Ngành Xây dựng: Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Những thành tựu nổi bật của tỉnh trong 90 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp không nhỏ của ngành Xây dựng, đặc biệt là trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề này.
* P.V: Ông có thể khái quát những thành tựu quan trọng mà ngành Xây dựng đã đạt được trong thời gian qua?
Tiến sĩ Nguyễn Bá Thạch
Tiến sĩ Nguyễn Bá Thạch. Ảnh: NVCC
- Tiến sĩ NGUYỄN BÁ THẠCH: Những năm qua, ngành Xây dựng đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và đô thị; quản lý chất lượng công trình, quản lý xây dựng, kinh tế và vật liệu xây dựng; quản lý nhà và thị trường bất động sản, quản lý trật tự xây dựng… Qua đó, ngành đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn cũng như đóng góp tích cực trong tiến trình phát triển của tỉnh.
Sở Xây dựng có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về lĩnh vực xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của tỉnh và quy định của pháp luật. Thời gian qua, Sở đã chủ động xây dựng và tham mưu cấp có thẩm quyền, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch, nguồn lực có tính tiền đề, cơ sở nền tảng hướng tới sự phát triển mang tính chủ động, có sự kết nối cao, hỗ trợ phát triển giữa đô thị và nông thôn.
Về công tác quy hoạch, phát triển đô thị và nông thôn, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng 18 đô thị và 182 xã trong điều kiện nguồn vốn của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây là cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập quy hoạch phân khu để đề xuất các dự án đầu tư; lập quy hoạch chi tiết nhằm triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Những năm 1999-2020, Sở cùng với UBND TP. Pleiku và các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã đề nghị Chính phủ nâng cấp thị xã Pleiku (trước năm 1999) lên đô thị loại III (năm 1999), đô thị loại II (năm 2009) và đô thị loại I (năm 2020); cùng với huyện Chư Sê xây dựng đề án trình Bộ Xây dựng nâng cấp đô thị từ loại V lên loại IV năm 2015.
Đồng thời, Sở chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành danh mục các vị trí thực hiện kêu gọi đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Pleiku giai đoạn 2016-2020, làm tiền đề đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển đô thị hạt nhân của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng lộ trình, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2035 và nội dung này đang được nghiên cứu, tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Dự kiến đến năm 2035, Gia Lai sẽ có 29 đô thị, tăng 11 đô thị so với hiện nay.
Ngoài ra, Sở đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền đẩy mạnh các quy hoạch xây dựng có tính chất vùng, liên vùng. Cụ thể, Sở đang phối hợp triển khai xây dựng quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn đến năm 2025, tạo hành lang pháp lý và định hình chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công tác quản lý, phát triển thị trường bất động sản. Đến nay, tỉnh đã triển khai 8 dự án nhà ở thương mại, 1 khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Đến năm 2025, dự kiến sẽ triển khai hơn 10 dự án khu đô thị kết hợp nhà ở mới bên cạnh các trung tâm thương mại, dịch vụ khác.
* P.V: Thời gian tới, ngành Xây dựng tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào để góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, thưa ông?
- Tiến sĩ NGUYỄN BÁ THẠCH: Sở tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ngành Xây dựng đổi mới công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản lý; khuyến khích phát triển theo hướng chuyên môn hóa và sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng; tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Cùng với đó, công khai, minh bạch hóa thông tin về quy hoạch ngành cho tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin; sử dụng hiệu quả các trang thông tin điện tử chuyên ngành để cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá, xếp hạng năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo môi trường công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép đã được cấp đối với các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính, phòng-chống tham nhũng, lãng phí thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Thị trấn Chư Sê được ngành Xây dựng phối hợp lập đề án quy hoạch thành trung tâm thị xã trong tương lai. Ảnh: Quang Tấn
Thị trấn Chư Sê được ngành Xây dựng phối hợp lập đề án quy hoạch thành trung tâm thị xã trong tương lai. Ảnh: Quang Tấn
Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Sở tập trung xây dựng, tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh một số nội dung trọng tâm như: Tập trung xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng toàn tỉnh, phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, tham mưu, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn. Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn; gắn phát triển không gian đô thị, nông thôn với không gian phát triển kinh tế-xã hội và hạ tầng động lực của từng vùng và tiểu vùng. Hoàn thành quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với khẳng định vai trò, vị thế, động lực phát triển mới của đô thị Pleiku và các đô thị vệ tinh trong định hướng phát triển của tỉnh và vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, Sở tập trung tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án, hoàn thành các chỉ tiêu đô thị để nâng cấp huyện Chư Sê lên thị xã; nâng cấp thị xã An Khê từ đô thị loại IV lên loại III; nâng cấp thị trấn Đak Đoa từ đô thị loại V lên loại IV; thành lập thị trấn Ia Pa. Gắn với các chỉ tiêu tăng trưởng đô thị bền vững, tập trung kiểm soát tốt yếu tố tác động đến tỷ lệ đô thị hóa. Dự kiến đến năm 2025, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn toàn tỉnh đạt 35%, năm 2030 đạt 40-42%.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
QUANG TẤN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.