Gánh con, gánh cả cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ngày xưa mẹ tôi gánh rau ra bán chợ huyện xã/Một bên gánh rau một bên gánh con/Cả cuộc đời dãi nắng dầm mưa…”. Tiếng hát từ nhà hàng xóm vẳng sang làm tôi khựng lại khi đang tưới dở mấy bụi hồng trước sân. Tự dưng tôi nhớ mẹ quá! Ngày xưa, mẹ cũng một đầu gánh tôi, một đầu rau, mướp… xuống chợ.

Gia đình tôi vốn khó khăn, ba phải đi làm xa để kiếm tiền trang trải cho chuyện học hành của mấy chị em. Vì thế, mọi việc trong nhà đều một tay mẹ gánh vác, từ đồng áng, giỗ chạp đến chuyện đêm hôm trái gió trở trời chị em chúng tôi ốm đau... Ngày ấy, quê tôi không có nhà trẻ như bây giờ, vậy nên những buổi ra đồng hay xuống chợ mẹ đều phải mang con theo. Khi tôi còn bé thì mẹ bỏ hai chị em ở hai đầu gánh rồi kèm theo những thứ rau, khoai…, còn nữa thì một tay mẹ cắp nách. Khi tôi lớn lên một chút thì mẹ để em trai tôi một đầu, một đầu mẹ để đủ thứ rau củ, còn tôi thì lon ton chạy theo bên cạnh. Những giọt mồ hôi rơi xuống từ trán mẹ. Những giọt mồ hôi thấm ướt cả mảng lưng áo. Gánh gặng bao nhiêu, dấu chân mẹ lún xuống chắc nịch trên cát bấy nhiêu. Thế nhưng, khi qua những đoạn mương nước chảy hay đoạn đường đá sỏi, mẹ lại cúi xuống bế cắp tôi một bên tay vì sợ tôi đau, tôi ướt.

  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG



Nghĩ lại thế thôi mà mắt tôi nhòe đi… Mẹ gánh tôi, gánh cả những mưu sinh nhọc nhằn trên đôi vai gầy.

Ngày tôi vào đại học, tối hôm trước, mẹ không ngủ. Chiều hôm sau, mẹ dặn tôi đủ thứ nhưng vẫn không yên tâm nên vẫn kiểm tra lại những thứ tôi đã chuẩn bị. Mẹ còn chong đèn viết vào sổ tay nhắc tôi không ăn đồ lạnh, không thức khuya… Những đồng bạc chắt chiu từ những bữa chợ được mẹ vuốt phẳng phiu để vào chiếc khăn mùi soa cũ, gói kỹ rồi bọc thêm lớp giấy và xếp giữa ba lô, mẹ dặn đi dặn lại: “Đi đường cẩn thận nghe con!”. Tôi nũng nịu dụi đầu vào ngực mẹ: “Con lớn rồi mà mẹ!”.

Ngày tôi sinh con, mẹ tay xách nách mang theo bao nhiều thứ nào than, đu đủ xanh, chè vằng… từ quê vào. Trong những món đồ mẹ mang theo lên cho con trai tôi có cả chiếc áo len sơ sinh của tôi được mẹ cất đến tận bây giờ. Nhìn con tôi mặc chiếc áo len màu đỏ của tôi ngày ấy, sống mũi tôi cay cay. Tôi chợt nhận ra, tôi chưa bao giờ nói yêu mẹ.

Từ ngày sống xa nhà, tôi không còn được nghe mẹ hát mỗi tối. Mẹ hát hay nên những khi chị em tôi bệnh, mẹ thường hát ru để chúng tôi dễ ngủ hơn. Tiếng hát của mẹ cứ ngân nga, dịu dàng, bay bổng, ngọt ngào. Cho đến giờ, khi đã lấy chồng sinh con, mỗi bận ốm, tôi đều ước giá như có mẹ ở bên. Mẹ bảo, người già chẳng mong gì ngoài mong con mong cháu, vậy nên mỗi lần nghe tin chúng tôi về quê là mẹ lại tất bật chuẩn bị từ mấy hôm trước. Bao giờ cũng có món khoai lang khô nấu với đậu đen và gạo nếp mà tôi thích. Rồi ngày đi, mẹ bịn rịn không thôi, mẹ giấu nhưng tôi biết nơi khóe mắt mẹ ngân ngấn nước.

Mẹ không còn được như thời trẻ để có thể gánh một đầu là tôi và một đầu là bó rau, mớ mướp xuống chợ. Tôi cũng đã tự lo được cho gia đình mình và cũng có thể lo được cho mẹ. Ấy nhưng, muôn đời nước mắt chảy xuôi. Dường như với mẹ, tôi vẫn là đứa trẻ ngày nào, hàng ngày gọi điện mẹ đều nhắc tôi không ăn đồ lạnh vì tôi hay bị viêm họng, mặc ấm cho cháu mỗi khi ra đường. Mỗi lần sắp xếp được thời gian lên thăm con cháu là mẹ lại đùm túm túi nọ túi kia, dù biết ở thành phố tôi chẳng thiếu thứ gì.

Chiều nay, những cơn gió mùa đã bắt đầu thổi mạnh trên vùng đất cao nguyên, khiến lòng tôi chạnh nhớ những ngày mẹ gánh chị em tôi ra đồng, xuống chợ!

 

 PHÚC AN

Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.