Đuối nước ở trẻ em - Kỳ cuối: Chung tay đẩy lùi tai nạn đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, việc tạo nhiều sân chơi và hoạt động thu hút các em học sinh tham gia phổ cập kỹ năng bơi là giải pháp căn cơ để phòng ngừa tai nạn đuối nước.

Sử dụng hiệu quả bể bơi

Vừa hoàn thành kiểu bơi bướm của khóa học bơi nâng cao, em Lê Ngọc Quỳnh Giao-học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) cho biết: Em tham gia học bơi cơ bản từ cuối năm lớp 4, sau đó tiếp tục đăng ký khóa học nâng cao. “Biết bơi giúp em tự xử lý những tình huống nguy hiểm để khỏi bị đuối nước. Qua lớp học này, em có thể cứu người đuối nước trong trường hợp cần thiết. Sắp tới, em sẽ tích cực rèn luyện để tham gia cuộc thi bơi do nhà trường tổ chức”-Giao nói.

Bà Trà Thị Mộng Huyền (phụ huynh của em Giao) cũng cho rằng, cách bảo vệ con mình trước nguy cơ đuối nước hiệu quả nhất là cho cháu học bơi. Bà chia sẻ: “Khi con biết bơi, cha mẹ yên tâm hơn vì con có thể tự cứu mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm khi không có người lớn bên cạnh. Hơn nữa, học bơi cũng là cách rèn luyện sức khỏe rất tốt”.

Học sinh được hướng dẫn các kiểu bơi cơ bản, kỹ năng tự cứu mình khi gặp tai nạn sông nước, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước. Ảnh: Đức Thụy

Học sinh được hướng dẫn các kiểu bơi cơ bản, kỹ năng tự cứu mình khi gặp tai nạn sông nước, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước. Ảnh: Đức Thụy

Từ năm từ 2017 đến nay, Trường Tiểu học xã Nghĩa Hưng là một trong những điển hình của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Păh trong công tác phòng tránh đuối nước. Theo cô Phạm Thị Hoan-Hiệu trưởng nhà trường: Mỗi năm, nhà trường đào tạo được khoảng 80 học sinh (từ lớp 3 đến lớp 5) thuần thục các kỹ năng bơi cơ bản. “Nhà trường vừa dạy các em biết bơi để tự bảo vệ bản thân, vừa dạy các em cách phòng tránh đuối nước. Trước đây, nhà trường thu phí dạy bơi 200 ngàn đồng/học sinh, nhưng hiện nay tăng lên 400 ngàn đồng/em để hỗ trợ chi phí cho giáo viên và phí vệ sinh, điện nước”-cô Hoan thông tin.

Trong khi đó, thầy Đào Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho hay: Trường duy trì mô hình dạy bơi cho học sinh suốt gần 6 năm nay. Bình quân mỗi năm có từ 80 đến 100 học sinh (từ lớp 4 đến lớp 5) hoàn thành khóa học bơi. Tuy vậy, do không có kinh phí chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ nên nhà trường lồng ghép việc dạy bơi vào tiết Giáo dục thể chất.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ cho rằng: Trên địa bàn huyện có nhiều ao hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Vì vậy, việc dạy bơi cho học sinh là rất cần thiết. Mỗi khóa học thường kéo dài từ 15 đến 20 buổi hoặc cho đến khi học viên biết bơi. Thông qua lớp học bơi, các em được hướng dẫn những kiểu bơi cơ bản, kỹ năng tự cứu mình khi gặp tai nạn sông nước, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước. Cùng với đó, nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, nhắc nhở con em mình.

