(GLO)- Hiện nay, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Pưh không còn cảnh chạy ăn từng bữa mà đã có vốn phát triển kinh tế, mua đất sản xuất, sửa sang lại nhà cửa... Họ có được cuộc sống khấm khá như thế là nhờ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Chuyện từ Ả Rập Xê Út
Mới từ Ả Rập Xê Út trở về, những câu chuyện về một vùng đất mới, về công việc của chị Siu H’Đại trở thành tâm điểm chú ý của người dân thôn Kênh Săn, xã Ia Le. Chị H’Đại chia sẻ: “Mình qua Ả Rập Xê Út làm việc được 1 năm rồi, mỗi tháng được chủ nhà trả 9 triệu đồng. Có lần, nghe tin đứa con đầu 20 tuổi ở nhà gặp chuyện không may, mình xin chủ nhà cho về phép 1 tháng, không những đồng ý mà chủ còn mua tặng vé máy bay khứ hồi, mình mừng lắm!”.
Từ số tiền đi XKLĐ của chị gái Nay H’Le gửi về, chị Nay H’Len đã có vốn mua 4 con bò, sửa chữa nhà cửa và khoan giếng. Ảnh: Đ.Y |
Gia cảnh chị H’Đại rất khó khăn, chồng bỏ đi lấy vợ khác, một mình chị tần tảo nuôi 3 con nhỏ. Ăn bữa nay lo bữa mai, sống trong ngôi nhà chật hẹp, lụp xụp nên chưa bao giờ chị dám nghĩ đến việc xây lại một ngôi nhà khang trang. Đến tháng 6-2016, khi thấy cán bộ Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực Việt-Nhật về xã tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, chị liền tìm hiểu rồi đăng ký tham gia.
“Lúc đi cũng phân vân lắm vì 3 con đang còn nhỏ, lại không có người chăm sóc. Nhưng nếu không đi thì không có tiền lo cho các con. Nghĩ tới nghĩ lui, mình động viên các con ở nhà tự chăm sóc nhau, rồi gửi con nhờ người bạn gái trong xóm quan tâm giùm, mình qua làm kiếm tiền, gửi về để cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn”-chị H’Đại bộc bạch.
Sau khoảng thời gian học ngôn ngữ, giáo dục định hướng, chị H’Đại được qua Ả Rập Xê Út giúp việc. Chị bảo, công việc khá đơn giản so với làm công cà phê, hồ tiêu ở nhà mà lương tháng lại đều. “Trung bình được 9 triệu đồng/tháng, được chủ lo ăn ở, mình dành dụm gửi về cho các con sinh hoạt, còn trả được nợ ngân hàng vay trước đó và cố gắng để có tiền sửa lại nhà cửa”-chị H’Đại kể.
Không chỉ có chị H’Đại, từ thông tin của người thân, chị Nay H’Le (38 tuổi, thôn Ia Bia, xã Ia Le) cũng sang Ả Rập Xê Út làm nghề giúp việc. Công việc nhẹ nhàng, lương tháng được hơn 9 triệu đồng, sau 10 tháng đi làm, chị H’Le cũng gửi được gần 100 triệu đồng về để nhờ em gái chăm lo cho 5 đứa con. Chị dự tính sau vài năm nữa, khi có ít vốn sẽ về phát triển kinh tế gia đình. “Trước đây, cuộc sống của 6 mẹ con chị H’Le rất khó khăn. Không có đất sản xuất, hàng ngày đi làm thuê chỉ được 120.000 đồng, ngày có việc còn đỡ chứ ngày mưa gió, không có ai thuê là cả nhà nhịn đói. Căn nhà mẹ con chị ở chỉ là một cái chòi của người trong làng bỏ không dựng tạm bằng mấy miếng gỗ nhỏ, gió lùa thông thống. Thấy cuộc sống quá khó khăn, khi nghe cán bộ Mặt trận thôn và cán bộ Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực Việt-Nhật về tận nơi giới thiệu đi XKLĐ, chị H’Le đã mạnh dạn đi để kiếm tiền lo cho đàn con”-chị Nay H’Len, em gái chị H’Le, kể lại.
Cùng chung niềm vui, bà Rơ Mah H’Beng (thôn Thung B, xã Ia Hrú) cũng vừa đến ngân hàng rút tiền của 2 cô con gái đi Ả Rập Xê Út được 4 tháng nay gửi về. “Trước đó, 2 đứa đã gửi được hơn 16 triệu đồng về, vợ chồng mình sửa lại nhà cửa, mua máy cày, còn số tiền 45 triệu lần này gia đình sẽ mua đám đất khoảng 30 triệu đồng để khi các con về không còn phải đi làm thuê”-bà H’Beng tâm sự.
Tiếp tục quan tâm công tác XKLĐ
Chia sẻ về hoạt động XKLĐ, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh, cho biết: “Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác XKLĐ, huyện Chư Pưh đã giải quyết được bài toán về việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều hộ nhờ đi XKLĐ đã có vốn để phát triển kinh tế, đời sống ổn định hơn nhiều”. Tính riêng năm 2017, huyện Chư Pưh có 71 lao động đi XKLĐ, trong đó, Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực Việt-Nhật đưa được 60 lao động đi Ả Rập Xê Út, Malaysia và Đài Loan.
Về phía đơn vị cung ứng XKLĐ, ông Lê Như Dương-Trưởng phòng Tuyển dụng, Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực Việt-Nhật, chia sẻ: “Làm công tác XKLĐ ở vùng thuận lợi đã khó, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa càng khó gấp bội. Bởi, trình độ nhận thức bà con còn hạn chế, để bà con hiểu và tự tin tham gia XKLĐ là cả một quá trình. Lúc đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì người dân còn e dè, cho rằng đi XKLĐ không biết có còn đường về không, sang nước khác lỡ có chuyện gì rủi ro ai sẽ giúp đỡ, lại mang một đống nợ… Theo đó, cán bộ Công ty hàng ngày “bám làng, bám hộ”, ban ngày thì đến từng hộ nắm bắt tình hình tuyên truyền, tối đến thì tổ chức họp dân.
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền xã và huyện, qua thông tin từ người đi XKLĐ trao đổi với gia đình cũng như gửi tiền về, việc tuyên truyền để người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đến nay đã dễ dàng hơn. Mới có mặt tại thị trường Gia Lai từ giữa năm 2016, đến nay, Công ty đã đưa được khoảng 400 lao động đi làm việc có thời hạn tại một số thị trường: Ả Rập Xê Út, Malaysia… Đối với những gia đình có người thân đi XKLĐ, khi họ gửi tiền về, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn, hướng dẫn gia đình họ sử dụng đồng tiền đúng mục đích, giúp họ vươn lên thoát nghèo, đổi đời”.
Ông Dương cũng cho hay, việc đưa người đi XKLĐ sang Ả Rập Xê Út thuộc chương trình hỗ trợ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, vì thế, người lao động được hỗ trợ tất cả các chi phí như: khám sức khỏe, tiền ăn, ở, học tiếng, học giáo dục định hướng, làm thủ tục visa, nhập cảnh, khi đủ điều kiện đi XKLĐ còn được phía Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng/người để mua vật dụng cá nhân. “Hiện nay, nhu cầu giúp việc ở Ả Rập Xê Út còn rất lớn, thị trường này phù hợp với tay nghề, trình độ và sự chịu khó của người nông dân. Vì vậy, người lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhu cầu đi Ả Rập Xê Út thì nên đăng ký với Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực Việt-Nhật để làm thủ tục hồ sơ”-ông Dương cho biết.
Đinh Yến