Gen Z và lao động lớn tuổi làm chung, kiểu gì cũng đụng độ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng có không ít trường hợp, gen Z và người lao động lớn tuổi bất đồng quan điểm, đụng độ nhau khi làm việc chung.

Nhân lực tại nhiều doanh nghiệp hiện nay ngày càng trẻ hóa. Sự có mặt của cả gen Z và người lao động lớn tuổi trong cùng một môi trường làm việc tạo nên nhiều tình huống “xung đột thế hệ”.

Xung đột là chuyện hiển nhiên

Giới trẻ lứa gen Z (Generation Z, là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010). Theo dự báo đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần một phần ba dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.

Khi được đặt câu hỏi là làm chung với các bạn trẻ thế hệ gen Z có thường xuyên xảy ra bất đồng, đụng độ hay không, chị Tuyết Trinh (38 tuổi, TP.Thủ Đức) liền gật đầu khẳng định: “Xung đột là chuyện hiển nhiên, thậm chí xảy ra như cơm bữa”.

Chị Trinh cho hay, trong môi trường làm việc hiện đại, sự có mặt, đóng góp của các bạn trẻ ngày càng nhiều. Thậm chí, những lao động ngoài tuổi 30 như chị Trinh còn có cấp bậc thấp hơn các bạn sinh năm 2000. Sự gặp gỡ, làm việc với nhau mỗi ngày dễ gây ra mâu thuẫn, cự cãi vì rất nhiều lý do khác nhau.

“Thực tế, các bạn gen Z và thế hệ lao động lớn tuổi chúng tôi rất dễ xảy ra tranh cãi chỉ vì những tiểu tiết. Bản thân tôi cảm nhận, các bạn ấy rất giỏi, có nhiều ý tưởng sáng tạo, sẵn sàng cống hiến thời gian, công sức cho công việc. Tuy nhiên, gen Z cũng khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương, còn như tôi lớn tuổi rồi thì hay khen, chê thẳng thắn. Do đó nhiều khi hai bên không hợp nhau, cảm thấy áp lực khi được sếp phân phó làm chung”, chị Trinh chia sẻ.

Về phía gen Z, bạn Ngọc Nhi (22 tuổi, TP.Thủ Đức) bày tỏ, làm việc trong một môi trường có nhiều anh chị lớn tuổi, bản thân chị đôi lúc cũng có nhiều điều không ổn thỏa.

Chị Nhi kể, chị từng xảy ra đụng độ với một chị cùng công ty chỉ vì chuyện “đi nhẹ nói khẽ”. Khi liên tục nhận được những lời góp ý của đồng nghiệp về chuyện ăn uống, đi lại, chị cảm thấy khó chịu, không thoải mái.

“Lúc đó, tôi cảm thấy mình bị quản lý, kèm cặp những thứ đi quá giới hạn công việc. Tôi có giải thích một vài câu thì chị ấy lại hiểu nhầm là tôi không chịu lắng nghe góp ý. Thậm chí, trang phục tôi mặc đi làm cũng có thể trở thành chủ đề gây tranh cãi”, chị Nhi cho biết.

Không những thế, chị Nhi còn từng trải qua tình huống xung đột với đồng nghiệp lớn tuổi vì không tìm được sự thống nhất cho thiết kế bao bì sản phẩm. Chị Nhi muốn một điều gì đó trẻ trung, năng động, phá cách còn đồng nghiệp thì ưu tiên sự chuyên nghiệp, tối giản. Sự đụng độ giữa hai thế hệ có thể xảy ra vì bất kỳ lý do gì và không có hồi kết nếu không có sếp đứng ra hòa giải, đưa phương án giải quyết.

Hòa đồng với gen Z có khó không?

Mỗi thế hệ đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuy không tránh khỏi những xung đột, bất hòa trong công việc thường ngày nhưng vẫn có thể hòa đồng, hợp tác nếu đôi bên cùng nhau lắng nghe, tìm hướng đi.

Gen Z và người lao động lớn tuổi làm việc chung có thể xảy ra mâu thuẫn

Gen Z và người lao động lớn tuổi làm việc chung có thể xảy ra mâu thuẫn

Quản lý một nhóm nhân sự có 70% là gen Z, anh Quốc Anh (35 tuổi, TP.Đà Nẵng) chia sẻ, để có thể hợp tác tốt với các bạn trẻ, bản thân anh phải minh bạch về mặt nguyên tắc ngay từ đầu.

