Qua đó, tỉnh Gia Lai tiếp tục củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 46,26% (trong đó, dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,38%). Đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương; đời sống vật chất, tinh thần ngày một cải thiện và nâng cao. Diện mạo nông thôn khởi sắc, tình hình an ninh chính trị ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 449/761 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 59%; 110 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa được xây dựng riêng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,3%; gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Năm 2024, ước hộ nghèo DTTS giảm 4,34% (đạt 144% so với kế hoạch). Điều đó cho thấy, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc triển khai thời gian qua đã đi vào đời sống và phát huy hiệu quả, đúng đối tượng.
Cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS trên địa bàn và việc thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ III, Đại hội đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ IV-2024 còn là diễn đàn để các đại biểu giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới cấp ủy, chính quyền các cấp. 250 đại biểu chính thức tham dự đại hội lần này đại diện cho các DTTS trên địa bàn và được bầu chọn tại đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện.
Anh Rơ Ô Bíu (23 tuổi, Bí thư Chi Đoàn làng Glung, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) phấn khởi chia sẻ: “Tôi vinh dự khi là đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội. Tôi có trách nhiệm bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung và đoàn viên, thanh niên tại địa phương nói riêng tới Đại hội. Rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đến đời sống người dân, hỗ trợ sinh kế, đào tạo và kết nối giúp thanh niên DTTS có việc làm ổn định, cải thiện đời sống”.
Già làng Rcom Đu (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) cũng không giấu được niềm vui khi tham dự Đại hội ở tuổi 77. Ông cũng là đại biểu lớn tuổi nhất của đại hội lần này.
“Diện mạo buôn làng và đời sống của bà con ngày một tốt hơn là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước. Để các nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả, mình tiếp tục tuyên truyền, vận động dân làng không trông chờ ỷ lại mà chủ động vươn lên. Bà con cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống”-già làng Rcom Đu bộc bạch.
Thống nhất các nội dung tiến tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ IV
Gia Lai khẩn trương chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV
Đại hội đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ IV-2024 có chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Gia Lai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Theo ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đại hội lần này diễn ra trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, Đại hội càng có ý nghĩa trong việc củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội dự kiến diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-11 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Bên cạnh biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Đại hội còn xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong vùng đồng bào DTTS.
Đó là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng có điều kiện thuận lợi phát triển; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân.
Quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực về giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc.