Doanh nghiệp không ký hợp đồng: Người lao động thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không hiểu biết pháp luật, không có bằng cấp, nhiều lao động chấp nhận làm “chui”, không ký hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Không những vậy, trong quá trình làm việc, người lao động luôn bị động vì chỉ cần có sai phạm là dễ dàng bị doanh nghiệp sa thải mà không phải bồi thường hợp đồng và cũng không được hưởng chế độ như các lao động có đóng bảo hiểm.

Công tác tại một công ty sản xuất đồ gỗ gia dụng tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) từ tháng 3-2015 đến nay nhưng chị Trần Thị Thanh (trú tại hẻm Nguyễn Xí, thôn 3, xã Trà Đa) không được công ty ký hợp đồng lao động.

Chị Thanh cho biết: “Lúc tôi mới vào làm, lương khởi điểm là 2,7 triệu đồng/tháng. Họ nói năm sau sẽ tăng lên thành 3 triệu đồng/tháng và sẽ tăng đều theo từng năm. Năm sau họ có tăng lương cho tôi nhưng sau đó thì không thực hiện như lời đã hứa. Công ty không ký hợp đồng lao động cũng như không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tôi”.
 

Người lao động yên tâm công tác khi công ty đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: N.N
Người lao động yên tâm công tác khi công ty đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: N.N

Chị Thanh bức xúc kể tiếp: “Tôi làm bên bộ phận ghép; trung bình mỗi tháng là 26 công nhưng công ty thường xuyên bắt tăng ca lên 37, 38 công/tháng (tăng ca 3 tiếng tính thành 1 công). Công việc nặng nhọc, nhưng công ty không tăng lương theo lời hứa. Khi chúng tôi có việc gia đình xin nghỉ thì bị trừ lương và phạt thêm ngày công… Về việc hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm các loại, chúng tôi thắc mắc thì công ty thoái thác. Họ nói lao động có thâm niên từ 3 năm trở lên mới được ký hợp đồng… Không chấp nhận bị bóc lột sức lao động, tôi đã xin nghỉ việc”.

Cùng làm chung với chị Thanh từ tháng 4-2015 đến nay, chị Trần Thị Thùy (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) cho biết thêm: Không có bằng cấp, không hiểu biết pháp luật nên chị không nghĩ đến việc yêu cầu ký hợp đồng lao động, sau khi được một số người hiểu chuyện hướng dẫn, giải thích mới thấy mình bị thiệt thòi. “Chúng tôi đòi hỏi quyền lợi thì công ty không giải quyết mà còn tạo áp lực bằng cách đòi đuổi việc.

Do chồng đã mất, một mình tôi phải nuôi 3 con nhỏ nên đành nhẫn nhịn qua ngày. Nhưng công ty không tăng lương, công nhân thường xuyên phải tăng ca… nên tôi đã nghỉ việc để xin làm chỗ khác. Chuyện công ty không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho người lao động như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Nếu muốn kiến nghị về việc này người lao động gửi khiếu nại đến cấp ngành nào để được giải quyết?”-chị Thùy nêu thắc mắc.

Vấn đề chị Thanh, chị Thùy nêu cũng là băn khoăn của một số lao động trên địa bàn tỉnh gửi đến cơ quan BHXH tỉnh trong buổi giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày 11-10 vừa qua. Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Quản lý Thu-BHXH Gia Lai cho biết: Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ, các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 1-1-2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp của ông (bà) công tác trên 3 năm mới được tham gia BHXH bắt buộc như công ty nói trên là trái với quy định của pháp luật.

Theo đó, người lao động cần gửi đơn kiến nghị lên tổ chức Công đoàn cơ sở nơi đang công tác hoặc cơ quan Lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội); Liên đoàn Lao động hoặc cơ quan  BHXH để thanh tra, kiểm tra kiến nghị việc thực hiện BHXH cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn vị không thực hiện sau thanh tra, kiểm tra thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc đơn vị, doanh nghiệp lách luật không đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Chính vì vậy, hơn ai hết, người lao động cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, cần lên tiếng khi không được ký hợp đồng, không được đóng đầy đủ các chế độ BHXH để các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Về phía cơ quan BHXH Gia Lai,  từ đầu năm đến nay, BHXH Gia Lai đã tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của ngành BHXH, qua đó kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, giúp cho đơn vị tổ chức thực hiện tốt hơn nữa về chế độ chính sách bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.