(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 369/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Ảnh: Lê Nam |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo tóm tắt kế hoạch triển khai Quyết định số 369/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,57%/năm. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 35.750 tỷ đồng (nông nghiệp tăng bình quân 5,58%, lâm nghiệp 4,34%, thủy sản 6,51%). Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 630 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ tinh chế. Nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề gắn với việc phát triển ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống, cơ sở chế biến nông nghiệp, dịch vụ nông thôn để đa dạng hóa thu nhập.
Thực hiện tái cơ cấu theo cơ chế thị trường, đổi mới cơ chế, chính sách và các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại và hướng về xuất khẩu. Lấy liên kết sẩn xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng thời, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã định hướng cần tập trung một số chương trình lớn trong thời gian tới như chương trình tái canh cà phê lồng ghép với dự án phát triển cà phê bền vững; triển khai giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; đề án đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; phát triển bò thịt chất lượng cao; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi, xây mới các hồ chứa để đưa nước tới các vùng thường xuyên bị hạn; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi thâm canh tiêu chuẩn VietGAP; phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Kết luận hội nghị, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành cần tuyên truyền, phổ biến đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến nhân dân; tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp để liên kết với các địa phương trong vùng và liên kết “4 nhà”; nâng cao quy mô và trình độ sản xuất trong nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dựng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm; gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và đào tạo nguồn lực…
Lê Nam