Hậu COVID, khách du lịch muốn những chuyến đi bền vững để đảm bảo an toàn cho bản thân, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên, con người ở các địa phương và muốn mang đến nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.
|
Trong năm 2022, du khách muốn ưu tiên điểm đến vắng vẻ. Ảnh: CTV/Vietnam+ |
Những tin tức về biến đổi khí hậu, nỗ lực triển khai du lịch bền vững của các cơ sở lưu trú, thời gian thấp điểm du lịch, kết nối với cộng đồng là những yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định thực hiện chuyến đi của du khách Việt.
Kết quả về xu hướng này được Booking.com đưa ra dựa trên những thông tin được thu thập từ hơn 30.000 du khách đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tác động của các chuyến đi vẫn là mối quan tâm hàng đầu của du khách.
Theo đó, 96% du khách Việt muốn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Đặc biệt, có tới 97% người được hỏi xác nhận điều này rất quan trọng, 72% nói biến đổi khí hậu đã thôi thúc họ đưa ra nhiều lựa chọn du lịch bền vững hơn.
Cũng vì thế, với 79% du khách Việt, những nỗ lực liên quan đến du lịch bền vững của các chỗ nghỉ và nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển đóng vai trò quan trọng khi họ lựa chọn nơi lưu trú và phương tiện đi lại. Thực tế, 93% du khách cho hay họ có xu hướng chọn một chỗ nghỉ bền vững hơn cho dù họ có chủ ý tìm kiếm hay không.
Chỗ nghỉ bền vững lên ngôi
Lưu trú bền vững đang ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. 76% du khách Việt xác nhận họ đã “để mắt” tới chỗ nghỉ bền vững trên trang web du lịch trực tuyến trong năm qua và 81% cho biết họ chủ động tìm kiếm thêm thông tin liên quan đến du lịch bền vững của chỗ nghỉ trước khi đặt phòng.
Một tín hiệu đáng khích lệ hơn đó là 87% du khách Việt cho biết họ đã lưu trú tại chỗ nghỉ bền vững trong năm vừa qua. Có thể thấy, đại dịch toàn cầu đã khiến con người chăm lo cho sức khỏe nhiều hơn.
|
Chỗ nghỉ thân thiện môi trường trở thành lựa chọn ưu tiên của khách du lịch trong năm 2022. Ảnh: CTV/Vietnam+ |
Ưu tiên điểm đến vắng vẻ
Hầu hết các du khách đều muốn tránh những điểm đến đông người do những lo ngại dịch bệnh và sự thay đổi tâm lý hậu COVID. Thực tế, khi nghĩ tới các chuyến đi trong tương lai, 48% nói rằng họ sẵn sàng đi du lịch vào mùa thấp điểm để tránh tình trạng đông người, 63% tiết lộ họ sẽ tránh đi đến những điểm đến hoặc địa danh du lịch phổ biến để đảm bảo tác động và lợi ích từ chuyến đi của họ được phân tán đồng đều hơn.
Tuy nhiên, 49% du khách Việt cho biết họ gặp khó khăn khi muốn đến những điểm đến hấp dẫn mà vắng vẻ, 41% cảm thấy lựa chọn du lịch bền vững trong thành phố hoặc các điểm đến được nhiều du khách ưa chuộng gần như bất khả thi.
Điều này mở ra cơ hội cho các nền tảng du lịch làm việc với nhà cung cấp chỗ nghỉ tại nhiều điểm đến nhằm giúp họ tiến xa hơn trên hành trình vì sự bền vững, qua đó vừa giúp quảng bá thêm nhiều lựa chọn bền vững vừa giúp du khách tìm được cơ sở lưu trú tốt mà không cần đánh đổi quá nhiều trải nghiệm.
|
Trải nghiệm những điểm đến vắng vẻ giàu giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: CTV/Vietnam+ |
Kết nối sâu sắc giá trị văn hóa bản địa
Triết lý tái sinh đang ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của mọi người, với 75% du khách Việt nói rằng họ muốn những nơi họ rời khỏi sau chuyến đi phải giữ được trạng thái tốt hơn cả trước khi họ tới đồng thời 77% muốn có những trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Thực tế, gần một nửa (43%) số người tham gia khảo sát cho hay họ đã chủ động làm quen với các giá trị và truyền thống văn hóa địa phương tại điểm đến du lịch trước chuyến đi và 38% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các hoạt động du lịch để đảm bảo chúng mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Kết quả nghiên cứu trên do Booking.com ủy nhiệm và được thực hiện độc lập trên một nhóm gồm 30.314 người tham gia từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để tham gia khảo sát này, người trả lời phải từ 18 tuổi trở lên, đã đi du lịch ít nhất một lần trong 12 tháng qua và có kế hoạch đi du lịch trong năm 2022 đồng thời là người quyết định chính hoặc tham gia vào quá trình đưa ra quyết định cho chuyến đi của họ. Khảo sát được thực hiện trực tuyến và diễn ra vào tháng 2/2022.
Theo M.Mai (Vietnam+)