Cách trung tâm TP.Kon Tum 6 km về hướng đông, làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa) như một khoảng lặng giữa những xô bồ phố thị.
Kon K’tu là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Kon Tum với tuổi đời trên 300 năm và được xem là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây nguyên hiện nay.
Làng cổ bên sông
Con đường về làng Kon K’tu uốn lượn theo những đường cong mềm mại của dòng Đăk Bla huyền thoại. Tiếng là làng trong phố, thế nhưng Kon K’tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người Ba Na. Nằm giữa làng, mái nhà rông lợp bằng mái tranh cao hơn 13 m như điểm nhấn làm nổi bật lên ngôi làng cổ. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của 138 hộ dân với hơn 736 nhân khẩu.
Trải qua mấy trăm năm dâu bể, ngôi làng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hoang sơ. Trong làng phần lớn vẫn là những căn nhà sàn theo kiểu truyền thống. Thậm chí vẫn còn nhiều ngôi nhà vách đất nhuốm màu năm tháng.
|
Mái nhà rông cao vút nằm giữa làng Kon K’tu là nơi sinh hoạt của cả cộng đồng. ĐỨC NHẬT |
Ở nhà già A Banh (70 tuổi, nguyên già làng Kon K’tu), ngày mùa vừa kết thúc. Lúa trên ruộng vừa về đến sân phơi, vàng óng. Ngồi bên thềm nhà, ngắm nhìn thành quả của cả vụ mùa, già A Banh cùng vài người bạn khẽ vít cần rượu ghè giải mỏi. “Rượu này vừa ủ bằng lúa mới, ngọt lắm. Con vào đây uống với bố một kan (thước đo lượng rượu cho đồng đều)”, già A Banh mời gọi.
Khi men rượu đã thơm nồng trong hơi thở, già A Banh nhớ về những ngày đã cũ. Già A Banh bảo theo tiếng Ba Na, Kon có nghĩa là làng, còn K’tu có nghĩa là cổ. Chẳng biết làng này có từ khi nào, già chỉ nhớ cha ông kể lại làng có lịch sử hơn 300 năm. Nhiều năm về trước, làng cũ cách làng mới hiện nay khoảng 3 km. Đến năm 1968, để tiện cho việc sinh hoạt, đánh bắt thủy sản, cả làng đã kéo về sát bờ sông rồi xây dựng ngôi làng như hiện nay.
Những năm sau đó, Kon K’tu vẫn còn nghèo lắm. Cả mấy trăm nóc nhà đều là nhà tranh vách đất. Thời buổi ấy, niềm hãnh diện lớn nhất của dân làng có lẽ là con cái. Chẳng có nhà nào đẻ dưới 7 người con. Với quan niệm đông con là đông của nên cuộc sống dân làng cứ hết nghèo lại đói, gạo vừa về đến sân phơi đã hết.
Những thời xưa cũ, hủ tục lạc hậu cũng ám ảnh cả làng trong một thời gian dài. Nó đã kéo dân làng về với định nghĩa cơ bản nhất của đói nghèo. Dân làng bị trói buộc trong luật tục, kể cả chuyện yêu đương của thanh niên cũng phải trong sáng, không được “vượt rào”.
“Chưa cưới nhau mà có thai là phạt 1 con trâu, bò. Anh em họ chưa đủ 3 đời mà yêu nhau là phạt vạ 1 con heo, bắt 2 người phải ăn cơm trong chuồng heo, và nếu yêu nhau quá không bỏ được thì phải đuổi cả hai ra khỏi làng. Nếu họ không đi, trời sẽ làm sét đánh vào nhà rông, cả làng đều bị phạt. Thanh niên trong làng gây sự đánh nhau thì tùy vào mức độ mà phạt. Nhẹ thì phạt gà, nặng thì phạt heo, bò cho nhớ”, già A Banh kể.
|
Từ ngày làm du lịch, Kon K’tu bước sang trang mới. ĐỨC NHẬT |
Sau năm 1975, với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, những chuyện phạt vạ đã không còn, nhưng ai vi phạm vào luật làng thì vẫn phải bị xử lý. “Bây giờ không phạt vạ trâu bò nữa. Thanh niên chưa cưới mà có con vẫn bị phạt một khoản tiền nhỏ để sung vào quỹ của làng. Thanh niên sau khi gây gổ đánh nhau phải theo già làng đến tận nhà nhau để xin lỗi rồi đền bù tiền thuốc men theo thỏa thuận”, già A Banh kể tiếp.