Còn ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh thì cho hay: Bước vào năm học 2023-2024, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các trường để sửa chữa một số bể bơi bị hư hỏng, xuống cấp. Việc phát huy hiệu quả 7 bể bơi (tổng kinh phí đầu tư 4,4 tỷ đồng) tại các trường học trên địa bàn được xem là giải pháp hiệu quả đẩy lùi tai nạn đuối nước. Ngoài ra, ngành GD-ĐT huyện cũng thường xuyên tổ chức giải bơi lội dành cho học sinh bậc tiểu học, THCS, qua đó góp phần phát triển phong trào bơi lội cho thanh-thiếu nhi, học sinh và cộng đồng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội trong công tác phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Bên cạnh việc dạy bơi, nhiều địa phương trong tỉnh cũng quan tâm rà soát, kiểm tra việc rào chắn ao hồ ở các thôn, làng. Theo ông Nguyễn Văn Hà-Chủ tịch UBND xã Hnol (huyện Đak Đoa): Qua rà soát, toàn xã có khoảng 100 ao hồ, trong đó, nhiều hồ nước do người dân đào để lấy tưới cà phê. “Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ các hồ đập, hộ gia đình cam kết thực hiện việc rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra đuối nước và chịu trách nhiệm khi trẻ em bị đuối nước ở ao hồ, hố nước... do mình quản lý. Đa số các em ở lứa tuổi này thường hiếu động, không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chưa hiểu được mối nguy hại của dòng nước, độ sâu của các ao, hồ nên dễ gặp nạn”-Chủ tịch UBND xã Hnol nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác phối hợp tuyên truyền phòng tránh đuối nước cho trẻ, huyện Kbang cũng chỉ đạo rà soát các điểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: “Chúng tôi đã chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện các hố sâu, ao hồ, sông suối, ngầm tràn, các điểm tắm giặt của đồng bào dân tộc thiểu số; khu vực dễ xảy ra đuối nước để tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm”.

Chung tay đẩy lùi tai nạn đuối nước

Theo anh Nguyễn Chí Hiếu-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh Đoàn): Nhằm phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, kiến thức về phòng-chống đuối nước trong các tổ chức Đoàn, Hội. Cùng với đó, tiếp tục triển khai cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước, nhất là tại các vị trí ao hồ do người dân tự đào để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè sắp tới, Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo tổ chức Đoàn trong trường học phối hợp với tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư tiếp nhận trẻ em về sinh hoạt hè, tạo sân chơi lành mạnh; tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở GD-ĐT triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tập trung huấn luyện kỹ năng bơi cho các em. “Chúng tôi cũng sẽ tập trung các giải pháp tuyên truyền đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới bởi đây là địa bàn có tỷ lệ tai nạn đuối nước cao”-anh Hiếu nhấn mạnh.

Cán bộ xã Hnol (huyện Đak Đoa) kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em để cắm các biển cảnh báo, rào chắn lại. Ảnh: M.P

Cán bộ xã Hnol (huyện Đak Đoa) kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em để cắm các biển cảnh báo, rào chắn lại. Ảnh: M.P

Trao đổi thêm về các giải pháp can thiệp nhằm kéo giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh cho rằng: Cần triển khai kịp thời việc loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em thông qua việc cắm biển báo nơi nguy hiểm, san lấp hố công trình đã xây dựng, bố trí các đội xung kích tình nguyện cứu đuối tại các khu vực này, đặc biệt chú ý thời gian nghỉ hè và mùa mưa lũ. Mặt khác, điều tra, khảo sát thực trạng trẻ em biết bơi, chưa biết bơi để tăng cường công tác dạy bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, đội ngũ cộng tác viên...

Một giải pháp hữu hiệu khác cũng được Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, đó là huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho công tác phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em như: trang bị mũ bảo hiểm, áo phao, đầu tư bể bơi để phục vụ dạy bơi tại các xã, trường học ở những nơi có nguy cơ đuối nước cao.

Trong khi đó, ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thì cho biết: Sở vừa ban hành văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh, học viên. Bên cạnh đó, mở các lớp học bơi, phát động học sinh tập luyện môn bơi để phòng tránh đuối nước, phát huy hiệu quả 64 bể bơi tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

“Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kỹ năng cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo rủi ro, phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước bằng các hình thức phù hợp đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, học viên nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. Tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh, người giám hộ không được chủ quan, lơ là, phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát các khu vực bên trong lẫn bên ngoài cơ sở giáo dục có nguy cơ cao về tai nạn thương tích, đuối nước và thực hiện các giải pháp phù hợp, tối ưu nhằm đảm bảo phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, học viên”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.