'Đời cá' ở hồ Trị An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ven lòng hồ Trị An có nhiều xóm nhà nổi, đó là nơi ở của những Việt kiều Campuchia về quê hương mưu sinh theo con nước. Không có cả cục đất chọi chim, chưa từng cầm cuốc, họ gửi gắm cuộc đời theo mỗi buổi giăng câu, bủa lưới...
Những thanh niên đi giăng lưới cá ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Những thanh niên đi giăng lưới cá ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Xóm vạn chài xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) đã hình thành nhiều năm trên hồ Trị An. Đằng sau cảnh đẹp thơ mộng với núi đồi bao quanh là những phận đời lênh đênh.
Cả đời tôi chưa từng cầm cuốc, không biết chữ, hộ khẩu cũng không, giờ lên bờ lấy gì ăn, nên chắc tôi sẽ ở đây hết đời, mần được nhiêu ăn nhiêu, chứ biết đi đâu.
Ông TỐNG VĂN RỚT
Sống dựa theo con nước
Trở về "nhà" lo bữa trưa sau khi bán 2kg tép vừa bắt, bà Nguyễn Thị Lời (56 tuổi) nhăn mặt kể mình giăng lưới từ tối qua, tới 4h sáng cuốn lên chỉ được chừng đó. "2kg tép bán được 80.000 đồng, trừ tiền xăng dầu chạy ghe thì không còn lời nhiêu nữa" - bà nói.
Người đàn bà làng chài cho biết mình về đây đã 13 năm. Chiếc bè dài 8m, rộng 4m tạm bợ bằng tấm ván mỏng kê trên các cọc gỗ, đi cũng phải nhẹ nhàng như mèo vì sợ... sập, là chỗ chui ra chui vào của vợ chồng bà Lời với 3 đứa con.
Bà có 8 người con, 5 người đã lập gia đình ra riêng và một cháu nội 7 tuổi ở chung. Bè này bà mua thiếu rồi trả từ từ, đoàn từ thiện xuống cho mấy tấm tôn lợp. Mới rồi, bà Lời sử dụng pin mặt trời để có điện sinh hoạt.
Trước khi đến đây, gia đình bà Lời từng nhiều năm quăng lưới mưu sinh ở Biển Hồ, Campuchia. Nhưng đời sống xứ người ngày càng khó, nên cả nhà 10 người dắt díu nhau về lòng hồ quê hương này. Bà tâm sự ban đầu chỉ tính qua đây đánh cá vài năm rồi kiếm nghề khác, không ngờ hơn 10 năm trôi qua.
Hằng ngày, bà và người nhà thả lưới từ lúc 13h rồi về, đến 5h sáng hôm sau kéo lên, phân loại cá, đem ra chợ bán. Ngoài đánh bắt ở hồ, bà Lời còn nuôi khoảng 1.000 con giống để thêm thu nhập, nhưng phải mất gần một năm mới vớt bán được. "Người ta nuôi 3-4 tháng là bán. Mình không tiền mua thức ăn, nó chậm lớn, nên nuôi gần cả năm mới bán nổi" - bà kể chuyện.
Cũng như nhiều ngư dân ở đây, bà Lời thường bắt được các loại cá nước ngọt như cá lăng, cá rô phi, cá chép, cá mè vinh, cá hoàng đế... "Nhưng nghề đánh cá ở đây rất... hên xui. Nhiều hôm may mắn kiếm được bảy tám trăm ngàn, thường thì hai, ba trăm. Có hôm không đủ tiền xăng" - bà Lời nói.
Một góc làng chài ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Một góc làng chài ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ

Không ở đây thì biết đi đâu?

Tâm sự về ngày mai, bà Lời nói mình muốn lên bờ nhưng "tiền đâu mà đi". Lo miếng ăn còn chật vật, chuyện học hành con cháu cũng chẳng tới đâu, nên mấy đứa con bà Lời cũng đời ngư dân như cha mẹ. Nhà bà chỉ có đứa con trai út được đến trường, còn lại đều mù chữ. Đứa cháu nội không giấy khai sinh, đã 7 tuổi, cậu bé đèo đẹt vẫn chưa được đi học.
"Nếu lên bờ được, tui sẽ đi mần mướn, hoặc tiếp tục giăng câu đâu đó, tại từ nhỏ tới giờ chỉ biết nghề này. Vợ chồng cũng lớn tuổi rồi, khó xin mần công ty" - bà cho hay.
