(GLO)- Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.088 vụ với 1.037 đối tượng vi phạm; khởi tố 13 vụ với 14 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 898 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ phát hiện giảm 116 vụ, giảm 9,6%; số vụ khởi tố hình sự giảm 55 vụ/44 đối tượng; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước giảm 6%. Số vụ vi phạm chủ yếu là gian lận thương mại, gian lận thuế (805 vụ); buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (273 vụ); hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ (10 vụ). Qua đánh giá cho thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần giữ vững ổn định an ninh kinh tế, trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
|
Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng của tỉnh sẽ mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Hoàng Lương Quang-Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum-cho biết: Trong những tháng đầu năm, lực lượng chức năng tập trung vào công tác phòng-chống dịch cao độ tại khu vực biên giới, chốt chặn các đường mòn lối mở hai bên cửa khẩu nên hạn chế được các hành vi vận chuyển hàng lậu. Các vụ việc phát sinh chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. “Thời gian tới, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu, chống vận chuyển trái phép qua biên giới. Ngoài ra, sẽ tập trung chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát; phối hợp với đơn vị chức năng trên địa bàn cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thuốc lá điếu, pháo nổ”-ông Quang thông tin.
Trong khi đó, hoạt động buôn bán, tàng trữ, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra với các chủng loại như: pháo nổ, thuốc lá điếu, quần áo, giày dép, túi xách, hàng lương thực, thực phẩm, lâm sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Trong một số vụ việc, lực lượng chức năng chỉ bắt được hàng hóa hoặc đối tượng vận chuyển thuê, chưa bắt được đối tượng chủ mưu.
Ông Nguyễn Trường Giang-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho biết: Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử như bán hàng qua các sàn, mạng xã hội đang là vấn đề rất phổ biến, trong khi công tác quản lý lại rất khó. Theo quy định của pháp luật, nếu cơ quan chức năng khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phải là nơi kinh doanh mà là nhà ở thì phải có ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện nơi cư trú. Trong khi đó, hầu như hoạt động kinh doanh online chủ yếu diễn ra tại nhà riêng bằng hình thức livestream, địa điểm không rõ ràng. Gắn với việc này là hoạt động giao hàng qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính cũng tiềm ẩn nguy cơ cao khi các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, thất thu thuế.
|
Hội đồng tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu thuộc các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức tiêu hủy gần 60.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá giả. Ảnh: Vũ Thảo |
Dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động tích trữ hàng hóa sẽ tăng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, hành vi vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, các vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử có xu hướng tăng. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành-Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh-nhấn mạnh: “Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần lưu ý một số vấn đề nổi cộm, trong đó, cần tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối kết hợp giữa các ngành, phải xây dựng mạng lưới chân rết để nắm bắt thông tin, tăng cường công tác xử lý thông tin, nếu cần thiết thì đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xử lý theo sự vụ. Các vụ vi phạm lớn cần nhanh chóng xử lý kịp thời để mang tính răn đe”.
Liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phải tích cực vận động thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp để đưa hoạt động này đi vào khuôn khổ, chống thất thu thuế. Từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng cần kiên quyết quản lý tốt các mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân như ma túy, xăng dầu, phân bón, thuốc lá, pháo nổ, giống cây trồng, hóa đơn giả, lĩnh vực thương mại điện tử…
VŨ THẢO