Bà Mlốp-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) là người phụ nữ đầu tiên giữ "hồn" và nối dài sợi thổ cẩm của dân tộc Ba Ba ở địa phương này.
Clip: Bà Mlốp là người đầu tiên thổi "hồn" vào thổ cẩm của dân tộc Ba Na tại xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Sản phẩm túi xách thổ cẩm của HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện HTX đã tạo việc làm cho 300 người.
Một con heo mới đổi được một tấm thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ lâu đời, trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ba Na ở Gia lai.
Đây chính là nghề truyền thống được lưu giữ, truyền lại từ lâu đời, thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, đồng thời chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ.
Một buổi sáng chớm thu, chúng tôi tìm đến nhà Mlốp, người dân tộc Jrai ở làng làng Dôr 2, xã Glar). Mlốp là người có tay nghề dệt thổ cẩm giỏi nhất trong làng.
Hơn một nửa căn nhà bà dành cho thổ cẩm từ khung cửi, chỉ dệt và các sản phẩm được dệt lên từ thổ cẩm như váy, áo, túi xách… với những gam màu tươi tắn, đường nét hoa văn cầu kỳ, đa dạng và rất bắt mắt.
Bà Mlốp được xem là người giữ “hồn” cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân trên địa bàn xã Glar. |
Vốn sinh ra trong cái nôi truyền thống về nghề dệt thổ cẩm nên bà Mlốp (đã quen với hình ảnh trái bông, màu nhuộm, sợi chỉ và khung cửi.
Ngay từ nhỏ, Mlốp đã được mẹ chỉ dạy về nghề dệt của người Ba Na, cách biến hóa từ quả bông thành sợi chỉ cho đến cách ra chỉ, đếm sợi, phối màu. Cũng từ ấy, niềm đam mê với nghề dệt đã ngấm vào trong máu và chảy mãi trong bà Mlốp cho đến ngày nay.
Trao đổi với chúng tôi, bà Mlốp chia sẻ: "Ở làng Dôr, trước đây nghề dệt không phải ai cũng biết làm. Nghề này chỉ có gia đình nào có truyền thống dệt thổ cẩm được truyền lại qua nhiều đời mới biết. Đặc biệt, người dân làng họ không dạy cho nhau, chỉ gìn giữ trong gia đình...".
Theo bà Mlốp, ngày trước, một tấm vải thổ cẩm có giá trị bằng 1 con heo. Người làng không bán, chỉ dùng để đổi heo.
Trong những dịp lễ hội của làng, bà con sẽ mặc bộ trang phục do chính mình làm ra. Lúc này mới biết được ai là người tinh tế, người có họa tiết đẹp.
"Còn nhà nào không có truyền thống dệt thì phải nuôi heo để đổi lấy trang phục. Thời đấy, ít nhà biết dệt thổ cẩm lắm nên nghề dệt lúc bấy giờ rất có giá trị", bà Mlốp nhớ lại.
Lo sợ nghề dệt truyền thống đang dần bị mai một, tiếng khung cửi thưa dần trong buôn làng do sự tiện lợi của vải may công nghiệp. Thêm vào đó, thế hệ trẻ trong làng dường như không còn mặn mà với nghề dệt truyền thống.
Từ những sợi chỉ đơn giản, bà Mlốp đã dệt lên những tấm vải đa sắc màu. |
Đến năm 1982, Mlốp lập gia đình. Lúc này bà bắt đầu lên ý tưởng truyền dạy lại cách dệt cho bất cứ ai muốn học nhằm bảo tồn, phát triển nghề dệt tại địa phương. Cũng từ đó, chị em trong làng có nhu cầu học đều tới nhà xem bà Mlốp dệt. Khi có thời gian rảnh, bà Mlốp lại đến nhà chị em để chỉ dạy tận tình và không lấy tiền học của bất kì ai.
"Ngày trước tôi chỉ biết dệt những hoa văn đơn giản như đường thẳng, dích dắc rồi đến những họa tiết phức tạp được cách điệu từ cuộc sống sinh hoạt thường ngày như chim muông, hoa lá, cây cối, đồ vật, dây treo chiêng, cột nhà mồ…", bà Mlốp kể.
