Trước diễn biến khó lường của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp đầu mối đưa ra dự báo, giá xăng dầu ngày mai có thể được các nhà điều hành điều chỉnh tăng khoảng 600 - 800 đồng/lít.
Bà Phùng Thị Hồng, Giám đốc doanh nghiệp đầu mối tại Tây Nguyên nhận định, do giá dầu thế giới những ngày gần đây liên tục biến động và có xu hướng tăng mạnh nên giá xăng dầu trong nước ngày mai cũng tăng là điều dễ hiểu.
“Với đà tăng của giá thế giới, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới có thể tăng từ 600 - 800 đồng/lít, các loại dầu có thể tăng thấp hơn, từ 300 - 500 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng cao hơn, ở mức từ 800 - 1.000 đồng/lít”, bà Hồng nói.
Ngày mai 11/8, giá xăng dầu trong nước sẽ bước vào đợt điều chỉnh mới. Ảnh minh họa: Công Hiếu |
Trong khi đó, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh, lại đưa ra dự báo, giá dầu ngày mai có thể tăng 1.000 đồng/lít, trong khi giá xăng có thể chỉnh giảm 200 - 300 đồng/lít.
“Sau nhiều ngày tăng, giá dầu thế giới đang dần đi xuống. Điều này có thể sẽ tác động đến quyết định điều hành giá xăng dầu của Việt Nam trong ngày 11/8”, TS Giang Chấn Tây nói.
Còn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh, khả năng liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh tăng giá xăng dầu bán lẻ theo đúng quy luật của thị trường. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì đã có công thức tính toán chi tiết và các cơ quan chức năng cũng còn phải quyết định về việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng 10/8 đang được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 1/8 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON92 ở mức 22.791 đồng/lít (tăng 1.152 đồng/lít); xăng RON95 có giá 23.963 đồng/lít (tăng 1.171 đồng/lít); giá dầu diesel là 20.612 đồng/lít (tăng 1.112 đồng/lít); dầu hỏa 20.270 đồng/lít (tăng 1.081 đồng/lít) và dầu mazut 180CST 3.5S là 16.531 đồng/kg (tăng 806 đồng/kg).
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá dầu thế giới biến động liên tục
Lúc 6h30 ngày 10/8, giá dầu WTI giao dịch ở mức 83,87 USD/thùng, tăng 1,07 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 87,14 USD/thùng, tăng 0,9 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá dầu hôm nay tăng do Ả rập Xê út cùng Nga tự nguyện cắt giảm sản lượng, trong khi đó nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ngày càng gia tăng.
Những yếu tố này sẽ thúc đẩy việc giảm dự trữ dầu mỏ toàn cầu và gây áp lực tăng giá dầu trong những tháng tới. Sản lượng dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh thêm 0,4 triệu thùng/ngày, đạt mức 12,6 triệu thùng. Nhu cầu dầu thô đối với hoạt động lọc hóa dầu tại các nhà máy Mỹ chỉ tăng nhẹ 62.000 thùng/ngày lên mức 16, 579 triệu thùng/ngày trong tuần trước (không có nhiều thay đổi). Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh nhưng nhập khẩu vẫn duy trì ở trên mức 6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tổng sản phẩm cung cấp trong tuần qua tăng 0,704 triệu thùng/ngày lên mức 20,727 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD so với dự báo trước đó. EIA cũng cho rằng, sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng 330.000 thùng/ngày lên 13,09 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Sản lượng dầu kỷ lục gần đây nhất là 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019, trước thời điểm đại dịch COVID-19 đè bẹp nhu cầu và giá cả.
Giá dầu thế giới thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa |
EIA cho biết sự gia tăng dự báo sản lượng là do năng suất ở mức giếng dự kiến cao hơn và giá dầu thô cũng cao hơn. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu dự kiến đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD/thùng so với dự báo trước đó. Tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm nay, từ mức 1,5% trong dự báo tháng trước.
Giá dầu thô đã tăng kể từ tháng 6, nguyên nhân chủ yếu do việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện kéo dài của Ả Rập Xê-út và nhu cầu nhiên liệu toàn cầu ngày càng tăng.