Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 thực hiện các nội dung: Phân tích, đánh giá tiềm năng, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước tác động đến phát triển tỉnh Gia Lai; xây dựng quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển.
Xây dựng phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; xây dựng các nội dung cụ thể theo Quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch; lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến đơn vị hành chính cấp huyện; xác định quy hoạch về môi trường tự nhiên, sản xuất và đời sống, nông thôn và đô thị, khu và cụm công nghiệp.
Xây dựng phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên rừng và các tài nguyên khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Quy hoạch cũng xây dựng Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện; xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng báo cáo quy hoạch gồm: báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh; xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và xử lý, tích hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược vào báo cáo quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
Quy hoạch đã được lập trên nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch tỉnh với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc phòng-an ninh; các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng.
Song song đó là đảm bảo phù hợp với các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; gắn phát triển kinh tế-xã hội với công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường; giữ vững chủ quyền quốc gia; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bất bình đẳng giới, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Quy hoạch đảm bảo các yếu tố: tính bền vững và dài hạn; tính khả thi và thích ứng; tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; tính thị trường trong việc huy động các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; tính liên kết không gian, thời gian...
Hồ sơ được đăng tải trên Website của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại đường dẫn: https://skhdt.gialai.gov.vn/kkk/Quy-hoach-KTXH-nganh/Quy-hoach/HOSO-QUY-HOACH-TINH-(BAN-HOAN-THIEN).aspx.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu