Gia Lai bứt phá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cuộc điều tra về PCI năm 2018 đã nhận được phản hồi từ gần 10.700 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố.
Hàng loạt chỉ số tăng điểm
Theo bảng xếp hạng PCI 2018, Gia Lai đạt 63,08 điểm, đứng thứ 33/63 tỉnh thành, tăng 10 bậc so với năm 2017 và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên. Các chỉ số thành phần cụ thể của tỉnh gồm: gia nhập thị trường 7,46 điểm; tiếp cận đất đai 7,14 điểm; tính minh bạch 6,52 điểm; chi phí thời gian 6,45 điểm; chi phí không chính thức 6,17 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh 5,97 điểm; hỗ trợ doanh nghiệp 6,94 điểm; đào tạo lao động 5,01 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 6,4 điểm; cạnh tranh bình đẳng 6,51 điểm.
Trong 10 chỉ số thành phần, so với năm 2017, tỉnh ta có tới 8 chỉ số tăng mạnh về điểm số, nhiều nhất là chỉ số chi phí không chính thức. Với 6,17 điểm, chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh năm 2018 đã tăng tới 1,31 điểm (năm 2017 là 4,86 điểm). Điều này ghi nhận sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh đối với nỗ lực gần đây của chính quyền địa phương trong phòng-chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức. Theo điều tra của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện tượng “tham nhũng vặt”-chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép-trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Với 54,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trả chi phí không chính thức, đây là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
 Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: ĐỨC THỤY
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: Đ.T
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp, nhất là sự ra đời của dịch vụ hành chính công nhằm cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Nếu năm 2017, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của tỉnh chỉ đạt 5,23 điểm (giảm 1,03 điểm so với năm 2016) thì đến năm 2018, chỉ số này đã tăng lên 6,45 điểm (tăng 1,22 điểm so với năm 2017). Điều này cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính, thời gian giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp và hơn hết là thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền của tỉnh đã được cải thiện thấy rõ. Khẳng định điều này, ông Đinh Trường Giang-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Giang (huyện Phú Thiện) cho biết: “Ban đầu, khi tìm hiểu thủ tục thành lập doanh nghiệp, tôi thấy có khá nhiều công đoạn rườm rà. Nhưng thực tế, được sự hỗ trợ tối đa, tư vấn kỹ lưỡng của Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong 1 ngày, chúng tôi đã hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập mới, sau đó đóng thuế môn bài là ngay lập tức đi vào hoạt động”.
Năm 2017, chỉ số cạnh tranh bình đẳng của tỉnh ta cũng bị sụt giảm xuống còn 5,42 điểm (giảm 0,67 điểm so với năm 2016) thì năm 2018, chỉ số này đã tăng lên 6,51 điểm. Những con số này cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng bình đẳng hơn. Song, theo khảo sát của VCCI, còn tới 55% doanh nghiệp cho rằng chính quyền vẫn có sự ưu ái cho các doanh nghiệp lớn. Tại lễ công bố bảng xếp hạng PCI toàn quốc diễn ra ngày 28-3, ông Đậu Anh Tuấn-Giám đốc dự án PCI-nhấn mạnh: “Chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến nhóm doanh nghiệp nhỏ bằng các chương trình thiết thực, như: hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, đối tác... Vì nhóm này là tương lai của nền kinh tế và đang gặp khó khăn”.
Vừa mừng, vừa lo

Năm 2018, tỉnh ta đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai năm 2018 đã có sự bứt phá ngoạn mục từ vị trí 43/63 tỉnh, thành phố (năm 2017) lên đứng thứ 33/63.

“PCI của Gia Lai một lúc tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng là điều đáng mừng nhưng cũng thực sự đáng lo vì tỉnh sẽ bước vào thời kỳ cạnh tranh rất khốc liệt và đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục thăng hạng hoặc chí ít là giữ vững thứ hạng hiện tại. Bởi lẽ, trong khi các tỉnh khác có diện tích nhỏ gọn, đơn vị hành chính gần, rất thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp thì tỉnh ta còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, địa bàn lại rộng...”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-bày tỏ.
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh ta còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn thuận lợi trong thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp phát triển như mong muốn. Cụ thể, các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh chủ yếu thuộc lĩnh vực điện mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc... đòi hỏi mặt bằng rộng, phải giải phóng mặt bằng. Đó chính là khó khăn dễ thấy đối với nhà đầu tư và đối với cả các địa phương có dự án. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của tỉnh, huyện, xã đều đang ở bước đầu, các trung tâm hành chính tuy đã có nhiều thay đổi nhưng để phát triển kịp với thời đại đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. “Chưa kể tỉnh ta phát triển thì các tỉnh khác cũng phát triển. Mà Gia Lai là tỉnh đang còn quá nhiều khó khăn”-ông Thành cho biết thêm.
Hiện tại, bất cứ doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào một địa phương đều tìm hiểu PCI của địa phương đó trước tiên. Chỉ số này của mỗi tỉnh lại được xếp hạng hoàn toàn dựa trên những đánh giá cảm tính của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. “Thời gian gần đây, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như rút ngắn thời gian thành lập, cải cách hành chính, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Sự hài lòng của các doanh nghiệp đã giúp Gia Lai thăng hạng trên bảng xếp hạng PCI. Việc tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng là điều đáng ghi nhận nhưng để giữ được thứ hạng này lại rất khó. Sự quyết tâm, ý chí của tỉnh là có, nhưng thời gian tới tỉnh cần triển khai các giải pháp một cách đồng loạt, đồng tốc, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thì mới giữ hoặc tăng thứ hạng được”-ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết.  
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Năm và đang hướng đến tháng tốt nhất trong bảy tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để biết manh mối về lộ trình lãi suất.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

(GLO)- Với quyết tâm đưa gạo Đài Thơm 8 đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Thuẩn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.