Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện: Những kết quả đáng ghi nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 27-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam để bàn về nội dung chương trình hợp tác Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2022-2026. Tham gia hội nghị, tại điểm cầu Hà Nội có bà Lesley Miller-Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Chuyển biến tích cực trong chăm sóc trẻ em
Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện do UNICEF tài trợ, bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017 trên địa bàn tỉnh với các hợp phần: chính sách xã hội, y tế, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Giai đoạn 2017-2021, Gia Lai có 9 xã thuộc 3 huyện Mang Yang, Kbang và Krông Pa tham gia dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: “Trong 5 năm triển khai dự án, phía UNICEF đã đề ra những chương trình phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Hơn nữa, trong điều kiện khó khăn chung với quy mô toàn cầu khiến UNICEF vận động nguồn kinh phí để thực hiện dự án cũng có phần bị hạn chế. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của các bên, Gia Lai cơ bản đã đạt được các mục tiêu chính quan trọng của dự án”.
Qua 5 năm triển khai, với sự hỗ trợ kinh phí từ UNICEF Việt Nam (trên 51,6 tỷ đồng) và sự bố trí vốn đối ứng kịp thời của tỉnh Gia Lai (7,76 tỷ đồng), dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại 9 xã triển khai dự án có Ban điều hành bảo vệ và chăm sóc trẻ em (theo Luật Trẻ em) làm nhiệm vụ điều phối dự án; 705 lượt cán bộ được tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; hỗ trợ, can thiệp 300 trường hợp trẻ bị tổn thương, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; 26.600 lượt bố mẹ được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành phát triển trẻ thơ toàn diện; trên 80% hộ trong xã có con 0-8 tuổi tham gia sinh hoạt. 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Chương trình làm cha mẹ “Không ai hoàn hảo” đã đào tạo 46 hướng dẫn viên, tổ chức 219 nhóm với 1.752 buổi cho trên 3.000 lượt cha mẹ để trang bị kiến thức và kỹ năng. Có 974 lượt giáo viên được tập huấn nâng cao năng lực triển khai các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai tốt chương trình “Lớn lên cùng âm nhạc” giúp các cháu biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ.
Cùng với đó, 616 lượt cán bộ y tế được tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế và mang dịch vụ y tế đến các thôn, làng, từng hộ gia đình; 2.074 bà mẹ mang thai được uống viên đa vi chất; 67.810 trẻ 6-23 tháng tuổi được bổ sung gói bột đa vi chất; 112 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được quản lý điều trị theo mô hình IMAM. Đặc biệt, 34 chỉ tiêu liên quan tới trẻ em đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có dự án triển khai.
Đề xuất nội dung giai đoạn 2022-2026
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Tùng Khánh cho rằng: “Tại Gia Lai, tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá cao (chiếm 46% dân số), điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, phía UNICEF hỗ trợ tỉnh trong việc chuyển đổi số, cụ thể là thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em” để có thêm nguồn lực hỗ trợ trẻ em ở vùng sâu, vùng xa có máy tính để học, hỗ trợ vắc xin phòng dịch Covid-19; UNICEF cần có những chương trình kết nối để có lực lượng giáo viên dạy song ngữ cho địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh”.
Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Phạm Công Thành thì cho biết: “Tham chiếu các chỉ số về trẻ em hiện nay, Ban Quản lý có một số đề xuất phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026, tập trung vào các nội dung: lồng ghép các ưu tiên cho trẻ em vào lập kế hoạch và phân bổ ngân sách; tạo cơ hội tiếp cận cho mọi trẻ, vận động sự tham gia của trẻ em và thanh-thiếu niên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe tâm thần, biến đổi khí hậu-môi trường; nâng cao chất lượng học tập cho các bậc học từ mầm non đến trung học, vấn đề kỹ năng số trong giảng dạy và học tập; quan tâm hỗ trợ các đối tượng là trẻ thấp còi và suy dinh dưỡng; tiếp cận với nước sạch và vệ sinh đảm bảo chất lượng; chú trọng dịch vụ công tác xã hội trong phòng-chống bạo lực và xâm hại trẻ em”. 
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện Phạm Công Thành đề xuất 7 chương trình trọng tâm của Dự án giai đoạn 2022-2026. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện Phạm Công Thành đề xuất 7 chương trình trọng tâm của Dự án giai đoạn 2022-2026. Ảnh: Hà Duy
Với mục tiêu “Không có trẻ em bị bỏ lại phía sau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chia sẻ: “Gia Lai là tỉnh nghèo, thu ngân sách ít, nhưng chúng tôi rất quan tâm tới trẻ em. Thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ bố trí lượng vốn nhất định để đối ứng, đảm bảo các hợp phần trong dự án được triển khai thuận lợi, để các cháu được hưởng lợi một cách tốt nhất”. 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller định hướng: “Mục tiêu lớn nhất của dự án là giúp những người yếu thế, nhất là trẻ em tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa được tham gia hưởng lợi. Giai đoạn 2022-2026, chúng ta sẽ định hướng một số chương trình hợp tác, trong đó ưu tiên các vấn đề liên quan tới bảo vệ trẻ em, y tế-dinh dưỡng, nước sạch-vệ sinh, giáo dục, chính sách xã hội và quản trị”. Đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam cũng cho biết sẽ tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất từ phía Gia Lai và thời gian tới sẽ tiếp tục thảo luận với tỉnh để xây dựng lại văn kiện, cùng nhau thống nhất các chương trình, nội dung trọng tâm cụ thể cũng như kinh phí triển khai thực hiện dự án. 
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.