Ghi trên đường 14

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Trên những sườn đồi dốc ven đường đã nảy chồi xanh của vạt dã quỳ và dưới các thung lũng, khe suối, sáng sáng không còn đậm đặc sương mù. Cảnh vật như đưa tôi về miền ký ức của những năm tháng theo con đường 14 xuyên dọc Tây Nguyên.

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đi từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột phải mất hơn 1 ngày; nghĩa là phải đi xe đò xuống Quy Nhơn nghỉ lại rồi sáng hôm sau đi tiếp. Xe sẽ chạy qua Phú Yên, vào Ninh Hòa (Khánh Hòa) rồi ngược lên theo quốc lộ 26. Hành trình quá nhọc nhằn, xe chạy bằng than, đường xấu lại chở khách và hàng hóa nhiều nên khi đến Buôn Ma Thuột thì đã gần nửa đêm. Vì sao ư? Bấy giờ, con đường 14 chưa thông suốt, phần thì mặt đường đã qua nhiều năm tháng, lại thêm chịu bom đạn chiến tranh nên xuống cấp. Bên cạnh đó, bọn FULRO vẫn còn lén lút hoạt động chống phá chính quyền. Lợi dụng đường xấu, vắng, xe chạy chậm, chúng tổ chức thành nhóm nhỏ thỉnh thoảng mò ra đường chặn cướp xe, thậm chí còn hung hãn nổ súng giết người. Do đó, các xe khách đi từ Pleiku đều phải xuôi theo quốc lộ 19 rồi chuyển sang quốc lộ 1 trước khi lên đường 26 để đến Buôn Ma Thuột. Nhiêu khê là vậy!

Như đã kể, lần nào tôi có việc phải qua Buôn Ma Thuột khi đến thành phố thì cũng đã gần nửa đêm. Giờ này, tuyến xe lam từ cây số 3 vào nội thành không còn hoạt động nữa nên đành cuốc bộ. Đã mất hơn 1 ngày ngồi xe khách thời bao cấp, trên xe nêm chặt người và hàng hóa, tôi mệt rã rời, lê từng bước đi rời rạc trên đường về… Sau đó vài năm, đoạn từ Pleiku qua Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi. Đầu tiên là xuất hiện những vườn cao su mới trồng của Công ty Cao su Chư Sê chạy dọc từ bên kia dốc Hàm Rồng vào đến gần thị trấn Chư Sê. Hàng hàng thẳng tắp, cây lên cao vượt quá đầu người chuẩn bị khép tán. Rồi những cụm dân cư cũng mọc lên theo, trù phú dần với Ia Blang, Ia Phang, Nhơn Hòa, Ia Le, qua bên phía Đắk Lắk là Ea H’leo, Ea Drăng, Buôn Hồ, Hà Lan, Đạt Lý… cũng miên man màu xanh cao su, cà phê, hồ tiêu.

Quốc lộ 14 hôm nay. Ảnh: Minh Thi

Quốc lộ 14 hôm nay. Ảnh: Minh Thi

Tuy nhiên, xe cộ lưu thông trên tuyến đường này vẫn chưa được thông suốt. Đoạn Pleiku-Buôn Ma Thuột phải đi mất hơn một buổi, nguyên nhân là do chính sách “ngăn sông cấm chợ” thời bao cấp. Chỉ qua mỗi trạm kiểm soát nông-lâm sản đóng tại cầu 110 (ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk) đã chiếm gần phân nửa thời gian. Xe đậu chờ qua trạm nối đuôi thành hàng dài. Các nhân viên kiểm lâm, thuế vụ lên kiểm tra từng xe, họ dùng cây thuốn sắt dài chọc sâu vào đống hàng hóa xếp trên trần và cả trong thùng xe. Ngay cả hành khách cũng bị kiểm soát. Ngày ấy, những người đàn bà đi buôn lẻ thường nhờ hành khách trên xe cầm giúp bì cà phê, túi hạt tiêu… nhận là của mình để khỏi đóng thuế.

Rồi cũng qua đi thời lạc hậu đó nhờ chính sách đổi mới của đất nước. Xanh vườn thì đỏ ngói, cuộc sống của người dân hai bên quốc lộ dần trở nên sung túc, ấm no hơn. Quốc lộ 14 cũng được nâng cấp thông suốt, nối các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, xe cộ qua lại suốt ngày đêm. Đường rộng, đẹp và bằng phẳng như đại lộ. Bây giờ, từ Pleiku chỉ đi mất hơn 3 tiếng đồng hồ đã đến Buôn Ma Thuột. Nếu không muốn đi ngang qua các khu dân cư đông đúc, ảnh hưởng tốc độ lưu thông thì đã có các con đường tránh qua TP. Kon Tum, TP. Pleiku, tránh các thị trấn Chư Sê, Ea H’leo, tránh thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… Đường thoáng lại vắng người, tốc độ xe có thể lên đến 80 km/giờ.

Đi trên đường 14 hôm nay, không chỉ được tận thấy những thành quả của công cuộc đổi mới mà còn nhắc nhớ chúng ta về những năm tháng chiến đấu trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước mà đỉnh điểm là giải phóng miền Nam trong năm 1975. Những cái tên đã đi vào lịch sử, đánh dấu một giai đoạn hào hùng của đất nước. Đường 14 còn là con đường của ngành “công nghiệp không khói” đang phát triển mạnh với hệ thống các đường ngang xương cá, đường dọc song song như: Trường Sơn Đông, quốc lộ 19, 25, 26, 27, đường 14C… và những điểm du lịch nổi tiếng như: Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Măng Đen, Ngục Kon Tum, hồ Tơ Nưng, núi Hàm Rồng, Tây Sơn Thượng đạo, thác Phú Cường, hồ Ayun Hạ, Biệt điện Bảo Đại, thác Dray Nur, hồ Lak, hồ Tà Đùng… Nhờ cự ly ngắn có thể đi và về trong ngày tính từ một điểm bất kỳ nào trên tuyến đường nên các thành phố, thị xã nằm trên trục quốc lộ 14 và các danh thắng kể trên hàng năm thu hút hàng triệu lượt khác đến tham quan, vãng cảnh… mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương và người dân trong vùng.

Cuối tháng 3 vừa rồi, tôi có dịp qua Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa và xuống tận thị trấn Liên Hương nằm bên hồ Lăk thơ mộng. Đi trên con đường chất chứa nhiều kỷ niệm xưa, tôi không khỏi bồi hồi, liên tưởng những chuyến xe nhọc nhằn năm ấy. Và tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi chứng kiến sự đổi thay đến bất ngờ trên một cung đường của Tổ quốc hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.