. Những ngày này, Rolan không thể lên núi chăm vườn vì đường đi dằn xóc trong khi cô đang trong thai kỳ sắp sinh. Joshua vừa chạy xe vừa gật đầu chào những nông dân K'Ho đang làm vườn. Chàng rể Mỹ đã quá thân thuộc với quê vợ. Anh kỳ vọng: "Cà phê Việt rất ngon. Ở nơi này, chúng tôi sẽ giữ mảnh vườn để tạo ra những ly cà phê hảo hạng, dù còn nhiều khó khăn…".

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm