Giã Sao giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường vào Pa Tầng mây trắng bồng bềnh. Núi ngàn Trường Sơn in bóng xuống dòng Đakrông uốn lượn trong xanh róc rách nước chảy mát lạnh níu giữ khách phương xa. Bữa chúng tôi đến, Giã Sao đang tất tả bận rộn cùng dân bản dọn dẹp đường sá quang đãng, treo cờ Tổ quốc, chăm chút trang thờ Bác Hồ, chuẩn bị những lễ hội văn hóa truyền thống đón Tết Độc lập.
Kế nghiệp chồng, dẫn dắt làng
Giã Sao, Pí Phuôn là tên gọi thân mật trìu ái của dân bản với nữ già làng Hồ Thị Phuôn. Đây có lẽ là “viu vật” ở Trường Sơn bởi bà là nữ già làng đầu tiên ở miền Tây Quảng Trị này. Đó là câu chuyện chưa có tiền lệ giữa đại ngàn bởi xưa nay vị trí tối cao trong mỗi bản làng của người Pa Kô, Vân Kiều đều do đàn ông đảm nhiệm. Và Giã Sao đã dệt nên câu chuyện đẹp làm bừng sáng nơi xứ non xanh Đakrông.

Kết nối khối đoàn kết

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Lệ Hoa bảo, hiện có 190 nữ giới người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh này đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các bản làng, thôn, xã... Và Giã Sao là nữ già làng đầu tiên ở Quảng Trị. Điều đó chứng tỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới ở các bản làng vùng cao đang dần được xóa bỏ. Họ đảm nhận vai trò kết nối khối đoàn kết trong bản làng, trong dòng tộc và là hạt nhân hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Chục năm trước, ở Pa Tầng xã Đakrông của huyện rẻo cao Đakrông diễn ra một sự kiện mà giờ vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người. Đó là một đêm đèn đuốc sáng trưng cả góc bản. Trên khoảng sân trống, hơn chục vị cao niên là những người uy tín nhất trong năm dòng họ quần cư ở Pa Tầng ngồi quây tròn nghiêm nghị để chọn ra người kế vị già làng vừa về với mây ngàn. Cuộc họp tối đó chỉ có một phụ nữ tham dự, là Giã Sao, vợ già làng cũ. Bà được làng trịnh trọng mời đến dự hẳn hoi. Điều này là sự lạ bởi đã vượt qua định kiến về giới lưu cữu bấy lâu nay. Ngồi chưa kịp nóng chỗ, một vị cao niên đứng dậy, vào ngay việc: “Này Giã Sao, từ bố đến chồng làm già làng, nay pí (bà) có tiếp nối được việc hay không?”. Hẳn nhiên là lời đề nghị này đã có sự bàn bạc từ trước.

“Vững như cây cổ thụ giữa đại ngàn, qua bao nắng mưa, giông tố lại càng mạnh mẽ, ôm trọn lấy bản làng. Giã Sao được dân làng ví như thế. Bởi ở bà toát lên vẻ quyền uy của một thủ lĩnh, thứ quyền uy xuất phát từ lòng kính trọng của người dân”.

Bí thư Huyện ủy Đakrông-NGUYỄN TRÍ TUÂN
Lâu nay dân bản ai cũng biết, lúc chồng bà-Pả Thọ làm già làng, bà luôn ở bên phụ giúp, chạy việc. Pả Thọ có 4 người con trai song tuổi đời còn quá trẻ, kinh nghiệm còn non nớt, lại không nhận được sự tín nhiệm của người dân trong việc dẫn dắt buôn làng. Những năm chồng bà ốm yếu, mỗi dịp diễn ra lễ cúng bà Phuôn thay ông quán xuyến mọi chuyện. Ngày đi, tháng lại, năm qua các bài cúng khấn bằng thổ ngữ dần “nhập” vào huyết quản, bà chẳng cần học mà nhớ như in. Ngày cuối đời, không biết chồng bà có truyền lại hay không, nhưng cả Pa Tầng ai cũng nói bà đã học được cách “nói chuyện” với thần linh. Dù có bất ngờ và lo lắng về trọng trách sắp tới song Giã Sao vẫn gật đầu nhận lời. Quyết định đó khiến ai nấy vừa vui mừng, vừa lạ lẫm: “Giàng ơi! Pa Tầng lần đầu tiên có nữ già làng…”. Và thế là, cứ mỗi năm vài bận, Giã Sao lại vận áo quần thổ cẩm, cổ đeo tràng hạt mã não rồi cả vòng bạc cũ Đông Dương đứng ra làm chủ tế.

