Gia Lai: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, giảm nghèo… Vì vậy, phát triển doanh nghiệp là một trong những mục tiêu được tỉnh ta đặc biệt quan tâm.
Tăng nhanh về số lượng
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó phân bổ chi tiết cho từng huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, nhiều địa phương đã nghiêm túc triển khai phát triển doanh nghiệp với sự quan tâm thỏa đáng.
Dự kiến đến cuối năm 2018, toàn tỉnh sẽ có gần 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Ảnh: Đ.T
Dự kiến đến cuối năm 2018, toàn tỉnh sẽ có gần 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Ảnh: Đ.T
Theo thông tin từ Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Ia Grai, trên địa bàn huyện có gần 1.200 hộ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có 722 hộ đang hoạt động kinh doanh và có kê khai quản lý thuế. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trung bình mỗi năm, nguồn thuế thu từ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể lên đến gần 70 tỷ đồng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp hồi trung tuần tháng 5-2018, Bí thư Huyện ủy Ia Grai Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trong năm 2018 thành lập mới 22 doanh nghiệp”.
Cũng là địa phương rất chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp, huyện Chư Pah có số lượng doanh nghiệp tăng đều hàng năm. Hiện toàn huyện có 108 doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng 1.030 hộ kinh doanh. Chỉ riêng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 18 doanh nghiệp và 209 hộ đăng ký kinh doanh thành lập mới. Các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, tạo việc làm mới cho trên 1.200 lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.999 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đến năm 2016, có thêm được 502 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Năm 2017 tăng thêm 620 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tính đến ngày 31-12-2017 là 4.121 doanh nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 345 doanh nghiệp (với tổng vốn 2.210 tỷ đồng). Như vậy, dự kiến đến cuối năm 2018, toàn tỉnh sẽ có gần 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Môi trường hoạt động ngày càng thuận lợi
Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tạo môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Theo ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, huyện sẵn sàng tiếp nhận những trao đổi, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp với nhiều hình thức như: điện thoại, thư góp ý, hỏi-đáp trên trang web của huyện... Cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực để huyện phát triển mạnh mẽ.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long-Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long-Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Còn ở cấp tỉnh, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về khuyến khích, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Sở đã tích cực nhân rộng các hoạt động, dịch vụ công về đăng ký kinh doanh và tư vấn, hỗ trợ miễn phí về thủ tục hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp; hướng dẫn và triển khai việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng. Đồng thời, Sở cũng tiếp tục rà soát, cắt giảm quy trình xử lý các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm tối đa thời gian đăng ký doanh nghiệp (thủ tục thành lập mới còn dưới 1,5 ngày, thay đổi nhiều nội dung hoạt động là 1 ngày và thay đổi 1 nội dung là 1/2 ngày) và đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc phát triển doanh nghiệp.
Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã rất nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: “Hiệp hội thường xuyên kết nối, nắm bắt thông tin hoạt động của các doanh nghiệp qua các buổi cà phê doanh nhân hàng ngày, qua điện thoại, hộp thư điện tử... Cùng với đó, Hiệp hội kịp thời làm việc với các cơ quan nhà nước liên quan để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và hợp tác xã liên quan đến thủ tục hành chính về xây dựng, đầu tư, đất đai, thuế, cũng như chế độ, chính sách đối với người lao động. Bên cạnh đó còn tích cực tham gia góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách, quy định của tỉnh liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp”.
Kim Linh

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.