Đưa gia súc, gia cầm giết mổ tập trung: Cơ quan quản lý gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong số 292 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay mới chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Việc có quá ít cơ sở giết mổ gia súc tập trung khiến công tác kiểm soát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ô nhiễm mỗi trường luôn thường trực.
Nguy cơ mất ATVSTP từ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Thành phố Pleiku hiện có 69 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (61 cơ sở giết mổ gia súc, 8 cơ sở giết mổ gia cầm) tập trung tại các phường: Trà Bá, Yên Thế, Hội Phú, Yên Đổ, Đống Đa…Trung bình mỗi ngày, các cơ sở này giết mổ khoảng 300 con heo, 20 con trâu, bò, dê và hàng trăm con gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố chỉ có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có giấy phép kinh doanh. 
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Đa số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xây dựng chưa đúng quy định cả về vị trí, diện tích. Một số cơ sở còn tận dụng vị trí sinh hoạt của gia đình; nguồn nước, dụng cụ sử dụng giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh; nơi thu gom, xử lý chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh. Ngoài ra, các chủ cơ sở giết mổ còn thiếu quan tâm đến ATVSTP và vệ sinh thú y. Do TP. Pleiku không có cơ sở giết mổ gia súc tập trung khiến công tác kiểm soát của cơ quan thú y gặp nhiều khó khăn, không kiểm soát được vấn đề trước, trong giết mổ mà chỉ mới dừng lại ở công tác kiểm phẩm. Vì vậy, nguy cơ mất ATVSTP là hiện hữu.
 Lò giết mổ gia súc tập trung của gia đình ông Vũ Thế Kỳ (tổ 8, phường Đống Đa, TP. Pleiku) chỉ hoạt động đúng 1 tháng rồi đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lò giết mổ gia súc tập trung của gia đình ông Vũ Thế Kỳ (tổ 8, phường Đống Đa, TP. Pleiku) chỉ hoạt động đúng 1 tháng rồi đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Năm 2003, 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung đã được xây dựng tại tổ 9, phường Thống Nhất (nay là tổ 8, phường Đống Đa, TP. Pleiku). Tuy nhiên, cơ sở này chỉ hoạt động 1 tháng thì không thể duy trì. Ông Vũ Thế Kỳ (chủ cơ sở này) cay đắng nhớ lại: Lúc ấy, được sự vận động của chính quyền địa phương, tôi mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Chính quyền cũng cam kết sẽ hỗ trợ. Cơ sở hoạt động thuận lợi được 1 tháng nhưng sau đó, do thiếu sự kiểm tra, giám sát, vận động của ngành chức năng, các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đem gia súc đến nên đành đóng cửa. Điều này khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, nhiều khoản đến nay vẫn chưa thể thanh toán được.
Mới chỉ làm đằng ngọn
Về thực trạng kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại TP. Pleiku, bà Nguyễn Thị Linh Chi-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố-cho biết: Đối với gia cầm thì chúng tôi đã kiểm soát được trước, trong và sau giết mổ tại 4 điểm. Trung bình mỗi tháng, 4 điểm này giết mổ khoảng 9.000 con gia cầm. Ngoài ra, còn có 1 điểm giết mổ bò ở phường Thắng Lợi, mỗi ngày mổ 1-2 con cũng được chúng tôi thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau giết mổ.
Bà Chi thông tin thêm: Theo quy trình chuyên môn thì phải thực hiện kiểm soát trước, trong và sau giết mổ nhưng hiện nay phần nhiều chỉ mới dừng lại ở công tác kiểm phẩm, chủ yếu là kiểm phẩm sản phẩm thịt tại 13 chợ và Trung tâm Thương mại Pleiku từ nửa đêm đến 9 giờ sáng hôm sau. Sau 9 giờ sáng, những cơ sở giết mổ thêm (số này không nhiều) thì không kiểm soát được. Ngoài ra, các sạp bán thịt di động tự phát, lề đường cũng không kiểm phẩm được… Trung bình 1 ngày, thành phố kiểm phẩm trên dưới 100 con heo, 15 con bò và trên 300 con gà. Hạn chế của việc kiểm phẩm là theo cảm quan, chỉ phát hiện những nghi ngờ về bệnh mà gia súc, gia cầm mắc phải trên thân thịt qua quan sát màu sắc, mùi vị; còn lại nếu heo, bò có hóa chất thì không biết được. Khi nào nghi ngờ, cán bộ thú y mới sử dụng test nhanh.
Hiện nay, lực lượng làm công tác kiểm phẩm của Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố có 11 người (cả biên chế và hợp đồng) và 23 cán bộ thú y các xã, phường. Tuy nhiên, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố nhiều dẫn đến việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của UBND các xã, phường chưa quyết liệt dẫn đến các sạp bán thịt tự phát trên vỉa hè, di động, không qua đăng ký, không rõ nguồn gốc, không được kiểm phẩm làm gia tăng nguy cơ mất ATVSTP đối với người dân.
Ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: Thành phố khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Khi có cơ sở này sẽ kiểm soát được dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng. Thành phố đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung, tuy nhiên địa điểm chưa đáp ứng nguyện vọng của  nhà đầu tư... Ngoài ra, hoạt động này chủ trương kêu gọi xã hội hóa nên cũng rất khó tìm được nhà đầu tư.
Như Ý - Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.