Nữ già làng Giã Sao bên căn nhà sàn truyền thống của mình
Nữ già làng Giã Sao bên căn nhà sàn truyền thống của mình
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pa Tầng Hồ Văn Xa Ơn bảo, theo quan niệm, già làng là “cầu nối” giữa thần linh với dân bản. Người Vân Kiều mỗi năm thường tổ chức cúng làng 1-2 lần. Muốn nhờ thần núi giữ cho hạt nảy mầm, cây cối xanh tươi thì thực hiện nghi lễ pủ-bo. Muốn mưa thuận gió hòa, dân bản an yên thì cúng thần mặt trời, thần ánh sao, thần rừng. Lễ cúng thường bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc lúc non trưa. Lễ vật dâng lên thường là lợn, gà và các loại bánh trái truyền thống. Lúc thực hiện nghi lễ, mọi người nhất tề “ngậm tăm”, chỉ có già làng Giã Sao đứng ra “nói chuyện” với thần linh.
Giã Sao bảo, pí vừa mừng, vừa lo là cảm giác ngày mà pí được dân bản đặt trọng trách già làng lên vai. Mừng vì được dân làng tin tưởng. Lo bởi nỗi trăn trở làm sao để bản làng ngày càng khởi sắc. Già làng phải là cầu nối giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại. “Già làng truyền thống là cây đại thụ của bản làng, là chỗ dựa tinh thần, chỉ dẫn, điều hành và xử lý các vấn đề tập tục, nghi lễ, đời sống tâm linh. Già làng hiện đại mang trọng trách lớn hơn, đó là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đến gần với người dân hơn. Từ đó, góp phần xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp”, nữ già làng 67 tuổi Giã Sao chia sẻ.
Nói dân nghe, làm dân tin
Đến nay đã 7 mùa rẫy và ngần ấy mùa trăng Giã Sao đảm trách nữ già làng Pa Tầng, dân bản từ già đến trẻ tất thảy thuận hòa, ấm êm. Sống điềm đạm, chuẩn mực và “cái bụng” trong như nước suối Ta Lin đầu làng nên tiếng nói của Giã Sao rất hiệu ứng. Làng bản việc gì khó, hàng xóm có tiếng bấc tiếng chì, cậy đến Giã Sao là xong ngay.

Giã Sao là người có uy tín, được người dân kính trọng
Giã Sao là người có uy tín, được người dân kính trọng
Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Văn Chiến bảo, Pa Tầng 117 hộ dân ngót nghét 500 người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Đàn ông trong bản không có ai nghiện ma túy, rượu chè bê tha, đánh đập vợ con. Đàn bà thì siêng năng làm lụng, con em không ai bỏ học giữa chừng. Thôn ngày càng văn minh lên như thế là có sự đóng góp quan trọng của già làng Giã Sao. Ông Chiến kể, Y Ten có chồng A Khư dạng nát rượu, nốc no là quậy vợ. Thế mà qua tay Giã Sao thì dần dà sàn nhà sóng gió ấy bình yên trở lại.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pa Tầng Hồ Văn Xa Ơn bảo, từ ngày Giã Sao làm già làng, bản làng có rất nhiều cái “không”. Không có người nghiện ma túy, không có nạn tảo hôn, không có con em bỏ học giữa chừng, không sử dụng pháo nổ… Ngoài ra các vấn đề về bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc, tranh chấp phát sinh trong cuộc sống cũng rất ít khi xảy ra. Trong 8 thôn bản của xã Đakrông thì Pa Tầng là một trong những thôn có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất, đời sống của đồng bào ngày một khởi sắc, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tất cả những điều đó có công lao rất lớn của Giã Sao-nữ già làng giỏi dân vận, khéo hòa giải.
Trong cuộc sống, Giã Sao dùng chính gia đình mình để làm gương cho cộng đồng. Bà luôn dạy các con yêu thương lẫn nhau, sống nền nếp, cố gắng học tập, lao động, đi đầu trong mọi hoạt động, công việc của bản làng. Con trai Giã Sao là Hồ Văn Cúc hiện là Phó trưởng thôn, Công an viên và Hồ Văn Công là Bí thư Chi đoàn thôn, những người con còn lại chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình khá giả. Giã Sao bảo, thay đổi được suy nghĩ, thói quen của dân bản rất khó. Mình phải vừa hiểu bà con, lại vừa kiên trì. Và quan trọng nhất là mình phải làm trước cho họ thấy. Kết quả mình làm chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất.
Theo HỮU THÀNH (ghi chép/TPO)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.