“Gen Z là một thế hệ chăm chỉ, chịu khó nhưng tôi cảm nhận các bạn ấy có cá tính rất mạnh. Để có thể điều phối nhịp nhàng, hạn chế xung đột đôi bên, trước hết tôi nghĩ người trẻ cũng phải có thái độ tốt, khiêm nhường, lễ phép. Tôi đã từng gặp qua một số bạn gen Z giỏi nhưng cách hành xử thiếu tôn trọng với đồng nghiệp lớn tuổi. Còn với các lao động lớn tuổi cũng nên mở lòng, đừng nặng nề quá nhiều chuyện tuổi tác. Bản thân những người có tuổi như tôi cũng cần phải thừa nhận năng lực của người trẻ, thậm chí bám theo để học hỏi từ họ”, anh Anh khẳng định.

Gắn bó với nhiều bạn gen Z, chị Minh Tường (32 tuổi, TP.HCM) là quản lý của một trung tâm tiếng Anh bày tỏ quan điểm, giải quyết xung đột thế hệ ở công ty cũng giống như trong gia đình. Có hai yếu tố chị Tường cho là quan trọng nhất chính là: tôn trọng và lắng nghe.

“Tôn trọng cá tính, sở trường, sở đoản, lối sống, ý kiến… của nhau. Học cách lắng nghe tâm tư, quan điểm, cách làm… của đối phương. Đó là cách tôi áp dụng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp trẻ tuổi của mình. Gen Z là một thế hệ bị “đính kèm” nhiều định kiến như hay cãi, đòi hỏi, chịu áp lực kém… Nhưng qua tiếp xúc, tôi thấy đó chỉ là một phần rất nhỏ. Đừng nên “vơ đũa cả nắm” vì như thế oan ức cho các bạn ấy lắm”, chị Tường nói.

Anh Anh Quân (24 tuổi, Quảng Trị) cũng nói, những người trẻ thế hệ gen Z như anh cũng rất mong được học hỏi ở các anh chị đi trước về cách sống, cách làm việc. Theo anh Quân, để hai thế hệ hòa hợp được với nhau là không khó, ngoài việc đôi bên mở lòng lắng nghe, thấu hiểu cho nhau thì sự có mặt đúng lúc của sếp cũng rất quan trọng.

“Một người sếp đủ tâm lý, nhạy bén, giỏi quản lý nhân sự chắc chắn sẽ cảm nhận được khi nội bộ công ty bất ổn. Tôi tin khi rơi vào những tình huống đụng độ khó xử, sếp sẽ là người hòa giải, đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề tốt nhất”, anh Quân cho hay.

Thời đại của sự “kết hợp”

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Minh An là quản lý bộ phận tuyển dụng của khách sạn New World Saigon cho biết, môi trường làm việc thời đại này là sự kết hợp của rất nhiều thế hệ. Một vài năm nữa, nhân sự trẻ tuổi còn có thể chiếm số đông trong nhiều công ty, doanh nghiệp.

“Bây giờ các bạn gen Z rất giỏi, họ học hỏi, phát triển không ngừng nghỉ nếu các anh chị lớn tuổi không cập nhật xu hướng, trau dồi kỹ năng mới thì chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau. Thế hệ nào cũng vậy, tài năng phải đi đôi với đạo đức. Các bạn trẻ đôi khi có tài nhưng trải nghiệm sống chưa nhiều thì nên biết lắng nghe từ người lớn. Quan trọng nhất không phải là tuổi tác mà là cách đối nhân xử thế, nếu cấp dưới lớn tuổi hơn mình, mình cần có những cách thức đối xử tôn trọng, lạt mềm buộc chặt để họ công nhận. Tùy vào tính cách mỗi người để uốn nắn, không nên quá cứng nhắc. Tương tự với người lao động lớn tuổi, nên cởi mở, chân tình, đừng nên quá gắt gao mà hãy từ từ chỉ bảo thêm nếu người trẻ có sai sót”, anh An chia sẻ.

Quan trọng là hiểu tâm lý của nhau

Một nhân sự ở công ty bảo hiểm cho hay, để hai thế hệ làm chung mà ít xảy ra đụng độ, quan trọng là phải hiểu tâm lý của nhau.

Tâm lý người trẻ thì muốn tự do, được thỏa đam mê, đôi khi trẻ tuổi nên suy nghĩ có phần “nổi loạn”. Người lao động lớn tuổi thì sợ mình không theo kịp, năng suất kém, sợ người trẻ vượt mặt rồi mất việc hay giữ suy nghĩ “mình trải nhiều nên biết nhiều hơn”.

“Nắm bắt được tâm lý của đối phương là yếu tố quan trọng để gây dựng mối quan hệ hòa nhã. Dĩ nhiên, không nên nuông chiều cảm xúc hay xuôi theo ý kiến của họ bất chấp, chuyện đúng sai nên được trao đổi rõ ràng, đặc biệt là trong quá trình làm việc để không ảnh hưởng tới kết quả chung của tập thể”, ý kiến của nhân sự.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.