(GLO)- Chiều 10-1, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) diễn ra hội nghị giới thiệu các lễ hội, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch trong năm 2023 giữa Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Gia Lai và Sở Du lịch Bình Định. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo 2 Sở, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Đây là hoạt động nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sự kiện nổi bật để đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch 2 địa phương và liên vùng.
Tại hội nghị, Sở Du lịch Bình Định giới thiệu 17 sự kiện, lễ hội đặc sắc trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: lễ hội mai vàng An Nhơn lần thứ I; khai trương biểu tượng linh vật năm Quý Mão; chương trình caraval đường phố; hội Xuân Gò Chợ-Trường Úc; trình diễn các show khoa học quan sát mặt trăng và 1 số hành tinh bằng kính thiên văn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn); hội đua thuyền Gò Bồi-Tuy Phước; biểu diễn cờ người; liên hoan múa lân sư rồng thành phố 2023; lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; lễ hội chùa Bà Nước Mặn (đô thị Nước Mặn)…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bên cạnh đó là 16 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch nổi bật diễn ra trong năm như: khai mạc lễ hội du lịch Bình Định với chủ đề “Quy Nhơn-thiên đường biển”; lễ hội khinh khí cầu; hội thi đầu bếp giỏi; giải chạy VNExpress Marathon Quy Nhơn 2023; giải võ cổ truyền các võ đường cúp Hoàng đế Quang Trung; liên hoan diều Quy Nhơn-Bình Định; giải đua xe địa hình quốc tế Challenge Quy Nhơn…
Các lễ hội lớn, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch diễn ra trong dịp Tết Quý Mão 2023 và xuyên suốt các tháng trong năm 2023 cũng được Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Gia Lai giới thiệu tại hội nghị như: chương trình nghệ thuật đón chào năm mới (ngày 21-1, tức đêm giao thừa); lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (từ 25 đến 27-1, tức mùng 4 đến mùng 6 Tết); triển lãm ảnh quảng bá, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và Rộc Tưng-Gò Đá đến với du khách trong và ngoài tỉnh tại Bảo tàng tỉnh (từ 20 đến 27-1).
Các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh sẽ mở cửa thường xuyên phục vụ du khách trong dịp Tết như: Biển Hồ Pleiku, công viên văn hoá Đồng Xanh; công viên Diên Hồng; các khu du lịch sinh thái Xuân Thuỷ, Hoàng Vân, thác Phú Cường…
Đáng chú ý là các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật như: festival văn hoá cồng chiêng tỉnh Gia Lai lần thứ 2-năm 2023 (dự kiến trong tháng 3); Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 (dự kiến 27 đến 29-4); lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện, dự kiến 30-4); hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023 tại Gia Lai (dự kiến tháng 6-2023); Ngày hội du lịch Kbang (dự kiến tháng 8-2023); tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, dự kiến tháng 11-2023); hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai, dự kiến tháng 12-2023)…
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya là sự kiện tôn vinh di sản văn hoá, thiên nhiên và kích cầu du lịch. Ảnh: Nguyễn Tấn Kần |
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai sẽ có nhiều hoạt động nhằm quảng bá giá trị di sản văn hoá thế giới cồng chiêng Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào dịp cuối tuần và các ngày lễ lớn trong năm để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá cho người dân và du khách.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch 2 địa phương trong thời gian tới như: liên kết tạo ra sản phẩm liên vùng chung “lên rừng-xuống biển” để khai thác tối đa lợi thế du lịch của 2 tỉnh; các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành giữa 2 tỉnh tăng cường hợp tác để mang đến trải nghiệm phong phú, giá tour hợp lý nhằm kích cầu du khách…
Các đơn vị lữ hành đánh giá cao sự chủ động của 2 địa phương khi giới thiệu sớm các sự kiện để doanh nghiệp có sự chủ động trong xây dựng các tour để phục vụ du khách trong năm 2023.
HOÀNG NGỌC