Đổi đời nhờ du lịch
Vít cần rượu hút một hơi dài, già A Banh không giấu được niềm phấn khởi. Già bảo rằng cách đây mấy năm, Kon K’tu được quy hoạch thành làng du lịch, từ đó cuộc sống bà con thay đổi hẳn, ấm no hơn, vui nhiều lắm.
Được sự đỡ đầu của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở Kon K’tu đã mạnh dạn vay vốn mở homestay để làm du lịch. Những ngày đầu làm dịch vụ, các hộ gia đình vấp phải không ít khó khăn về kinh nghiệm, vốn và kỹ năng phục vụ khách hàng. Nhận ra những thiếu sót trên, UBND xã Đăk Rơ Wa đã tổ chức đưa 8 hộ gia đình mở dịch vụ homestay đi trải nghiệm thực tế và tập huấn mô hình du lịch tại tỉnh khác.
Không chỉ vậy, địa phương này còn liên kết với Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Kon Tum đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Cũng từ đây, cuộc sống dân làng Kon K’tu bước sang một trang mới. Từ những người nông dân chân đất, họ bước hẳn sang ngành công nghiệp không khói. Miệng đã quen dần với những cụm từ tiếng Anh mà trước đây chỉ xuất hiện trên phim ảnh. Kon K’tu đón tiếp hàng chục ngàn du khách mỗi năm. Nhà cửa trong làng cũng khang trang hơn từ dạo ấy.
|
Nhà thờ cổ kính của làng Kon K’tu. ĐỨC NHẬT |
Hơn 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, Kon K’tu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các homestay phải đóng cửa. Những chiếc thuyền độc mộc gác mái bên sông. Những bậu cửa nhà sàn nằm im lìm đợi khách. Anh A Sơm (25 tuổi, con trai út của già A Banh), người đã tốt nghiệp khóa học dịch vụ nhà hàng và từng giữ vị trí bếp trưởng của một nhà hàng trong vài năm, cho biết: “Những ngày dịch bệnh, ở làng không có khách đến thăm, em ra Hà Nội học hỏi thêm kinh nghiệm về nấu ăn. Vài tháng nay dịch bệnh đã lắng xuống, nên em trở về làng tiếp tục làm du lịch và tiện chăm sóc bố mẹ”.
Không chỉ A Sơm, những ngày này, dân làng Kon K’tu cũng đang tất bật chuẩn bị đón du khách trở lại khi dịch Covid-19 đã được đẩy lùi.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết nhờ có nhánh sông Đăk Bla chảy qua đã tạo cho làng Kon K’tu có thêm khung cảnh nên thơ, hữu tình, hấp dẫn khách du lịch khi đến tham quan. Gần đây làng Kon K’tu đã được các công ty lữ hành, khách du lịch gần xa trong và ngoài nước đánh giá là địa điểm du lịch hấp dẫn với sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc. (còn tiếp)
Nói không với thủy điện Vài tháng trước, có một doanh nghiệp về tận nơi tham vấn ý kiến người dân về việc xây dựng thủy điện trên sông Đăk Bla. Địa điểm dự kiến xây dựng thủy điện chỉ cách làng Kon K’tu khoảng 500 m. Dân làng không đồng ý, bởi nếu dự án được xây dựng sẽ đánh mất vẻ đẹp nguyên sơ của làng. Nó đồng nghĩa với việc một dòng sông chết sẽ xuất hiện, sẽ chẳng ai còn thiết tha đến tham quan, du lịch ở một nơi có con sông trơ đáy. Ghi nhận ý kiến của dân làng, UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị doanh nghiệp làm rõ các nội dung liên quan đến dự án. “Sở VH-TT-DL Kon Tum cũng nhất quyết không đồng ý xây dựng thủy điện ở đây. Khi xây dựng đập thủy điện, sẽ làm mất đi cảnh quan, tạo nên đứt gãy trong chuỗi kết nối các hoạt động du lịch, do đó sẽ làm cho hoạt động du lịch tại Kon K’tu bị ảnh hưởng lớn, mất cơ hội việc làm của cộng đồng”, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình nói. |
Theo Đức Nhật (TNO)