Gia Lai nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ rau củ quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng rau củ quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai rớt giá thê thảm và rất khó tiêu thụ. Hiện ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân tiêu thụ rau củ quả, ổn định sản xuất.
Hơn 1 sào rau của gia đình bà Lê Thị Phước (làng Ia Tung, xã Chư Á, TP. Pleiku) đành bỏ chết khô vì giá xuống thấp, không có người mua. Ảnh: Quang Tấn
Hơn 1 sào rau của gia đình bà Lê Thị Phước (làng Ia Tung, xã Chư Á, TP. Pleiku) đành bỏ chết khô vì giá xuống thấp, không có người mua. Ảnh: Quang Tấn
Rau quả giảm giá, khó tiêu thụ
Thành phố Pleiku là một trong những vùng chuyên canh rau củ quả lớn của tỉnh với diện tích khoảng 200 ha. Theo ghi nhận của P.V, thời điểm này, dù giá rau củ quả xuống thấp nhưng vẫn không bán được. Thời điểm này năm trước, giá dưa leo thu mua tại vườn là hơn 10.000 đồng/kg, bắp sú 5.000-7.000 đồng/kg, cà chua hơn 10.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, giá dưa leo chỉ còn 3.000 đồng/kg, bắp sú 1.000 đồng/kg, cà chua 1.500 đồng/kg. Các loại rau thơm giá cũng chỉ còn 500 đồng/bó, hành lá 3.000-4.000 đồng/kg…
Nhìn hơn 1 sào hành, ngò đang héo úa, già cỗi do quá thời gian thu hoạch, bà Lê Thị Phước (làng Ia Tung, xã Chư Á, TP. Pleiku) buồn bã nói: “Sau Tết đến giờ, giá các loại rau củ quả không những đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước mà còn không tìm được người mua. Hơn 1 tuần nay, tôi gọi điện, thậm chí chạy tới tận nhà thương lái nhưng số thì từ chối, số thì trả giá quá bèo nên tôi đành bỏ bê, chấp nhận lỗ tiền đầu tư, công chăm sóc. Bởi lẽ, với giá như hiện nay nếu thu hoạch thì càng lỗ thêm”.
Tương tự, ông Phạm Văn Đáng (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cũng đứng ngồi không yên khi 1,2 sào bắp sú đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá xuống thấp, người mua thì không thấy đâu. Ông Đáng cho biết: “Cùng thời điểm này năm trước, ruộng rau nhà tôi tấp nập thương lái đến thu mua nhưng năm nay thì “vắng như chùa Bà Đanh”. Với giá thu mua khoảng 1.000 đồng/kg bắp sú như hiện tại thì lỗ nặng”.
Tại vùng chuyên canh rau Đak Pơ, nhiều nông dân cũng đang rầu rĩ khi giá các loại rau củ quả xuống thấp mà vẫn hiếm người mua. Bà Nguyễn Tuyết Hoa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát (xã Tân An) cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau củ quả tăng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp nên mọi kế hoạch sản xuất, thu mua rau củ quả cung cấp cho các thị trường của Hợp tác xã bị đảo lộn.
Hợp tác xã cũng chưa có mặt bằng, nguồn vốn để xây dựng kho chứa nguyên liệu, kho bảo quản cũng như nhà máy sơ chế rau củ quả nên không thể thu mua rau nếu không xuất đi được ngay. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã cũng như đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn”.
Hiện nay mặt hàng rau xanh trên địa bàn tỉnh rớt giá thê thảm và rất khó tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy
Hiện nay, mặt hàng rau xanh trên địa bàn tỉnh rớt giá thê thảm và rất khó tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy
Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trước thực trạng cấp bách về tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã kích hoạt các phương án, kế hoạch ứng phó, hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Sở vừa có văn bản hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp, thương lái, đơn vị dịch vụ tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với nông sản của địa phương, nhất là trong vùng dịch. Tùy theo điều kiện thực tiễn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp triển khai việc dán tem QR-Code đối với các sản phẩm rau củ quả và trái cây.
Trước mắt, tập trung thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với dưa hấu và một số loại rau quả, mì nhằm tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của tỉnh dễ tiêu thụ, góp phần chung tay chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nông dân, nhất là bà con vùng dịch. Đối với các sản phẩm nông sản trong vùng dịch tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và trong nước thì chỉ cần dán tem QR-Code và đảm bảo xác nhận sản xuất sạch (do UBND cấp xã và Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện xác nhận); đối với các nông sản sản xuất trong vùng dịch có nhu cầu xuất khẩu thì cũng phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh an toàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh của tỉnh và các địa phương.
“Bên cạnh đó, Sở đang tích cực kết nối thị trường truyền thống như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế… để tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản của tỉnh vận chuyển vào tiêu thụ tại các thị trường này. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ quy trình phòng-chống dịch Covid-19 cho người và các phương tiện vận chuyển cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, Sở sẽ phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các siêu thị có giải pháp thu mua, ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng rau củ quả cho nông dân, hợp tác xã trên địa bàn. Tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, mỗi người dân thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày, ưu tiên sử dụng các mặt hàng rau củ quả do nông dân trên địa bàn sản xuất. Tuyên truyền, vận động người dân sản xuất các loại rau củ quả phù hợp với từng vùng, thị trường tiêu thụ đảm bảo kế hoạch được giao cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.
NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.