Gia Lai: Bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-12, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh; phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ; một số cá nhân tiêu biểu trong tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng về văn hóa và hoạt động phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy di sản trong những năm qua tại các địa phương. Đồng thời, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong triển khai nhiệm vụ Dự án 6 về hoạt động du lịch.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó giám đốc Sở VH-TT và DL cho biết tiềm năng, thế mạnh nổi trội về di sản văn gắn với phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Một số địa phương bước đầu khai thác loại hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, định hình được sản phẩm du lịch với những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách như làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh); làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).

Ngoài ra, nhiều làng được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng như Làng Ơp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku); làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh); làng Ngơm Thung (xã Ia Pết), thôn Dôr 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa); làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ); làng Tnùng 2 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro); làng Pờ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê;) làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); làng Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai).

Các thiếu nữ Jrai tái hiện đời sống văn hóa phục vụ du khách chụp ảnh-hoạt động được yêu thích khi trải nghiệm du lịch cộng đồng tại làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các thiếu nữ Jrai tái hiện đời sống văn hóa phục vụ du khách chụp ảnh-hoạt động được yêu thích khi trải nghiệm du lịch cộng đồng tại làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tiềm năng, thế mạnh về văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được xem là kho báu để khai thác du lịch cộng đồng. Do đó, “Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quan điểm hỗ trợ nhau cùng phát triển giữa du lịch và nông nghiệp là hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững. Điều này không chỉ tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa, du lịch, nông nghiệp, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới cho địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khuyến khích cộng đồng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch nhân văn, mang lại lợi ích cho cộng đồng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân lẫn sự hỗ trợ, kết nối khách du lịch của các đơn vị lữ hành”- Phó giám đốc Sở VH-TT và DL nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm các dịch vụ tại Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Đây cũng là mô hình mẫu về sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Du khách trải nghiệm các dịch vụ tại Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Đây cũng là mô hình mẫu về sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu có các tham luận đề xuất giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới như: phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar, Jrai; phát huy nguồn lực cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp, nông thôn; vai trò của công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân bản địa trong phát triển du lịch cộng đồng; trách nhiệm doanh nghiệp du lịch trong việc hỗ trợ người dân làm du lịch, kết nối đưa du khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng của bà con…

Một số ý kiến từ phía các cá nhân đang điều hành các mô hình du lịch cộng đồng, các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương cũng được nêu lên tại hội thảo. Trong đó nêu lên vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng là làm sao thay đổi được nhận thức của bà con, đồng thời Nhà nước cần có sự hỗ trợ ban đầu về tinh thần và nguồn lực để người dân mạnh dạn tham gia vào loại hình mới mẻ này.

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.