Ở tuổi 26, anh Nguyễn Hoàng Phúc (tổ 2, thị trấn Kông Chro) bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Anh Phúc chia sẻ: Anh phát hiện bệnh vào năm 24 tuổi. Khi đó, người mệt mỏi, ăn uống vào là bị nôn ra. “Trong suốt 2 năm qua, hàng tuần, tôi chạy thận 3 lần. Chi phí mỗi lần chạy thận không ít. Mắc bệnh nên tôi không có đủ sức khỏe lao động, sống phụ thuộc vào gia đình. Gia đình tôi lại là hộ nghèo nên khó khăn càng chồng chất. Bác sĩ nói tôi phải sống chung với căn bệnh này suốt đời”-anh Phúc buồn bã nói.
Phát bệnh suy thận mạn năm 39 tuổi, anh Trần Thanh Tuấn (tổ 6, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) được bác sĩ chỉ định chạy thận nhân tạo. Anh cho hay: “Mỗi tuần, tôi chạy thận 3 lần. Tôi bị bệnh, 3 con nhỏ còn đi học nên gánh nặng dồn lên vai vợ. Tôi được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị nhưng nhiều lúc phải chi trả thêm tiền thuốc ngoài danh mục nên cũng rất tốn kém”.
Bệnh nhân suy thận mạn tính ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Ảnh: Như Nguyện |
Một trường hợp đáng thương khác là con trai anh Kpă Hlunh (làng Nhao 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Anh Hlunh kể: “Trước đây, con tôi khỏe mạnh nhưng năm 15 tuổi thì gầy đi và sức khỏe sa sút. Gia đình cho cháu đi khám thì phát hiện suy thận mạn tính. Cháu chạy thận đã 2 năm rồi. Bị bệnh nên cháu đành phải nghỉ học”.
Để phục vụ lượng bệnh nhân suy thận mạn tính ngày càng tăng, cùng với nguồn lực xã hội hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tăng cường đầu tư, mua sắm bổ sung trang-thiết bị máy móc, lắp đặt hệ thống lọc máu, chạy thận nhân tạo tiên tiến. Hiện nay, Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Chị Trần Thị Kim Chung-Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc-thông tin: Bệnh nhân mắc suy thận mạn ngày càng trẻ hóa, có trường hợp dưới 20 tuổi. Đa số bệnh nhân đều là hộ nghèo, cận nghèo. “Bệnh nhân suy thận mạn tính phải điều trị trong thời gian dài và rất tốn kém. Một số bệnh nhân nghèo thường xuyên được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ một phần chi phí. Bệnh viện cũng có khu ăn ở miễn phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở xa”-chị Chung cho hay.
Bệnh suy thận mạn tính ngày càng gia tăng và trẻ hóa một phần nguyên nhân từ yếu tố gia đình (di truyền). Nhưng lối sống thiếu khoa học, ít vận động, không thăm khám bệnh định kỳ là những nguyên nhân chính. Bác sĩ Kiều Văn Bước-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc-cho biết: Trước đây, bệnh suy thận mạn chủ yếu ở người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa nhiều.
Nguyên nhân phổ biến là do người bệnh mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp… nhưng không điều trị kịp thời nên chuyển sang suy thận mạn. Thói quen mua thuốc, sử dụng thuốc điều trị tùy tiện, không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là nguyên nhân. Ngoài ra, người bệnh suy thận mạn tính có thể do các bệnh lý như viêm cầu thận, nhiễm trùng tiểu, hoại tử ống thận, các dị tật bẩm sinh như thận đôi, thận đa nang. Theo thống kê, tại Gia Lai, bệnh nhân suy thận mạn dưới 40 tuổi chiếm khoảng hơn 30%, từ 40 đến 60 tuổi chiếm khoảng 52%, còn lại là trên 60 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.
Theo bác sĩ Kiều Văn Bước, giai đoạn đầu của bệnh suy thận thường không có các triệu chứng rõ ràng, dễ bị lướt qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây tử vong. Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.
Để phòng ngừa, mỗi người cần có lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng. “Để phát hiện sớm bệnh thận, mọi người cần xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và đo huyết áp hàng năm. Đây là xét nghiệm cơ bản và cũng là cách đơn giản nhất phát hiện bệnh lý suy thận”-bác sĩ Bước khuyến cáo.