Khi đã thành thục nghề dệt, tbà bắt đầu sáng tạo, cách tân các sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc.
"Nghề dệt yêu cầu sự tinh tế, tỉ mỉ và cần cù. Bởi ngày xưa dệt bằng quả bông truyền thống nên yêu cầu nhiều công đoạn. Ngày nay các công đoạn dễ hơn vì đã có sợi chỉ…", bà Mlốp bộc bạch.
Thành lập HTX nhằm nối dài sợi thổ cẩm của dân tộc Ba Na
Sau thời gian tận tình hướng dẫn chị em, nghề dệt trong các làng ở xã Glar càng được nhân rộng. Năm 2006, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập với 30 thành viên. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 300 chị em tham gia dệt thổ cẩm.
Cụ thể, HTX sẽ đứng ra nhận các đơn hàng, sau đó giao nguyên, vật liệu cho chị em trong làng để nhận làm sản phẩm như vải, áo, túi xách.
Những năm qua, nhờ vào đôi tay khéo léo của chị em phụ nữ Jrai, HTX đã được rất nhiều cơ quan đặt sản phẩm để phục vụ cho các lễ hội và được rất nhiều người dân từ các xã, huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum đến đặt hàng.
Năm 2009, tại lễ hội Festival Cồng chiêng Quốc tế tổ chức tại Gia Lai HTX đã hoàn thành và bán được 2.000 chiếc túi xách thổ cẩm tại lễ hội.
Cuối năm 2020, sản phẩm túi xách của HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Một trong những cô con gái được bà Mlốp đặt kỳ vọng sẽ giữ gìn, lưu truyền nghề dệt thổ cầm là chị Mlơnh.
Ngay từ nhỏ, Mlơnh đã bị cuốn hút bởi những sợi chỉ giăng ngang, dọc, tiếng lách cách của khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải. Nhìn mãi thành quen, dần dần chị biết cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản.
"Dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp, tấm vải một mét thì mất 3 đến 4 ngày làm liên tục, còn nếu chỉ tranh thủ làm thì thời gian lâu hơn. Dệt vải yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của mẹ, Mlơnh tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền", chị Mlơnh tâm sự.
Chị Mlơnh là người được bà Mlốp truyền lại nghề dệt thổ cẩm, đang trưng bày các sản phẩm do HTX làm ra tại lễ hội trưng bày sản phẩm nông sản an toàn huyện Đăk Đoa. |
Cùng với việc truyền dạy cho con cái, cháu chắt trong gia đình, bà Mlốp luôn nắm tay chỉ việc cho người làng. Miễn ai muốn học dệt, đam mê với sợi chỉ, khung cửi bà đều tận tình hướng dẫn.
Chị Bleng (thành viên của HTX) cho biết: "Mình vào HTX và theo nghề dệt đã 5 năm nay. Mình chủ yếu dệt ở nhà cô Mlốp, có gặp khó ở đâu cô sẽ trực tiếp chỉ dạy và gỡ rối giúp mình. Ở làng này, nhiều chị em cũng như mình, có đơn hàng của khách đặt cũng sẽ nhận về dệt. Nhờ có HTX mà đời sống của chị em trong làng cũng ổn định hơn rất nhiều".
Với những cống hiến của mình trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, bà Mlốp vinh dự là 1 trong những đại biểu tiêu biểu được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020.
HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 phụ nữ trong xã. |
Tưởng rằng những khung cửi của các hộ gia đình đồng bào Ba Na ở xã Glar sẽ trôi vào quên lãng, nhưng nay đã hoạt động trở lại bởi bàn tay khéo léo của bà Mlốp và những người phụ nữ Ba Na trong làng Dôr 2.
Năm 2006, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 phụ nữ trong xã.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm mà các sản phẩm ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến.
Hàng năm, HTX đều đưa các mặt hàng của người dân đi giới thiệu tại các hội chợ lớn trên cả nước. Cuối năm 2020, sản phẩm túi xách của HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Theo Trần Hiền (Dân Việt)