Đối thoại để gỡ vướng cho doanh nghiệp chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 21-12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai tổ chức đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề cập một số vướng mắc, khó khăn và được các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ.

Toàn tỉnh hiện có 191 dự án xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với diện tích 4.981 ha, tổng vốn đăng ký là 23.874 tỷ đồng. Trong số đó, 43 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (gồm có 13 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 30 dự án đang triển khai). Riêng trong năm 2021, có 28 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng diện tích đất sử dụng 637 ha, tổng vốn đăng ký 3.820 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-đánh giá: “Các dự án chăn nuôi đầu tư vào địa bàn tỉnh là trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra. Các dự án hoàn thành đi vào hoạt động đã cung cấp con giống và sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Kim Linh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Kim Linh


Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng các dự án chăn nuôi chưa chấp hành triệt để quy định về bảo vệ môi trường, chưa chấp hành tốt công tác tự giám sát, báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định, chưa phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn lực giảm sút khiến cho một số dự án chậm triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-đề xuất: “Gia Lai đang thu hút rất lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài tỉnh đối với lĩnh vực chăn nuôi. Tại sao tỉnh không quy hoạch chăn nuôi và coi đây là cơ hội, tạo chuỗi liên kết, để khai thác giá trị gia tăng của đất, nhất là đất bạc màu, giá trị thu được từ trồng trọt, chăn nuôi kém... để tạo cơ hội cho nông dân làm giàu? Hiện các địa phương đang bị động, thụ động trong quy hoạch sử dụng đất. Đề nghị các địa phương thay đổi tư duy, cách nhìn về phát triển kinh tế, chủ động xây dựng quy hoạch sử dụng đất để tiện trong kêu gọi, thu hút đầu tư”.

Về kiến nghị này, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết sẽ giao cho Phòng Doanh nghiệp nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Sở để sắp tới có thể phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tra cứu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi Thuận Duyên có ý kiến liên quan tới vấn đề chồng lấn diện tích khảo sát các dự án: “Các trường hợp dự án chăn nuôi heo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất nhưng đất chồng lấn khu vực khảo sát nghiên cứu năng lượng gió, năng lượng mặt trời, các dự án này chưa được Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch điện VIII) thì có được xem xét chấp thuận chủ trương cho dự án chăn nuôi hay không? Hiện nay, các dự án đều bị tạm ngưng làm thay đổi cơ hội của nhà đầu tư”.

Đây cũng là vấn đề được khá nhiều doanh nghiệp đề cập tại hội nghị. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Thời gian qua, việc phát triển năng lượng gió trên địa bàn tỉnh khá sôi động với 16 dự án đã triển khai. Hiện có 130 nhà đầu tư đang đề xuất nghiên cứu đầu tư. Tình trạng chồng lấn giữa các dự án điện gió và dự án chăn nuôi là có. Đặc thù của dự án điện gió trong quá trình khảo sát là cần diện tích lớn. Khi được chấp thuận chủ trương cho khảo sát tức là đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện không bị vướng quy hoạch nào. Vì vậy, để triển khai các dự án chăn nuôi cần phải chờ các dự án điện gió khảo sát xong cũng như chờ Quy hoạch điện VIII phê duyệt để biết dự án điện gió nào được triển khai”.

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sở đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp cũng như nguyện vọng cống hiến của doanh nghiệp đối với tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của cấp trên, tiếp tục đề xuất giải pháp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận, trả lời bằng văn bản các kiến nghị, đề xuất trong và sau hội nghị này đến cộng đồng doanh nghiệp”. Ông Nguyễn Hữu Quế cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

 KIM LINH

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.