Khu vực bà Lời ở có 52 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu, được xem là vùng khó khăn của xã Thanh Sơn. Trước đó, ở đây rất nhiều "đời cá" mà đa số là người Việt từ Campuchia về. Một số hộ sau khi có chút vốn đã lên bờ tìm kế sinh nhai khác, còn mấy chục hộ nghèo quá chỉ biết sống dựa vào con nước, chưa thể đi đâu.
Là "lão làng" nơi này, ông Năm Thọ (Nguyễn Văn Thọ) đã 28 năm mưu sinh trên lòng hồ. Ông thuộc số ít hộ dân không phải Việt kiều Campuchia mà từ Hóc Môn (TP.HCM) di cư tới. Chỗ ông ở ngày trước rất đông, "dân miền Tây đến, dân Campuchia về, cứ cách chục mét là có bè".
Ông Năm Thọ gọi xóm chài mình đang sống là xóm... chạy. Không ở chỗ cố định, tùy vào con nước, người dân ở đây thường di chuyển bè bằng cách lấy ghe máy cột dây kéo đi. "Nước lên thì kéo sát bờ, nước xuống kéo ra xa mới có cá. Có khi sáng kéo ra, chiều kéo vô, rồi hôm sau kéo ra lại muốn sặc máu" - ông cười cho biết.
Trước khi gắn bó với sông nước, người đàn ông 62 tuổi này đã qua đủ thứ nghề. "Hồi đó nghe nói đây cá nhiều lắm, ai cũng đổ xô tới sống để đánh bắt, thấy vậy nên tui cũng mua bè rồi kéo vợ con theo".
Bà Lời nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm trên bè - Ảnh: DIỆU QUÍ
Bà Lời nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm trên bè - Ảnh: DIỆU QUÍ
Được thời gian, cá không còn nhiều như trước, người dân lần lượt rời bè đến nơi khác sống hoặc lên bờ làm công nhân. Vợ và ba cô con gái đầu của ông cũng đi làm xí nghiệp, bè giờ chỉ còn ông với đứa con trai út. Con đi học, ông bắt đầu đi bủa lưới từ 3h chiều tới 12h đêm ra cuốn về. Ông Thọ có học, có hộ khẩu nên con cái dù không học cao cũng đọc viết thành thạo rồi đi làm.
"Tôi ở đây cũng quen rồi, chịu khó giăng câu cũng đắp đổi qua ngày, nếu đi thì đi đâu bây giờ. Vợ con làm công ty hết, tôi chỉ còn lo cho thằng út đi học thôi, đợi nó học xong cấp II rồi muốn đi làm thì đi. Nó biết chữ để nuôi thân nó là tốt rồi" - ông Thọ nói rồi nhìn ra mặt hồ...
Đến sau những người khác, ông Tống Văn Rớt (55 tuổi) vừa kiểm tra lưới vừa kể ông đến xã này mới được 5 năm. Vợ chồng đang sống với 5 đứa con, 3 người con gái đã lấy chồng ra riêng.
Mấy chục năm, đại gia đình 10 người sống ở Biển Hồ, làm quần quật cả năm cũng chỉ đủ miếng ăn. Về quê hương, ngoài đánh bắt cá họ cũng chẳng biết làm nghề gì khác, ruộng rẫy, nhà cửa thì không có tiền mua. Thế là ông dựng bè, đóng hai chiếc xuồng rồi tiếp tục nghề cũ.
Ông chia sẻ thêm ngoài những lúc đi giăng câu, mỗi tuần ông cùng chục người dân ở đây còn chèo xuồng đi... học chữ. Lớp học tình thương trên bè nổi được một cán bộ kiểm lâm giúp bà con biết đọc, biết viết. Ông Rớt nói mình đi học để "ra đường biết người ta viết cái gì còn đọc được"...
Không biết bao giờ lên bờ được
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Khéo (21 tuổi) kể theo cha mẹ từ Campuchia về đây đã 6 năm. Không được đi học, hằng ngày Khéo giăng lưới gần bờ, cha thì bắt ở xa.
Khéo nói: "Tui đi ngày hai chuyến, từ 6h sáng đi đánh tới 10h về, rồi chiều 1h đi tới 5h, mỗi ngày kiếm được cỡ 200.000 đồng. Hồi đó, tui có học tiểu học mà nghỉ lâu quá nên chữ nghĩa bay hết rồi".
Hôm gặp tôi là lúc Khéo vừa giăng lưới xong, anh tâm sự: "Tui muốn lên bờ, vô khu công nghiệp làm công nhân, nhưng cha mẹ còn ở đây, không tiền đi nơi khác, với lại tui còn phải lo cho mấy đứa em nhỏ nên không biết khi nào mới lên bờ được".
Theo DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.