(GLO)- Những năm qua, bà con nông dân huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã chủ động chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị chết và đất lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Năm 2014, ông Vũ Văn Thuấn (tổ 2, thị trấn Chư Ty) đã phá bỏ 0,5 ha cà phê già cỗi để trồng hồ tiêu. Đến năm 2017, khi cây hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bị chết do mưa kéo dài. Gia đình ông bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Trước tình hình đó, ông chuyển đổi qua trồng hơn 30 cây sầu riêng giống Ri6 và Thái, 20 cây bơ (trồng thuần khoảng 5 sào) và trồng xen sầu riêng, bơ, mít trong 1 ha cà phê. Thấy cây ăn quả phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu ở Đức Cơ, ông tiếp tục trồng thêm sầu riêng. “Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 200 cây sầu riêng, hơn 20 cây bơ và một số cây ăn quả khác. Vụ vừa rồi, tôi thu bói hơn 3 tấn, bán tại vườn với giá 45 ngàn đồng/kg được hơn 120 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi sẽ có thu nhập cao hơn vì vườn cây bước vào thu hoạch chính. Việc chuyển đổi sang cây ăn quả kịp thời giúp gia đình sớm bù lại thua lỗ khi đầu tư vào cây hồ tiêu”-ông Thuấn nhẩm tính.
Bà Mai Thị Xuân (tổ 9, thị trấn Chư Ty) chăm sóc vườn ổi của gia đình. Ảnh: Lê Nam |
Cũng thất bại với cây hồ tiêu, gia đình bà Mai Thị Xuân (tổ 9, thị trấn Chư Ty) đã chuyển đổi sang mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả gồm: 100 cây sầu riêng, 100 cây bơ, 10 cây chôm chôm, 20 cây ổi và xoài, cam, quýt trên diện tích 1,5 ha. Bà Xuân cho hay: Cây ăn quả cũng dễ trồng, ít sâu bệnh, công chăm sóc ít và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Năm ngoái, một số cây trồng như xoài, bơ, chôm chôm, ổi bắt đầu cho thu bói. Hy vọng năm nay các mặt hàng trái cây được giá để gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 300 ha hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả, cà phê, điều và đậu đỗ các loại. Ngoài ra, trước tình hình biến đổi khí hậu, Phòng đã hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đó, toàn huyện đã chuyển đổi được 10,2 ha lúa thường xuyên bị hạn sang trồng 3,2 ha chuối tiêu hồng (xã Ia Krêl), 2 ha chuối mốc (xã Ia Kla và Ia Pnôn), 1 ha đậu phộng (xã Ia Kriêng), 1 ha thanh long, 2 ha bắp (xã Ia Din) và 1 ha rau (xã Ia Kriêng).
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng giúp người dân tiếp cận với mô hình mới, giống mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, huyện đã hướng dẫn người dân từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C và xây dựng sản phẩm OCOP.
“Phòng đã tham mưu giúp Huyện ủy ban hành nghị quyết về xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2025 nhằm giúp người dân chuyển đổi cây trồng. Cụ thể, liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trồng bắp sinh khối, măng tây; liên kết với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng dứa, xoài; liên kết Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn; liên kết với Công ty TNHH Olam Gia Lai sản xuất, chế biến hạt điều; liên kết với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai trồng cây dược liệu... Cùng với đó, huyện cũng quy hoạch, hỗ trợ để xây dựng một số vùng chuyên canh cây ăn quả, cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái giúp người dân sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập”-ông Tư thông tin thêm.
LÊ NAM