Du lịch vùng biên “cất cánh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đức Cơ và Ia Grai là 2 huyện biên giới hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng... Đây là những điều kiện để 2 địa phương này biến tiềm năng, thế mạnh để khai thác phát triển du lịch.

Giàu tiềm năng

Huyện Đức Cơ có 35 km đường biên tiếp giáp với huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây sống xen ghép với nhau ở tất cả các xã, thị trấn nên lưu giữ được những nét văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo như: cồng chiêng, nhà rông văn hóa, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian...

Giao thông được thông thương là một trong những lợi thế về phát triển du lịch. Ảnh: Hà Phương
Giao thông được thông thương là một trong những lợi thế về phát triển du lịch. Ảnh: Hà Phương

Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Đức Cơ có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nằm trên quốc lộ 19B của Việt Nam nối với quốc lộ 78 của Campuchia. Đây là tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia. Đồng thời, việc khánh thành cột mốc số 30 là điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư xây dựng điểm tham quan du lịch, phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động thương mại, dịch vụ mà dấu ấn gần đây nhất là phiên chợ biên giới kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Gia Lai và Ratanakiri”.

Bên cạnh đó, Đức Cơ còn có nhiều điểm đến mang dấu ấn văn hóa-lịch sử để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa, ẩm thực của người dân như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty, di tích chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ngoài ra, còn có các khu du lịch sinh thái Suối Đôi (xã Ia Dom), rừng hương (xã Ia Kriêng), cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk)-cây di sản Việt Nam, làng dệt thổ cẩm tại xã Ia Dom...

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hà Phương
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hà Phương

Nhiều năm nay, hoạt động du lịch tại Ia Grai có sự chuyển biến tích cực. Các sự kiện văn hóa-du lịch tạo hiệu ứng cao, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo khách tham quan, như hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, tham quan lòng hồ thủy điện Sê San 4, thác Mơ... Đặc biệt, năm 2022, huyện tổ chức thành công hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ 3 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng, thu hút 13.000 lượt khách đến tham quan.

Đặc biệt, Ia Grai rất giàu tiềm năng du lịch sông nước. Dòng sông Pô Cô gắn liền với những chiến công huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nay đã trở thành dòng sông năng lượng. Những công trình thủy điện như: Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A... không chỉ cung cấp nguồn năng lượng lớn cho đất nước mà còn tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn để đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Từ bãi bồi làng Dăng (xã Ia O), du khách có thể đi thuyền, ca nô của người dân ở làng chài để trải nghiệm nhiều điều thú vị của vùng sông nước.

Người dân vùng biên cũng dần quen làm du lịch như: cho thuê thuyền máy tham quan mặt hồ Sê San 4, tổ chức tour thăm làng chài-thác Mơ, mở nhà hàng phục vụ các món đặc sản. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn hướng dẫn các đoàn đến tham quan mô hình sản xuất, tự tay thu hoạch trái cây trong vườn nhà, từ đó hình thành và kết hợp nhiều loại hình du lịch từ văn hóa-lịch sử, sinh thái-nghỉ dưỡng đến du lịch canh nông.

Bà Ksor H'Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết, điểm nhấn của Ia Grai là các vùng cây ăn quả có diện tích lớn như chôm chôm, sầu riêng, bơ, mít, ổi đã cho thu hoạch, có thể phát triển du lịch trang trại, du khách vừa tham quan, vừa được thưởng thức các sản phẩm trái cây. Việc kết hợp du lịch sinh thái trên sông Sê San, sông Pô Cô, các thác nước cùng với việc bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương sẽ thành mô hình du lịch khép kín, thuận tiện để du khách đến với Ia Grai.

Lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô, huyện Ia Grai. Ảnh: Hà Phương
Lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô, huyện Ia Grai. Ảnh: Hà Phương

Tạo đà cho du lịch phát triển

Xác định những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, những năm qua, huyện Đức Cơ đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành thế mạnh đặc thù, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế của huyện. Cùng với quy hoạch du lịch chi tiết tại các điểm, khu du lịch, huyện đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá và xúc tiến du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; tăng cường hợp tác, gắn kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử.

Cũng theo ông Trần Ngọc Phận, những năm qua, huyện Đức Cơ đã thuê các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để xây dựng phát triển du lịch. Đồng thời, huyện cũng đầu tư, quy hoạch, chăm sóc, tái tạo cảnh quan để xây dựng khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển các tour TP. Pleiku đi Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, thăm Quốc môn, cột mốc số 30-tham quan Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty-cây đa làng Ghè, rừng hương (xã Ia Kriêng) rồi về lại TP. Pleiku. Tới đây, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông hoàn thành sẽ kết nối vào tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông, hình thành mạng lưới giao thông khép kín 6 huyện phía Tây của tỉnh với vùng động lực Chư Sê. Sự kết nối này không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua mà còn góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Gia Lai “Du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa”-ông Phận cho hay.

Du khách tham quan vườn chôm chôm tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai. Ảnh: Hà Phương
Du khách tham quan vườn chôm chôm tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai. Ảnh: Hà Phương

Tương tự, tỉnh lộ 664 cũng được nâng cấp, mở rộng sẽ nối đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku và các tuyến đường liên huyện qua các xã Ia Tô (huyện Ia Grai), Ia Dơk, Ia Kla (huyện Đức Cơ) cùng quốc lộ 14C tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh, tạo thành vành đai kinh tế Pleiku-Ia Grai. Ông Rơ Mah Klin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô-vui mừng cho hay: “Trước đây, đường từ xã đi Đức Cơ rất hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Giờ có đường mới, chỉ cần chạy thẳng một mạch là tới, người dân rất phấn khởi. Kỳ vọng con đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân”.

Theo ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: Huyện xác định chiến lược sản phẩm du lịch, định hướng chung là đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng để có thể kết nối với vùng miền, tăng khả năng thu hút du khách. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có nét độc đáo riêng. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp như: hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, quan tâm xây dựng con người bản địa năng động, thân thiện làm du lịch. “Năm 2023, huyện triển khai làm việc với Chi nhánh Visetgroup Gia Lai (Công ty cổ phần Visetgroup) để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng xã Ia Hrung. Đồng thời, lập các thủ tục lập quy hoạch phân khu khu du lịch bờ Đông sông Pô Cô để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tham quan di tích trên địa bàn”-ông Quý thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.