Theo nhà nghiên cứu và sưu tầm tiền Việt Nam Nguyễn Văn Mai, đồng tiền vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù không được đưa vào lưu hành, nhưng mang ý nghĩa lịch sử.
Đồng tiền vàng lịch sử được phát hành năm 1948. Ảnh: Tư Liệu |
Quà tặng ngoại giao
TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã rất vui khi đơn vị của ông khai trương cửa hàng lưu niệm nhân 50 năm thành lập bảo tàng hồi năm ngoái. Cửa hàng giới thiệu một số sản phẩm độc quyền, trong đó có phiên bản đồng tiền vàng bản vị phát hành năm 1948. Nay thì đồng tiền vàng này đã có phiên bản quà tặng bằng hợp kim mạ vàng 24K, đường kính 30 mm. Ông Hà cho biết ngày 8.7.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 119/S1 về việc Hội đồng Chính phủ quyết định cho in tiền bằng vàng nguyên chất lấy tên là đồng Việt, và quy định đồng Việt là đơn vị tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng theo ông Vũ Mạnh Hà, đồng tiền được sản xuất với số lượng hạn chế, do Hội đồng Chính phủ giám sát và kiểm duyệt nhiều lần trước khi phát hành. Tiền có các mệnh giá 10, 20 và 50. “Đồng tiền vàng bản vị Việt được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm quà tặng các bộ trưởng trong Chính phủ, quan khách quốc tế và đại biểu Nam bộ. Món quà khẳng định nền độc lập tài chính của nước Việt Nam với thế giới”, ông Hà cho biết.
Bên cạnh đó, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, lại cho biết số lượng tiền vàng mệnh giá 20 đồng mà Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1948 là 200 đồng. Tiền được Bác Hồ dùng để tặng các bộ trưởng và là tặng phẩm ngoại giao trong các chuyến xuất ngoại. Bà Nguyễn Thị Thập, khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được Bác Hồ tặng 1 đồng tiền vàng này để khi ra nước ngoài có việc gì thật cấp bách có thể bán lo chi phí.
Hiện tại, trong nước có 3 đơn vị bảo tàng có hiện vật đồng tiền vàng này. Bảo tàng Hồ Chí Minh giữ phiên bản mệnh giá 20 đồng. Đây vốn là đồng tiền được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ giữ một bản mệnh giá 20 đồng do Bác Hồ tặng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập, bà Thập sau đó tặng lại bảo tàng. Một phiên bản khác được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, cũng có mệnh giá 20 đồng, là của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh.
Đồng tiền lịch sử
Ông Vũ Thế Khôi, con trai của cố Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, cho biết đồng vàng được Bác Hồ tặng cha mình trong những năm kháng chiến. “Việc tặng đồng tiền đó diễn ra ở chiến khu Việt Bắc giữa kháng chiến gian khổ năm 1948. Chính bố tôi là người đưa ra ý kiến tặng lại cho bảo tàng. Sau này tôi và cụ bà chỉ thực hiện lời của cụ”, ông Khôi kể.
Về tạo hình, đồng tiền vàng này hình tròn, viền nổi trang trí xung quanh. Mặt trước ở giữa có hình Bác, phía trên in chữ hoa nổi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau tiền in nổi số 20, ở giữa có chữ “Việt”, dưới có 2 bó lúa xếp chéo, dưới nữa là số 1948. Tiền cũng in nổi dòng Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiền còn có ký hiệu vàng nguyên chất 0,900 cũng như cân nặng 8,325 gr. Hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền này có nhiều tương đồng với tạo hình Bác trên đồng tiền 1 đồng phát hành năm 1946, do nhà điêu khắc Hoàng Như Ngọc thể hiện.
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, những đồng tiền ra đời trong thời kỳ 1945 - 1954 rất đặc biệt. Ông cho biết sau Cách mạng Tháng tám 1945, chúng ta chiếm được kho bạc, nhưng không kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương. Thực dân Pháp lợi dụng điều này khống chế ta phát hành tiền. Cùng lúc nạn tiền Quan Kim của Tưởng Giới Thạch tràn sang, khiến nước ta càng khó khăn do không thể chủ động phát hành tiền tệ. Vì thế, nỗ lực phát hành tiền cũng là một khẳng định độc lập tài chính.
“Bằng nhiều nỗ lực của Chính phủ mới, ngày 1.12.1945, tại Viễn Đông Bác cổ, đồng tiền xu 2 hào đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã ra đời. Tiếp sau đó là các đồng 5 xu, 1 đồng và 2 đồng. Tiền giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được ra đời năm 1946 có tên gọi Tiền tài chính hay Giấy bạc Cụ Hồ, được phát hành tại các vùng tự do, để phân biệt với tiền của Ngân hàng Đông Dương thuộc Pháp kiểm soát”, ông Tuấn nói. Giai đoạn 1947 - 1954, nhiều loại tiền của các địa phương phát hành cho nhu cầu sử dụng tại chỗ cũng được in, ngang giá với Tiền tài chính.
Mặc dù vậy, trong cuốn sách mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam (NXB Hồng Đức, 2021), đồng tiền này đã không có mặt. Về điều này, PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học Việt Nam), thành viên Ban Biên soạn sách, cho hay cuốn sách chỉ đưa vào những đồng tiền được tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Mai, thành viên CLB UNESCO nghiên cứu - sưu tầm tiền Việt Nam, cũng là thành viên ban soạn thảo, cho biết đúng là đồng tiền vàng này không có trong sách. “Nó không được đưa vào sách vì nó không được chính thức lưu hành. Nó cũng chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, Bác Hồ dùng để tặng thành viên trong Chính phủ và tặng khách nước ngoài thôi. Nó là đồng tiền lịch sử”, ông Mai nói.
Theo Trinh Nguyễn (TNO)